Ở một nơi có những phụ nữ dành cả cuộc đời để ‘học cách làm mẹ’ của người đứa trẻ nhiễm HIV. Còn những đứa trẻ nhiễm HIV thì luôn cố gắng sống đấu tranh với bệnh tật để tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp.
Để hiểu rõ hơn về cuộc sống của những đứa trẻ nhiễm HIV mồ côi và bị bỏ rơi tại Phòng Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, chúng tôi xin gửi tới quý độc giả tuyến bài: Chuyện chưa kể ở ngôi nhà nuôi dạy trẻ nhiễm HIV.
Bài 1: Những 'thiên thần' nhiễm HIV dũng cảm khiến người lớn cũng phải nể
Những đứa trẻ "thiên thần"
Phòng Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) là nơi khá đặc biệt - nơi tiếp nhận trẻ bị nhiễm HIV .
Ở đây không có sự xô bồ, tối tăm khi người ta nhắc tới căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS thay vào đó là những tiếng cười trong veo của trẻ thơ. Sự vui vẻ, an lạc của những đứa trẻ "thiên thần" ở nơi đây khiến cho chúng tôi cảm thấy có thêm nhựa sống để cố gắng phấn đấu hơn.
Phía sau những ánh mắt biết cười của những đứa trẻ nhiễm HIV là những câu chuyện của tình yêu thương, đùm bọc. Các con là những đứa trẻ không may sinh ra đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Có con bị bỏ lại ngay trước cổng cơ sở, con thì bị bỏ ở bãi tha ma, con thì được cơ sở đưa về, có con thì ông bà già yếu gửi vào cơ sở để chăm sóc…
Đã có 13 năm gắn bó với những đứa trẻ nhiễm HIV chị Đỗ Thị Nhung, Phó phòng Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) luôn coi những đứa trẻ ở đây là những "thiên thần" gọi bằng con và xưng mẹ.
Chị Nhung hạnh phúc khi được chăm sóc những đứa trẻ nhiễm HIV.
Chị Nhung cho biết, những đứa trẻ tại đây rất ngoan và lễ phép. Các con có thể không được đầy đủ như bạn bè cùng trang lứa. Nhưng bù lại các con luôn nhận được tình yêu thương vô điều kiện của các mẹ trong phòng .
Theo chị Nhung tình yêu thương của chị dù lớn đến đâu cũng không thể bù đắp được những thiếu thốn, mất mát của các con. Những đứa trẻ ở đây thường là những đứa trẻ 3 trong 1: mồ côi, bị bỏ rơi, nhiễm HIV.
Thuốc có thể giúp các con kiểm soát được bệnh, nhưng những đứa trẻ ở đây còn cần cả tình yêu thương. Tình yêu thương là thứ phải được xây dựng và bồi đắp không có phương thuốc nào có thể thay thế được.
Nhớ về những lần đầu tiên gặp những đứa trẻ nhiễm HIV khi chưa có thuốc uống, thể trạng của các con yếu, ghẻ lở, ốm đau, tiêu chảy… chị Nhung cũng đã từng e ngại. Nhưng rồi bằng sự hiểu biết, thương yêu, đồng cảm chị đã vượt qua để gắn bó với các con.
Chị Nhung cho hay, chăm sóc những đứa trẻ nhiễm HIV nếu không có tình thương thì chắc chắn không thể gắn bó được lâu dài. Từng ngày trôi qua chị Nhung đang học nghề 'làm mẹ' đúng nghĩa.
"Chúng tôi không chỉ nuôi các con bằng bản năng và sự yêu thương. Để chăm sóc tốt cho các con chúng tôi cần phải học thêm nghiệp vụ chuyên môn để nuôi con đúng khoa học", chị Nhung chia sẻ.
Để có thể làm mẹ tốt của các con chị Nhung và các đồng nghiệp đã phải tự tìm hiểu kiến thức về HIV, tham gia các lớp tập huấn đào tạo… Nhờ vậy mà chị và đồng nghiệp tự tin có thể nuôi các con tốt nhất.
Tuy nhiên, không phải lúc nào những điều mong muốn đối với các con cũng có thể thành hiện thực. Có những đứa trẻ có giấy nhận về cơ sở nhưng chị Nhung chưa được gặp mặt các con đã mất tại viện.
Chị luôn đau đáu mỗi khi nghĩ về trường hợp của cháu V.V.T được người nhà đưa đến cơ sở vào năm 2013, trong thể trạng gầy yếu, mắt không nhìn rõ.
Ngay sau khi tiếp nhận T chị đã phải đưa cháu tới bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Bé T nằm viện hơn 1 tháng, các bác sĩ có thể cứu được mạng sống cho bé nhưng đôi mắt bé giảm thị lực không thể nhìn rõ.
"T là một đứa trẻ ngoan và có nghị lực sống. Nếu như con không có khao khát vươn thì tôi cũng thấy đỡ xót lòng hơn. Giá như ngày đó gia đình cháu đưa cháu đến cơ sở sớm, chắc giờ mắt cháu vẫn còn cơ hội thấy ánh sáng", chị Nhung xúc động nói.
"Nếu không may tôi bị mắc bệnh nan y nào đó, tôi sẽ chọn nhiễm HIV"
Chăm sóc các con nhiễm HIV chị Nhung luôn cảm giác ấm áp.
Chị Nhung tâm sự, việc chăm sóc cho một đứa trẻ bình thường đã khó, thì nhiễm HIV sẽ cần phải mất rất nhiều thời gian. Hàng ngày chị Nhung đi làm từ sáng sớm, tối mịt mới về nhà, một tháng có từ 10 -12 ngày chị phải trực đêm tại cơ sở. Cũng chính vì vậy thời gian để gặp con đẻ sẽ ít hơn các con nhiễm HIV rất nhiều.
"Con ở đây là trẻ mồ côi, con của tôi cũng là con mồ côi (bố mất sớm khi 4 tháng tuổi). Tôi thường nói với con về công việc của mình và lý do chọn công việc đó là để gần con hơn. Nhờ vậy mà con đẻ của tôi chấp nhận quen với sự vắng mặt của mẹ ở nhà", chị Nhung chia sẻ.
13 năm qua chị Nhung cũng có cơ hội tìm một công việc khác có thời gian chăm sóc con đẻ nhiều hơn. Nhưng chị đã không thể xa rời được những đứa trẻ nhiễm HIV tại cơ sở.
Chị Nhung tâm sự: "Tôi nói điều này nhiều người sẽ không tin, sẽ nghĩ tôi suy nghĩ tôi "điên khùng". Nhưng trải qua thời gian gắn bó với các con tôi rất khó có thể bỏ việc này. Tôi hạnh phúc với nghề làm mẹ của những đứa trẻ nhiễm HIV.
Nếu không may mắc bệnh nan y, tôi sẽ chọn nhiễm HIV, vì nếu được uống thuốc chăm sóc tốt bệnh nhân sẽ sống với tuổi thọ rất cao".
Bài 3: Cô bé nhiễm HIV bị bỏ rơi ước ao muốn gặp bố mẹ một lần để nói lời cảm ơn
Đọc thêm bài cùng tác giả Ngọc Minh, tại đây.