Bà Trần năm nay 61 tuổi, sống cùng gia đình con trai tại Quảng Đông (Trung Quốc). Một buổi trưa bình thường, cả gia đình đang ăn trưa và cười nói vui vẻ thì bà Trần bất ngờ ôm ngực đau đớn. Mặt mũi bà tái nhợt và mồ hôi lấm tấm trên trán. Người nhà thấy vậy liền vội vã hỏi han nhưng không kịp nói gì bà đã ngã gục xuống đất.
Dù được gọi xe cấp cứu ngay lập tức nhưng các bác sĩ thông báo rằng bà Trần đã không qua khỏi. Cái chết đột ngột này đã khiến gia đình hoang mang, không hiểu sao một bữa cơm ngon lại trở thành lời chia tay vĩnh viễn.
Nguyên nhân cái chết của bà Trần sau đó được xác định do bệnh tim mạch tiềm ẩn kết hợp với thói quen ăn uống không lành mạnh. Bà thường xuyên ăn quá no, không kiểm soát được lượng thức ăn tiêu thụ. Trong bữa trưa cuối cùng, tâm trạng bà đang tốt nên dù liên tục kêu khó chịu do quá no vẫn tiếp tục ăn uống. Theo bác sĩ, dù “kiểu ăn này sướng cái miệng nhưng hại cái thân” nhưng rất nhiều người làm hàng ngày.
Tại sao ăn quá no hại cho tim và có thể dẫn tới đột tử?
Bác sĩ cấp cứu của bà Trần cho biết, việc ăn quá no không chỉ khiến người ta cảm thấy khó chịu mà còn gây ra những nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là đối với tim. Khi ăn quá nhiều, dạ dày sẽ sưng lên, tạo áp lực lên các cơ quan khác trong cơ thể, như cơ hoành, gây tổn thương cho chúng. Đồng thời, quá trình tiêu hóa sẽ làm tích tụ một lượng lớn máu trong hệ tiêu hóa, dẫn đến việc cung cấp máu cho tim bị hạn chế.
Đặc biệt, đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch như bà Trần thì càng nguy hiểm. Sự căng thẳng này càng tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc đột tử. Ngoài ra, khi bệnh lý tim mạch xảy ra, nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn nhịp tim, dẫn đến ngừng tim và các vấn đề nghiêm trọng khác.
Nói dễ hiểu hơn là chế độ ăn uống không kiểm soát kết hợp với bệnh tim mạch vành làm tăng khả năng xảy ra các biến chứng nguy hiểm tính mạng. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo rằng nên ăn với khẩu phần hợp lý, không ăn quá no ngay cả với người khỏe mạnh. Tốt nhất là chỉ nên ăn no khoảng 70 - 80%. Đương nhiên, kiểm soát các loại thực phẩm trong bữa ăn cũng quan trọng tương đương.
5 việc làm ngay sau bữa ăn dễ gây đột tử
Ngoài việc kiểm soát chế độ ăn uống, các hoạt động ngay sau bữa ăn cũng tác động lớn tới sức khỏe tim mạch lâu dài cũng như nguy cơ đột tử. Vì vậy, có 5 việc không nên làm ngay sau khi ăn bất kỳ ai cũng cần phải biết:
- Nằm ngay: Điều này có thể gây cản trở tiêu hóa và ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Lượng máu cung cấp cho tim và não sẽ giảm, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc nhồi máu não, nhất là người có sẵn bệnh lý nền liên quan.
- Tập thể dục mạnh ngay: Sau bữa ăn, máu cần tập trung vào hệ tiêu hóa, nên việc vận động mạnh có thể gây khó tiêu. Đồng thời còn làm rối loạn tuần hoàn máu, ảnh hưởng tới huyết áp và tăng nguy cơ biến chứng tim mạch, mạch máu não.
- Hút thuốc ngay: Hút thuốc lúc nào cũng hại nhưng ngay sau bữa ăn càng hại. Nicotine sẽ làm co mạch, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu và nhồi máu não, rối loạn nhịp tim. Chưa kể thời điểm này hút thuốc còn khiến cơ thể hấp thụ độc tố nhanh hơn.
- Đi tắm ngay: Khi tắm, mạch máu giãn nở và máu sẽ tập trung ở bề mặt cơ thể, có thể dẫn đến huyết áp thấp nếu không đủ máu cung cấp cho não. Đồng thời có thể gây giãn mạch, giảm lưu lượng máu đến tim, dẫn đến huyết áp thấp và tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim.
- Lái xe ngay: Lái xe ngay sau bữa ăn có thể giảm lưu lượng máu đến não, làm giảm khả năng tập trung và phản ứng, đồng thời tăng gánh nặng cho tim do dồn máu vào hệ tiêu hóa. Điều này có thể gây nguy hiểm tính mạng
Ngoài ra, còn một số hành động khác chúng ta nên tránh làm ngay sau bữa ăn như: ăn trái cây, đi ngủ, uống trà, uống nhiều nước, tức giận… để bảo vệ sức khỏe.
Nguồn và ảnh: Sohu, Daily Mail