"Trẻ tự kỷ cũng có giá trị với xã hội"
Vốn là tư vấn viên của Tổng đài 111, ngoài những lời cầu cứu, ngoài những tâm sự muốn chia sẻ của những đứa trẻ thì chị Phan Lan Hương nghe được không ít câu chuyện của những phụ huynh. Trong đó, có nhiều phụ huynh tâm sự về việc những đứa con tự kỷ của họ học xong Tiểu học, THCS, THPT thì không biết đi đâu. Họ lo lắng nếu mình không còn trên cuộc đời này thì không biết những đứa trẻ ấy sẽ xoay xở thế nào, sống ra sao. Điều đó khiến chị Hương trăn trở rất nhiều.
Chị Phan Lan Hương mong muốn dạy cho trẻ tự kỷ trọn vẹn một nghề
Cuối năm 2018, Trung tâm Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ ra đời từ sự trăn trở ấy. Không phải Hà Nội không có các trung tâm hướng nghiệp dành cho trẻ khuyết tật, thế nhưng, những trung tâm này chủ yếu dạy trẻ một công đoạn của nghề chứ không dạy trọn vẹn một nghề. Mong muốn của chị Hương là dạy đứa trẻ làm được trọn vẹn một sản phẩm để chúng có thể tự nuôi được bản thân mình.
Nhiều trẻ tự kỷ có khả năng vẽ tốt
Chị Hương chọn hội hoạ là môn học đầu tiên để dạy các con. Bởi hội hoạ là một trong những cách mà trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển dễ tiếp cận. Hội hoạ lại không cần quá chỉn chu mà do cảm nhận của từng người. Học vẽ, có những đứa trẻ có khả năng sáng tạo tốt, chỉ cần nghe bản nhạc là có thể vẽ được bức tranh, lại có những đứa trẻ sao chép tốt, chúng nhìn bức tranh và vẽ theo.
Sau môn vẽ, chị Hương cho các con học khâu sổ tay handmade, làm bìa vải, làm túi cỏ bảng, vẽ hình lên mũ, túi… Chị cho các con làm những sản phẩm tái chế từ vỏ chai, vỏ hộp nhựa… Ngoài ra, các con còn được học pha chế các đồ uống truyền thống, làm món chè… Trung tâm có 5-6 cô giáo, các con có khả năng, phù hợp với môn nào thì sẽ được học môn đó.
Những món đồ handmade rất xinh xắn, đáng yêu được làm bởi những đứa trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển
Chị Hương cho biết, dạy nghề cho đứa trẻ bình thường khó 10 thì dạy cho đứa trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển khó 100. Bởi những đứa trẻ này việc vận động tinh, vận động thô rất khó khăn. Có những đứa trẻ tăng động lại không thể ngồi yên, vừa học vừa chạy, vừa la hét khắp 4 tầng nhà… Các cô phải vận dụng mọi kiến thức, vừa dạy vừa dỗ nhưng cũng cả nghiêm khắc để các con hợp tác. Đứa trẻ bình thường chỉ cần dạy 1 buổi thì với trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển, phải dạy đi dạy lại, có những trẻ học cả năm mới biết khâu quyển sổ.
"Nếu không đủ tình yêu, không đủ nhẫn nại, kiên trì với các con thì không bao giờ dạy được những đứa trẻ đặc biệt này. Chính vì vậy, mỗi khi thấy các con tiến bộ, hoàn thiện một sản phẩm nào đó, chúng tôi vui và hạnh phúc vô cùng. Bao nhiêu công sức mình bỏ ra đã có hy vọng, có kết quả", chị Hương chia sẻ.
Sản phẩm đáng yêu của được làm bởi sự khéo léo, kiên trì của trẻ tự kỷ
Thế nên, sản phẩm do các con làm ra được chị Hương rất nâng niu, trân trọng. "Sản phẩm handmade của các con rất đẹp và độc nên luôn trong tình trạng "cháy hàng". Đúng là hàng của các con làm đến đâu bán hết đến đấy, tuy nhiên chủ yếu là do các con làm quá chậm. Có những con đã có thể kiếm 2-3 triệu đồng/tháng.
Có gia đình rất có điều kiện, thế nhưng khi thấy con mang "đồng lương" đầu tiên về, dù số tiền chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng với họ, đó là niềm vui không có gì sánh nổi. Với những đứa trẻ, niềm vui đó còn đặc biệt hơn, bởi chúng tự nhìn thấy giá trị của mình trong xã hội, chúng thấy mình cũng trở nên có ích", chị Hương hồ hởi khoe.
"Điều khiến tôi trăn trở nhất là các con được dạy nghề rồi, các con có thể làm hoàn chỉnh một sản phẩm rồi nhưng các con không xin được việc làm bên ngoài. Cũng bởi, các con vẫn còn bị xã hội kỳ thị. Thế nên, dù các con "tốt nghiệp" nhưng vẫn xin ở lại trung tâm" - chị Phan Lan Hương.
Con nuôi - thấy thương thì nhận
Với chục đứa trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển đang theo học ở Trung tâm hướng nghiệp của mình, chị Hương đã phải "lao tâm khổ tứ" rất nhiều. Vậy mà, chị còn "đèo bòng" khi nhận nuôi thêm 5 đứa trẻ tự kỷ, chậm phát triển mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đang yên ổn làm ở Tổng đài 111, chị xin nghỉ để có thời gian "chạy sô" các việc. Có thêm đồng tiền nào để nuôi các con, chị đều cố gắng, không quản vất vả, mệt mỏi.
Chị Phan Lan Hương nuôi thêm 5 đứa trẻ tự kỷ, chậm phát triển có hoàn cảnh khó khăn
Ai cũng nói, sao chị chuốc khổ vào thân làm gì. Thế nhưng, khi biết hoàn cảnh của các con, chị không cầm lòng được. Cô gái lớn nhất sinh năm 2000, quê ở Cần Thơ, ở với chị hơn 3 năm. "Con là trẻ tự kỷ, mồ côi cha mẹ. Lúc mới đến, con không biết thứ gì, từ ăn uống đến ứng xử giao tiếp, thậm chí con không biết vệ sinh cơ thể. Tôi phải dạy con từ những điều nhỏ nhất, từ dạy con việc mặc áo lót, đóng băng vệ sinh, dạy ăn dạy nói…
Những chiếc túi được vẽ rất đẹp này luôn luôn đắt hàng
Hay làm sao có thể để mặc như chưa từng nghe thấy khi con là đứa trẻ mồ côi, ở với 2 bác bị tâm thần phân liệt, đã có lần con bị bác bóp cổ suýt chết. Đứa thì bố mẹ bỏ nhau, bố để con ở với bà nội khiếm thính. Đứa thì hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, nhà 3 con, bố đi làm thuê lương thấp, mẹ ốm đau bệnh tật. Không chỉ nhận nuôi đứa lớn, thỉnh thoảng tôi còn xin gạo, xin đồ ăn, thậm chí mua thuốc gửi về cho gia đình họ. Thương như thế, sao tôi có thể ngó lơ", chị Hương chia sẻ.
Nhiều người nghĩ, số tiền mà chị Phan Lan Hương nuôi bọn trẻ sẽ lấy từ tiền học phí của các con theo học ở trung tâm hướng nghiệp. Chị Hương cho biết, với số tiền từ 2-5 triệu đồng/tháng/cháu (tuỳ theo từng hoàn cảnh gia đình), cho cả tiền học, tiền ăn, tiền học liệu… thì không đủ chi phí để trả tiền thuê nhà, tiền lương cho giáo viên, tiền điện nước. Chưa kể, các con làm đồ đạc trong nhà hỏng liên tục nên tiền thay, sửa, mua mới cũng không ít… Thế nên, ở tuổi lẽ ra mọi thứ đã an yên thì chị Hương vẫn "quay cuồng" lo mọi thứ.
"Con mình thì nhờ ông bà ngoại hỗ trợ, còn mình thì lo cho con… người khác. Chắc cũng là do "cái nghiệp" của mình", chị Hương "thanh minh".