Ngày 3/3/2016, Đội điều tra hình sự quận Hải Điến, Bắc Kinh, Trung Quốc nhận được cuộc gọi từ một người phụ nữ họ Đường, cho biết rằng 120.000 NDT (hơn 410 triệu đồng) trong tài khoản ngân hàng của chị đã “biến mất” một cách khó hiểu. Sau khi nhận được cuộc gọi, cảnh sát lập tức có mặt tại nhà của người phụ nữ này để tiến hành điều tra sự việc.
“Cú lừa” từ shipper
Theo Tân Hoa Xã Trung Quốc, vài ngày trước khi xảy ra sự việc, chị Đường nhận được điện thoại của nhân viên chuyển phát nhanh, thông báo rằng chị có một gói hàng bị trả lại vì không rõ thông tin giao hàng. Người này yêu cầu chị cung cấp lại địa chỉ nhà để bên giao hàng có thể gửi hàng theo đúng tiến độ. Vì muốn nhanh chóng nhận đơn hàng của mình, chị Đường không do dự mà cung cấp ngay địa chỉ nhà của mình cho đối phương.
Hai ngày sau đó, shipper gọi điện bảo chị Đường xuống nhận hàng. Khi chị Đường xuống lấy hàng, shipper chưa vội giao hàng ngay mà đưa cho chị một tờ giấy đánh giá dịch vụ và yêu cầu chị điền vào. Khi đang làm đánh giá thì người phụ nữ này bỗng nhận được một cuộc gọi từ số lạ. Đầu dây bên kia tự xưng là nhân viên của công ty chuyển phát nhanh, cho biết họ không liên lạc được với shipper giao hàng cho chị. Thấy thế, chị Đường nói với nhân viên của công ty chuyển phát nhanh rằng chị đã nhận được hàng, đồng thời cho shipper mượn điện thoại để báo lại đơn vị vận chuyển.
Ảnh minh họa: Internet
Sau khi chị Đường ký nhận gói hàng, shipper cũng đã trả lại điện thoại và rời đi ngay sau đó. Tuy nhiên, khi người phụ nữ này mở gói hàng ra thì lại phát hiện rằng bên trong không phải món đồ chị đặt mà chỉ là một hộp kẹo. Thất vọng, chị Đường tính gọi điện than phiền với shop hàng thì lại nhận ra điện thoại của mình bị mất SIM. Thấy sự việc rất đáng ngờ, chị Đường vội truy cập vào app ngân hàng thì nhận được thông báo tài khoản đã bị trừ mất 120.000 NDT. Quá hoang mang trước sự việc xảy ra, chị Đường đã mượn điện thoại của người thân để trình báo sự việc với cảnh sát.
Sau khi tiếp nhận vụ việc, Đội điều tra hình sự Hải Điến đã tiến hành kiểm tra các camera tại khu vực gần nhà chị Đường để xác định đối tượng lừa đảo, sau đó họ dùng các phương tiện kỹ thuật cao để xác định vị trí các nghi phạm. Sáng sớm hôm sau, đường dây lừa đảo gồm 3 đối tượng đã bị cảnh sát tóm gọn tại một khách sạn gần sân bay Thiên Tân. Toàn bộ 120.000 NDT của nạn nhân cũng bị tịch thu.
Vạch trần chiêu lừa đảo siêu tinh vi
Qua thẩm tra, 3 đối tượng trên khai rằng họ đến từ Long Nham, Phúc Kiến. Sau khi tốt nghiệp trường kỹ thuật, cả 3 kiếm sống bằng nghề mua thiết bị chơi game cho người khác. Tuy nhiên, với thu nhập chỉ hơn 2.000 NDT/tháng (hơn 6 triệu đồng), họ không đủ tiền để trang trải cuộc sống nên đã cùng nhau nghĩ cách kiếm thêm tiền.
Sau khi bàn bạc, 3 đối tượng này tìm nguồn phi pháp để mua lén thông tin của những người đặt hàng online trên mạng. Sau đó, chúng giả làm shipper và gọi điện cho nạn nhân, xin xác nhận địa chỉ để giao hàng cho họ. Sau đó, chúng sẽ dùng kịch bản giao món hàng giả cho nạn nhân, yêu cầu họ điền đánh giá dịch vụ. Lợi dụng lúc nạn nhân thiếu tập trung, mất cảnh giác, những kẻ đồng phạm sẽ giả mạo nhân viên của đơn vị vận chuyển gọi điện để tìm nhân viên giao hàng và lợi dụng tình huống này để shipper có thể “mượn” điện thoại của nạn nhân, lấy trộm thẻ SIM trong điện thoại.
Ảnh minh họa: Internet
Một trong 3 đối tượng trên cho biết khi mua thông tin khách hàng, chúng đã nắm được cả tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Điều khó khăn nhất là khi thực hiện giao dịch chuyển tiền, ngân hàng sẽ gửi tin nhắn xác nhận về điện thoại. Do đó, chúng đã âm thầm lấy trộm SIM và sau đó dễ dàng lấy trộm tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Cũng theo lời khai của 3 đối tượng này, từ tháng 1 năm 2016 đến thời điểm bị bắt, cả 3 đã mua hơn 200 thông tin nạn nhân trên mạng và thực hiện nhiều vụ lừa đảo ở Phúc Kiến, Sơn Đông, Thượng Hải và Bắc Kinh. Với tội danh lừa đảo này, 3 đối tượng trên sau đó đã bị Đội điều tra hình sự Hải Điến xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.
Để tránh trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo, cảnh sát Trung Quốc khuyến cáo nếu muốn mua sắm trực tuyến thì nên đăng nhập vào trang web chính thức của nhãn hàng để mua. Bên cạnh đó, nên thường xuyên kiểm tra hoặc gọi điện cho bộ phận chăm sóc khách hàng của nhãn hàng hay đơn vị vận chuyển để nắm rõ tình hình đơn hàng của mình cũng như cách thức giao nhận, nhất là với các đơn giá trị lớn. Đồng thời, ngay cả khi biết mình gặp kẻ lừa đảo, hãy bình tĩnh liên hệ cơ quan chức năng để hợp tác điều tra và có hướng xử lý tốt nhất.
(Theo Tân Hoa Xã)