3 tháng sửa soạn cho một... bữa cỗ đặc biệt
Dù thời gian “làm cỗ” lên đến 3 tháng, nhưng người phụ nữ này tiết lộ làm chỉ để chơi, thỏa mãn đam mê chứ không bán. Chị Nguyễn Như Quỳnh vốn là một trong những người đầu tiên ơ Việt Nam tay ngang mày mò với bộ môn Miniature (làm các sản phẩm mini bằng đất sét) và nổi tiếng khi đã từng tung ra những sản phẩm mini cực kỳ tinh tế như sạp rau củ quả bằng đất sét trông y như thật, từng chi tiết kỳ công.
Cách đây 3 tháng chị Quỳnh bắt đầu làm cành đào mini bằng đất sét để trưng dịp Tết. Tuy nhiên, khi thấy cành đào xinh quá thì chị có cảm hứng làm các sản phẩm tiếp theo đủ để gom lại thành mâm cỗ Tết truyền thống với các món phụ kiện đầy đủ từ đồ mã mũ áo đến cả cá vàng tiễn ông Công ông Táo về trời. Phần mâm cỗ chính có đầy đủ “các món” như: gà luộc, thịt đông, bánh chưng, canh củ quả, giò chả, tôm hấp, mâm ngũ quả, bánh trôi chay, nem rán, cá sốt cà chua, xôi gấc cá chép, hộp mứt Tết.
Do những sản phẩm của mâm cỗ Quỳnh làm là những món ăn quen thuộc trong Tết cổ truyền, gần gũi với mọi người nên ai nhìn mâm cỗ (dù không ăn được này) cũng thích thú và vô cùng hào hứng. Quỳnh cho biết chị cũng vui vì mọi người ủng hộ và theo dõi tạo cho chị động lực để tạo ra những sản phẩm đẹp hơn nữa.
Quỳnh tâm sự: “Thời gian gần Tết năm nay mình khá rảnh nên cũng có toàn thời gian dành cho đất sét. Mình thích những gì cổ xưa, trong khi Tết cổ truyền ngày nay đã dần mai một nên mình muốn thông qua mâm cỗ Tết này để mọi người có thể giữ lại chút dư vị Tết của ngày xưa, khi mà cả gia đình sum vầy cùng làm cỗ cúng ông bà tổ tiên. Không khí Tết ấm cúng thực ra không tiền nào mua được”.
Để làm cả mâm cỗ và những phụ kiện Tết xung quanh chị Quỳnh cho biết mất đúng 3 tháng để hoàn thiện. Mỗi sản phẩm khó khác nhau vì sản phẩm nào cũng cần tỉ mỉ từng chi tiết để giống như thật nhất.
Riêng về lọ hoa đào Quỳnh cho biết đây là sản phẩm mất nhiều thời gian nhất, chừng 2 tuần để làm cành đào và bình đất. Để được một cành đào tỉ mỉ như vậy phải làm rất nhiều hoa. Làm sản phẩm Miniature không quá tốn tiền, nhưng cái tốn nhất chính là thời gian và công sức. Như cành đào chị làm thì mua dây đồng có vài nghìn, nhưng để uốn cành cắt tỉa thì lâu khủng khiếp. Đấy là còn chưa nói công đoạn hòa đất và trát đất sét lên từng cành, đánh màu và tô màu.
Đất sét để trát lên cành phải có độ mềm vừa phải, không quá lỏng không quá đặc, vì đặc sẽ khó làm cành nhỏ, còn đất sét quá lỏng thì sẽ bị chảy. Quỳnh vừa làm vừa pha tỉ lệ, nhưng không phải làm một lần mà được ngay vì vậy mất khá nhiều công.
Sản phẩm lâu thứ 2 trong mâm cỗ đặc biệt trên chính là bánh chưng, vì để làm chiếc bánh như thật phải nặn từng hạt gạo gắn lên phần cốt bánh. Nếu không làm kỹ sản phẩm sẽ trông giả và không có hồn. Phần nhân bánh với thịt, đỗ, thịt mỡ, hạt tiêu cũng đều phải làm tỉ mỉ như bánh thật. Sản phẩm này Quỳnh mất vài ngày để hoàn thiện.
Mỗi một món ăn hay phụ kiện đi kèm như quả cau, đồ mã… đều cần đến các công đoạn tỉ mỉ khác nhau. Đồ mũ áo ông Công ông Táo Quỳnh cắt ra từ những tấm thiệp, bao lì xì và dùng thêm lá vàng, nhũ kim tuyến. Với con gà luộc Quỳnh mất 2 hôm để làm vì tạo hình đã lâu sau đó đến bước dặm màu và đem sản phẩm nướng.
Quỳnh kể trong mâm ngũ quả thì nải chuối làm lâu nhất vì phải nặn và tạo hình từng quả kĩ lưỡng rồi mới ghép lên. Còn quả phật thủ để trông giống thật nhất thì công đoạn đánh màu khá lâu. Quả táo cũng vậy, nếu làm không cẩn thận thì quả táo nhìn trông sẽ rất giả.
“Đồ Miniature cần để ý tiểu tiết thì sản phẩm mới đẹp và thực. Nhưng vì những gì liên quan đến nét văn hoá truyền thống Việt Nam thì luôn mang cảm hứng sáng tác rất lớn và khi mà mình đã thích đã đam mê thì sẽ cố gắng thực hiện cho bằng được sản phẩm đó một cách có hồn nhất”, Quỳnh tâm sự.
Không thấy nặng nhọc chỉ thấy xả stress
Trước đây Quỳnh từng nổi tiếng với Miniature từ sạp rau củ, chợ hoa quả và giờ đến bộ sản phẩm Tết cổ truyền. Quỳnh cho biết mỗi thời gian làm bộ sản phẩm nào đều đem lại cho chị 1 cảm xúc khác nhau. Nhưng tất cả đều nhớ về kỉ niệm tươi đẹp tuổi ấu thơ và chị muốn lưu giữ điều đó cho chính mình và các con qua các sản phẩm.
Nhiều người thắc mắc rằng bỏ 3 tháng trời để làm 1 bộ sản phẩm không để kinh doanh, chỉ để ngắm có là quá điên? Không nói về nguyên liệu thì công sức quá lớn và thú chơi này khá xa xỉ. Nhưng Quỳnh thì vô cùng hài lòng khi ngắm nhìn thành quả, cảm giác viên mãn trong chị có thật.
Ai đó cũng nghĩ rằng làm 3 tháng trời, tỉ mỉ đến độ khủng khiếp như thế thì quá vất vả, nhưng Quỳnh lại coi đây là thời gian xả stress hiệu quả. “Mỗi khi cảm thấy áp lực mệt mỏi với cuộc sống hiện tại thì đây là chốn yên bình mà mình muốn ở trong đó”, Quỳnh quả quyết.
Lý giải về việc nhiều người coi dịp Tết là một cơ hội kinh doanh thì Quỳnh lại tiêu tốn thời gian, công sức và tiền bạc vào một thú chơi, Quỳnh nói: “Có lẽ vì mỗi người 1 đam mê, được đắm chìm trong đam mê và được thỏa sức với nó cũng là một loại hạnh phúc”.
Hiện tại bộ sản phẩm mâm cỗ Tết cổ truyền đang được trưng trong nhà và Quỳnh ngắm hàng ngày. Đủ mâm cúng ông Công ông Táo, Quỳnh cũng đốt hương mini nhưng không cúng mà tận hưởng nó bằng thị giác và mọi giác quan khác.
Để làm ra bộ sản phẩm này chị đã quên ăn quên ngủ. Sáng đưa con đi học là Quỳnh ngồi vào bàn làm đến chiều đón con về, tối lúc rảnh lại tiếp tục. Khi Quỳnh khoe sản phẩm thì người hỏi mua rất nhiều, nhưng Quỳnh không bán “đứa con tinh thần” của mình. Quỳnh bảo nếu làm sản phẩm để bán thì chị sẽ dễ bị mất cảm hứng; nhưng nếu xác định làm chơi, làm cho mình thì sản phẩm mới có hồn, thật và đẹp nhất.
Ngay từ chậu cá vàng nhiều người có thể tưởng là cá thật nhưng thực tế đó vẫn là đồ Miniature, nước là một dang resin khi khô nó cứng lại và có hiệu ứng như nước, nhìn ngoài y như thật.
Độ bền của những sản phẩm Miniature rất cao. Như bộ rau củ quả lần đầu chị tung ra và được nhiều người biết đến giờ đã có "tuổi thọ" 10 năm và hiện trạng vẫn như mới.
Hiện tại, chị Quỳnh đang trưng bày mâm cỗ trên chiếc bàn dài 20cm (mỗi món đồ có kích thước tầm 1-3cm) và hàng ngày ngắm nhìn sản phẩm của mình mà cảm giác như được ăn Tết sớm.