Người phụ nữ hớt hải đòi chuyển gấp 350 triệu đồng, nhân viên ngân hàng nhanh trí báo cảnh sát, chặn đứng hành vi lừa đảo tinh vi

Khuê Hiền |

Nhờ sự nhanh trí của nhân viên ngân hàng, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng xấu đã bị ngăn chặn.

Mới đây, bà Nhiệm sống ở quận Gia Định, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã được cuộc gọi từ một người tự nhận là cảnh sát Bắc Kinh, cho biết bà có liên quan đến một vụ án “rửa tiền” nghiêm trọng và điện thoại của bà đã bị đối tượng xấu theo dõi. Người này yêu cầu bà Nhiệm cung cấp các thông tin cá nhân để phục vụ cho quá trình phá án, cũng như chứng minh bản thân vô tội. Nếu bà Nhiệm không hợp tác, toàn bộ thẻ ngân hàng, thẻ CCCD và các giấy tờ liên quan của bà có thể sẽ bị ''đóng băng''.

Người phụ nữ hớt hải đòi chuyển gấp 350 triệu đồng, nhân viên ngân hàng nhanh trí báo cảnh sát, chặn đứng hành vi lừa đảo tinh vi- Ảnh 1.

Tiếp nhận thông tin từ người này xong, bà Nhiệm vô cùng hoang mang và lo lắng. Vì lo sợ bản thân có thể bị liên lụy, bà Nhiệm lập tức thực hiện các yêu cầu mà phía người tự xưng là cảnh sát Bắc Kinh đề ra.

Bà Nhiệm hớt hải chạy đến phòng giao dịch của ngân hàng đang đăng ký sử dụng thẻ. Trên tay bà vẫn cầm chiếc điện thoại áp sát vào tai để lắng nghe những thông tin phía bên kia cung cấp. Tại ngân hàng, nữ nhân viên giao dịch thấy bà lão có vẻ bất an liền đến hỏi thăm. Lúc này, bà Nhiệm nhắc nhở cô không được nói to vì điện thoại của mình đang bị đối tượng xấu theo dõi. Bà Nhiệm cũng cho biết muốn chuyển tiền gấp nên nhờ nhân viên hỗ trợ.

Thấy bà lão liên tục cầm điện thoại liên hệ cho ai đó với tâm lý lo lắng, nữ nhân viên nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo nên đã nhanh trí báo cho cảnh sát quận Gia Định. Trong lúc nhân viên trấn an và lấy thông tin từ bà lão, cảnh sát đã có mặt để xử lý vấn đề.

Người phụ nữ hớt hải đòi chuyển gấp 350 triệu đồng, nhân viên ngân hàng nhanh trí báo cảnh sát, chặn đứng hành vi lừa đảo tinh vi- Ảnh 2.

Bà Nhiệm được cảnh sát cảnh báo về hành vi lừa đảo viễn thông và đưa về cơ quan để lấy lời khai. Tại đây, bà Nhiệm cho biết một cảnh sát Bắc Kinh yêu cầu bà cung cấp ảnh CCCD, thẻ ATM và thực hiện một giao dịch tại ngân hàng. Người này nói bằng việc làm này sẽ giúp bà chứng minh bản thân không liên quan đến vụ án ''rửa tiền'', cũng như giúp bảo quản tài sản của mình. Bà Nhiệm cho biết trong thẻ ATM hiện có 100.000 NDT tiền tiết kiệm (khoảng 350 triệu đồng) và có ý định chuyển toàn bộ số tiền này cho vị cảnh sát Bắc Kinh đó.

Nắm được đầu đuôi sự việc, phía cảnh sát quận Gia Định cho biết bà Nhiệm đã bị các đối tượng giả danh cảnh sát Bắt Kinh nhắm đến với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, bà cũng không liên quan đến bất kỳ vụ án ''rửa tiền'' nào hết.

Người phụ nữ hớt hải đòi chuyển gấp 350 triệu đồng, nhân viên ngân hàng nhanh trí báo cảnh sát, chặn đứng hành vi lừa đảo tinh vi- Ảnh 3.

Sau khi lấy thông tin, cảnh sát xác định các đối tượng xấu gửi cho bà Nhiệm hình ảnh các loại giấy tờ pháp lý giả. Vì thế, bà đã không nghi ngờ và làm theo mọi yêu cầu của chúng. “Trong quá trình thực thi pháp luật, cảnh sát luôn phải xuất trình thẻ trực tiếp, không sử dụng hình ảnh online hay qua các ứng dụng điện thoại", theo Quách Ti Thần - một sĩ quan cảnh sát từ Sở cảnh sát Gia Thành thuộc Cục Công an quận Gia Định, thành phố Thượng Hải.

Qua sự việc, cảnh sát quận Gia Định, thành phố Thượng Hải một lần nữa nhắc nhở người dân nên đề cao cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước, cơ quan Cảnh sát để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Ngoài ra, người dân cần tỉnh táo, cảnh giác trước các giọng điệu đe dọa, bình tĩnh để xem xét sự việc có căn cứ hay không. Nếu nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại