Người phụ nữ hơn 40 năm "cướp cơm Hà Bá"

Thuý An |

Hơn 40 năm qua, người phụ nữ này vẫn lặng lẽ gắn bó với công việc không giống ai của mình đó là vớt xác người chết dưới sông Lam và cứu người nhảy cầu tự tử.

Đó là bà Nguyễn Thị Nguyệt (60 tuổi, trú tại khối 1, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Lam bà Nguyệt đã chứng kiến không ít người xấu số phải bỏ mạng từ chính dòng sông này. Với tình thương người, bà đến với cái "nghiệp" đưa những linh hồn lầm lỡ gieo mình xuống sông, hay những người xấu số không may gặp nạn về với đất mẹ yêu thương…

Duyên nợ với người… "chán sống"

Chúng tôi tìm về thị trấn Xuân An, hỏi thăm nhà người phụ nữ nổi danh "cướp cơm Hà Bá" thì một phụ nữ trạc ngũ tuần tên là Hà nhanh nhảu đáp: "Bà Nguyệt vớt xác chứ gì? Cả vùng này chỉ có bà ấy là phụ nữ dám đi vớt xác người thôi. Để tôi chỉ nhà cho…".

Qua cổng căn nhà lụp xụp, xuất hiện trước mặt chúng tôi là người đàn bà có dáng người đậm đà và có nụ cười nhân hậu. Thấy khách lạ bà vui vẻ mời chào.

Người phụ nữ hơn 40 năm cướp cơm Hà Bá - Ảnh 1.

Bà Nguyệt vui vẻ bên cháu nội của mình.

Rót chén nước mời chúng tôi, bà Nguyệt kể, gia đình bà lênh đênh trên những con thuyền, kiếm ăn nhờ những con tôm con cá nơi đây. Mẹ mất khi bà tròn tuổi 17, vài năm sau bố đi thêm bước nữa, bà vừa làm chị, vừa làm mẹ chăm sóc cho các em. Tròn 20 tuổi, bà tình nguyện nhập ngũ. Năm 1989, bà xuất ngũ trở về quê hương và lập gia đình với một chàng trai Hà Nội.

Khi bà mang thai cũng là lúc người đàn ông ấy bỏ đi "bặt vô âm tín", để lại bà cùng đứa con chưa chào đời. Khó khăn càng chồng chất khó khăn, bà vừa nuôi còn nhỏ vừa chăm người em trai út bị tật nguyền, câm điếc bẩm sinh. Cuộc sống của 3 người chỉ dựa vào những con cá, con tôm mà bà kiếm được sau mỗi tối đi bắt.

Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Nguyệt kể về nghiệp "vớt xác" đã gắn bó với bà gần 40 năm. Bà cho biết: "Lâu lắm rồi, có lẽ cũng ngót nghét 40 năm, khi đó tôi đang thả lưới trên sông thì thấy có chú bộ đội bị lật thuyền thúng khi làm nhiệm vụ. Mọi người hốt hoảng, hô hoán kêu cứu nhưng không ai dám nhảy xuống sông. Chẳng đắn đo, tôi vơ lấy đồ nghề đánh cá, nhảy xuống sông ứng cứu. Do từ chỗ tôi đến nơi xảy ra lật thuyền khá xa nên tôi đã không kịp cứu nạn nhân. Sau 2 tiếng đồng hồ, tôi mới tìm được thi thể. Cái nghề vớt xác vận vào tôi từ đó".

Bà Nguyệt bảo, về sau cứ có người chết trôi sông bà đều vớt thi thể lên. Cứ thế, bà nổi tiếng với cái tên người đàn bà "câu xác" trên dòng sông Lam. Sau đó, cứ mỗi lần có người chết đuối trên vùng sông Lam là người ta lại tìm đến bà. "Thực sự tôi cũng nghĩ làm việc này chỉ là việc thiện, tích đức cho con cháu sau này chứ cũng chẳng bao giờ nghĩ là sẽ mưu sinh bằng cái nghề này. Có ai nhờ là đi chứ không ngại khó ngại khổ, bất kể thời gian nào, bận bịu ra sao", bà Nguyệt tâm sự.

Không những vớt xác người, mỗi khi thấy có người thơ thẩn, buồn bã có ý định tự tử là bà Nguyệt lại tìm đến khuyên nhủ, động viên. Thậm chí, rất nhiều trường hợp đã được bà cứu sống khi vừa gieo mình xuống dòng sông Lam.

Gần đây nhất, cuối năm năm 2018, một đôi bạn trẻ do bị gia đình phản đối chuyện tình cảm đã tìm cách tự vẫn. Mặc dù trời đang vào đợt lạnh cắt da cắt thịt nhưng nghe thấy tiếng kêu thất thanh của những người trên cầu, bà Nguyệt vội chèo chiếc thuyền nan rồi nhanh chóng lao mình xuống dòng nước đang cuồn cuộn, chảy xiết.

Dù quá quen với nghề vớt xác suốt mấy chục năm qua nhưng có những trường hợp cho đến tận bây giờ vẫn ám ảnh bà Nguyệt, khiến mỗi khi nhớ lại bà không khỏi rùng mình. Nhiều lần bà phải ôm tử thi đang phân huỷ bơi lên bờ trong sự sợ hãi của nhiều người. Hay như trường hợp đôi tình nhân cột vào nhau nọ, bà phải rà lưới 2 ngày rồi lặn xuống dùng tay mò mới phát hiện được. Tìm được họ vào giữa đêm khuya lạnh giá, lặn xuống kéo lên không được, gỡ dây trói không xong vì hai cái xác đã trương lên, dây thừng cứa vào thịt. bà lại phải bơi về thuyền lấy dao lặn xuống cắt dây, rồi ôm từng xác bơi lên bờ. Tắm rửa, thay quần áo mới cho họ..., bà làm những việc đó như những người thân trong gia đình.

"Làm vì tình người, tình đời"

Hàng chục năm nay, bà chứng kiến hàng trăm người phải bỏ mạng trên dòng sông Lam. Không ít trường hợp người chết đuối là trẻ em, phụ nữ… Có cả những đôi yêu nhau, đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời cũng gieo mình xuống lòng sông. Đau xót nhất là khi vớt xác lên, cơ thể bị phân hủy mạnh, các bộ phận không còn nguyên vẹn, người nhà chỉ có thể nhận dạng qua mảnh quần áo còn sót lại.

Người phụ nữ hơn 40 năm cướp cơm Hà Bá - Ảnh 2.

Món đồ nghề duy nhất bà Nguyệt dùng mỗi khi vớt xác.

Chúng tôi có đôi chút thắc mắc, vì theo như quan niệm kiêng kị của những người dân làm chài lưới, ai cũng nói chuyện cứu hay vớt những người tự tử là cái nghiệp "cướp cơm hà bá". Nghe vậy, bà cười nói: "Lương tâm mình không cho phép thấy mà không cứu vớt. Thấy người ta như thế mình xót, không làm không được. Làm vì tình người, tình đời khi mà cái nghiệp nó vận vào người. Nếu sợ thì tôi đã không làm tới tận bây giờ. Có những người không có gia đình, tôi vẫn một mình làm lễ đầy đủ cho họ rồi mai táng đàng hoàng. Mình bớt chút chi tiêu để có thể giúp cho họ".

Qua một lúc trò chuyện với bà Nguyệt, chúng tôi thấy tay và chân của bà đều bị sưng phù. Hỏi ra mới biết, bà mắc chứng tê thấp, căn bệnh đang ngày càng nặng. Vừa qua bà đi khám tại bệnh viện, các bác sỹ khuyên nên điều trị và hạn chế tiếp xúc với nước lạnh nhiều. "Cuộc sống khó khăn, ngoài nghề chài lưới tôi còn biết làm gì nữa đâu.

Thôi thì cố gắng được ngày nào hay ngày ấy, chỉ mong trời phù hộ có sức khỏe để tôi có thể tiếp tục công việc "tích đức cho đời". Biết là khổ, là hiểm nguy nhưng cái nghiệp đã ngấm vào máu tôi mấy chục năm rồi, giờ thấy "họ" bị trôi sông tôi không thể làm ngơ được", bà Nguyệt tâm sự.

Đến nay, khi đã bước qua tuổi 60, bà Nguyệt không thể nhớ được mình đã vớt được bao nhiêu xác người xấu số từ đoạn sông này và sẽ còn phải vớt bao nhiêu nữa.

Hàng ngày, bà Nguyệt vẫn âm thầm làm bạn cùng sông nước. Hiện con trai duy nhất của bà cũng trưởng thành, lập gia đình và sinh con. "Niềm vui của tôi mỗi ngày là được quây quần bên các con, các cháu. Trải qua từng ấy thời gian, giờ chỉ mong sao các con, các cháu khỏe mạnh, được học hành đến nơi đến chốn, có cuộc sống sung túc hơn, không phải suốt ngày lo chuyện cơm áo gạo tiền", bà Nguyệt tâm sự.

Khi được hỏi về mong muốn sau này, người đàn bà tuổi ngoài 60 này trầm ngâm cho hay, bà hy vọng sẽ có lúc "thất nghiệp". Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không còn những phận người xấu số bỏ mạng dưới dòng sông lạnh lẽo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại