Nữ tướng Nguyễn Thị Định (được người dân gọi là cô Ba Định) sinh ngày 13/2/1920, là con út trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Khi tròn 16 tuổi, bà giác ngộ và bắt đầu tham gia cách mạng, đảm nhận nhiệm vụ giao liên, rải truyền đơn và vận động quần chúng đấu tranh. Tháng 10/1938, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Năm 1946, bà là thành viên nữ duy nhất trong đoàn cán bộ của Khu 8 vượt biển ra Bắc, gặp Trung ương để báo cáo tình hình cách mạng miền Nam và xin chi viện vũ khí. Bằng lòng quả cảm, trí thông minh, bà đã khéo léo vượt trùng dương đưa 12 tấn vũ khí từ miền Bắc vào tận chiến trường Nam Bộ. Đây là tiền đề để Trung ương nghiên cứu, đánh giá, đi tới quyết định thành lập tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, tiền thân của những đoàn tàu không số sau này.
Những năm 1960, tên tuổi của cô Ba Định còn gắn liền với phong trào Đồng Khởi Bến Tre, với "Đội quân tóc dài" làm cho quân thù khiếp sợ. Đến năm 1974, cô Ba Định được phong hàm Thiếu tướng và trở thành nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau khi miền Nam được giải phóng, non sông thống nhất, cô Ba Định đảm đương nhiều vị trí, chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Bà được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lê-nin, danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân,…
Một đời chiến đấu hy sinh, nữ tướng Nguyễn Thị Định đã trở thành huyền thoại, không chỉ tiêu biểu cho phụ nữ miền Nam thành đồng đất thép Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang, bà còn là điển hình mẫu mực cho phụ nữ Việt Nam. Bà là người lãnh đạo có uy tín, được nhân dân, chiến sĩ và phụ nữ Việt Nam, bạn bè quốc tế kính trọng; là tấm gương sáng, trao truyền những giá trị tốt đẹp cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Phó tư lệnh giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho dân tộc ta".
Từng chỉ đạo thành lập ngôi trường đặc biệt
Trong thời kháng chiến chống Mỹ, ở mặt trận phía Nam để chị em phụ nữ đủ sức đảm đương nhiệm vụ cách mạng, việc nâng cao năng lực trình độ chính trị, năng lực chuyên môn cho cán bộ phụ nữ là điều cần thiết, cấp bách.
Nhưng trước năm 1969, trường đào tạo cán bộ phụ nữ chỉ có ở miền Bắc. Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, nữ tướng của "đội quân tóc dài" Nguyễn Thị Định đã chỉ đạo phải thành lập ngay một ngôi trường đào tạo cán bộ nữ ở phía Nam.
Sau thời gian gấp gáp chuẩn bị ngay dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, đúng ngày 8/3/1969 tại rừng Lò Gò, Chiến khu miền Đông Nam Bộ (nay thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), ngôi trường mang tên nữ anh hùng cách mạng Lê Thị Riêng - tiền thân của Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam - ngày nay được thành lập.
Nhiệm vụ chính của trường lúc bấy giờ là đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn cho cán bộ Hội để chị em đủ sức đảm đương nhiệm vụ cách mạng.
Hàng năm, Phân hiệu đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo cho 2000 học viên/sinh viên, trong đó số sinh viên/học viên tham gia học tập tại Phân hiệu chiếm khoảng 1/3. Với các chương trình liên kết và trực tiếp đào tạo như: Cử nhân ngành Công tác xã hội, cử nhân Phát triển cộng đồng, Cử nhân Xã hội học; Cử nhân ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Cao học ngành Công tác xã hội; chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu tiêu chuẩn chức danh, theo vị trí công việc cho cán bộ Hội LHPN các cấp.
Theo đó, từ năm 2022-2023, Phân hiệu thực hiện nhiệm vụ tổ chức tuyển sinh và đào tạo hệ chính quy. Năm 2024, cơ sở này được giao tuyển sinh 4 ngành đào tạo đại học gồm Luật, Tâm lý học, Công tác xã hội và Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.