Người ‘‘cướp cơm Hà Bá’’
Đã 40 năm hành nghề, đến bây giờ nhẩm tính, chị Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1961, trú tại khối 1, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cũng không thể nhớ nổi đã vớt được bao nhiêu xác người. Hàng trăm lần chị chèo thuyền, mò mẫm ven sông Lam tìm những thi thể gặp nạn. Cứ có người chết đuối là người ta lại tìm chị, dần dà thành “nghề”. Một nghề chẳng giống ai.
Tiếp chuyện chúng tôi là một người phụ nữ với dáng người đậm đà, khuôn mặt phúc hậu. Rót chén trà mời khách, chị Nguyệt kể về nghiệp “vớt xác” đã gắn bó với chị 40 năm qua bằng chất giọng Nghệ Tĩnh đặc sệt.
Chị kể, cái duyên đưa gia đình chị đến với công việc yếu bóng vía mới nghe đã rợn người này vào năm 18 tuổi. Lần đó, chị đang thả lưới trên sông thì nghe tin có chú bộ đội hải quân bị lật thuyền thúng khi làm nhiệm vụ.
Mọi người hốt hoảng, hô hoán kêu cứu nhưng không ai dám nhảy xuống sông tìm xác. Chẳng đắn đo, chị vơ lấy đồ nghề đánh cá, nhảy xuống sông và lặn tìm. Sau 2 tiếng đồng hồ, tìm thấy xác chú bộ đội, chị khâm liệm và giúp gia đình đưa thi thể về quê mai táng.
Nói về lần đầu tiên vớt xác, chị Nguyệt cũng ngạc nhiên với chính mình:“Thật lạ là tôi không cảm thấy sợ mặc dù lần đầu tiên chạm vào xác chết. Chỉ biết là người ta chết trôi sông không vớt lên thì tội lắm”.
Chị nói mỗi trường hợp đều để lại những ám ảnh, xót xa riêng. Không ít trường hợp người chết đuối là trẻ em, phụ nữ hoặc có cả những đôi yêu nhau, đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời cũng gieo mình dưới lòng sông.
Đau xót nhất là khi vớt xác lên, cơ thể bị phân hủy mạnh, các bộ phận không còn nguyên vẹn, người nhà chỉ có thể nhận dạng qua mảnh quần áo còn sót lại. Đến bây giờ chị vẫn chưa thể quên được cảnh tượng đôi nam nữ, chàng trai người Nghệ An, cô gái người Nam Định nhảy sông quyên sinh vì gia đình ngăn cấm hôn lễ, khi vớt lên họ vẫn ôm chặt lấy nhau.
Hay vụ đắm đò Chôm Lôm (xã Lạng Khê, huyện Con Cuông) đã cướp đi sinh mệnh của 19 em học sinh luôn ám ảnh chị.
Người dân làng chài luôn kháo nhau về một lời nguyền:“Cứu mạng phải đền mạng”, đã sống nhờ sông nước thì không được cướp cơm Hà Bá, ai phạm vào thì phải bỏ nghề chài lưới.
Khi chúng tôi nhắc đến lời nguyền, chị Nguyệt im lặng nhìn ra bờ sông, giọng phảng phất mơ hồ:“Vậy thì một mạng tôi không đủ cho Hà Bá đòi đâu… Thấy người ta chết trôi sông mất xác thương lắm, tôi không thể không ra tay giúp họ”.
Cái duyên với... người chết
Chị dẫn chúng tôi đi một đoạn ra phía triền sông Lam, đôi bàn tay sần sùi màu bùn chỉ xa ra:“Đấy, sông rộng và sâu thế kia, không năm mô lại không có chuyện buồn. Có nhiều người chết thương tâm lắm”, chị Nguyệt dường như lặng người đi, giọng nghẹn lại.
Người phụ nữ làng chài nói làm việc thiện, tích đức cho con cháu là chính chứ chẳng mưu sinh bằng nghề này. Tiếng lành đồn xa, hễ có vụ nhảy cầu nào là người ta lại tìm đến chị nhờ giúp. Dù công việc có bận cỡ nào chị cũng đi ngay.
“Cứ ai nhờ là đi chứ không ngại khó ngại khổ chi cả. Coi như mình làm phúc cho con cháu”. Dù vậy, trong tâm khảm chị luôn cầu nguyện không phải chứng kiến nỗi đau của những gia đình có người gieo mình xuống sông nữa để cuộc sống luôn hiện hữu những điều tốt đẹp.
Với chị, niềm vui mỗi ngày là được quây quần bên gia đình
Chị Nguyệt bảo vớt xác chủ yếu làm bằng tay, không có bảo hộ gì cả, nhiều lúc mang xác lên bờ khâm liệm xong xuôi thì mới nhớ đến mình quên mang tất, khẩu trang. Tôi để ý thấy hai cánh tay và chân của chị sưng phù lên, có lẽ do tiếp xúc nhiều với hơi lạnh.
Giờ đây, khi đã gần bước qua tuổi 60, chị Nguyệt không thể nhớ được mình đã vớt được bao nhiêu xác người xấu số từ đoạn sông này và sẽ còn phải vớt bao nhiêu nữa. Với chị, vớt xác không phải nghề để mưu sinh, thế nhưng thật tàn nhẫn nếu mình biết người ta chết chưa tìm được xác mà ngoảnh mặt làm ngơ.
Chị nói:“Nếu tôi mà sống nhờ vô cái nghề ni thì giàu to rồi, mô phải lặn lội từng ngày bắt con tôm, con cá bèo bọt trên sông như rứa”. Sau khi vớt được xác, giao cho người nhà về mai táng, chị chỉ lấy chi phí xăng dầu chạy ghe. Họ muốn bồi dưỡng thêm thì chị cũng phải xem gia cảnh thế nào mới quyết định lấy hay không.
Lẻ loi bến nước, con đò
Là chị cả trong một gia đình có tới 12 anh chị em, mẹ mất khi đứa em gái út mới tròn 1 tuổi, chưa đoạn tang vợ thì cha chị đã đi bước nữa, Nguyệt trở thành trụ cột. Tuổi thơ lênh đênh sông nước, gắn với những mẻ lưới, cần câu.
Chị bảo, thời đó cả nhà mười mấy người sống chen chúc trên chiếc thuyền nan ọp ẹp, có bữa cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc. Những lúc trời yên biển lặng còn may, có hôm mưa to gió lớn, mấy chị em chỉ biết ngồi nhìn nhau trước cơn giận dữ của dòng Lam, tủi thân mà khóc.
Bao năm vất vả lo cho các em từng miếng ăn giấc ngủ, cuối cùng chị Nguyệt cũng tìm được bến đỗ hạnh phúc riêng cho mình. Như một mối lương duyên trời định, chị đã gặp và phải lòng anh công nhân lái xe tải người Bắc.
Đó là năm 1989, cầu Bến Thủy được khởi công xây dựng. Lúc bấy giờ, chị được hợp đồng chở công nhân ra đóng trụ cầu. Trong số những người công nhân làm việc tại công trường chị đã phải lòng anh công nhân lái xe tải.
Rồi hai người nên duyên vợ chồng sau ba năm gần gũi. Ít lâu sau, chị sinh hạ được một cậu con trai kháu khỉnh.
Cầu xây xong, anh chồng theo đơn vị đến một công trình khác ở miền Bắc. Trước khi lên đường, anh đã ghi lại địa chỉ rõ ràng rồi hẹn ngày trở lại. Thế nhưng, 1 năm, 2 năm rồi 10 năm trôi qua, chị sống trong vô vọng.
Theo dòng địa chỉ mà anh để lại, hai mẹ con chị lên đường đi tìm. Tìm được quê chồng, vui chưa kịp đến thì nỗi buồn đã trào dâng. Anh đã lập gia đình với một người đàn bà khác. Đau đớn khôn cùng nhưng chị đã quyết định gạt nước mắt cùng con trai lặng lẽ trở về quê, về với bến nước, con đò.
Hàng ngày, chị vẫn âm thầm làm bạn cùng sông nước, lặng lẽ nuôi đứa con độc nhất mà người chồng hờ đã để lại.
Rồi con trai chị cũng trưởng thành, lập gia đình và sinh cho chị 3 đứa cháu nội láu lỉnh. Bế đứa cháu nội mới hơn 1 tuổi trên tay, “kình ngư” không giấu nổi niềm vui sướng và hạnh phúc.
“Niềm vui của tôi mỗi ngày là được quây quần bên các con, các cháu. Cũng mong các cháu khỏe mạnh, được học hành đến nơi đến chốn, có cuộc sống sung túc hơn, không phải suốt ngày lo chuyện cơm áo gạo tiền”, chị Nguyệt buông lời, lại nhìn về phía dòng sông Lam như chờ đợi, kiếm tìm...
Tự nhận mình là người có thần kinh thép với cảnh chết chóc, song không ít lần chị Nguyệt phải uống vài chén rượu để làm nóng người trước khi bắt đầu công việc.
“Cảm giác lạnh toát, đặc biệt là mùi xác chết ớn lạnh. Người chết trên bờ nhìn đã sợ, người chết dưới nước gần như biến dạng khiến người yếu bóng vía có thể bị ám ảnh, sợ hãi đến ngất lịm”, chị nói khiến chúng tôi lạnh người.