Phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối ở tuổi 30
Bác sĩ Trần Chung Nhạc, Trưởng khoa hô hấp và phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Nghĩa Đại, Đài Loan (Trung Quốc) mới đây đã chia sẻ về trường hợp bệnh nhân nữ 30 tuổi mắc ung thư phổi giai đoạn cuối mà ông từng điều trị.
Bác sĩ Trần cho biết bệnh nhân nữ có thói quen chạy bộ nhiều năm, trước đây cô vẫn luôn khoẻ mạnh. Tuy nhiên, khoảng 6 tháng trước, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng hụt hơi, khó thở khi chạy bộ. Thời điểm đó, bệnh nhân chỉ nghĩ thể lực của bản thân yếu nên không đi khám. Gần đây, thấy tình trạng khó thở, hụt hơi của người phụ nữ mãi không thuyên giảm nên chồng cô đã đề nghị đi khám.
Kết quả khám cho thấy người phụ nữ mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Khi nhận kết quả chẩn đoán, người phụ nữ và chồng đã vô cùng sốc.
Bác sĩ Trần chỉ định bệnh nhân nhập viện điều trị. Rất may mắn, bệnh nhân đáp ứng tốt với thuốc nhắm trúng đích. Sau một thời gian điều trị bằng thuốc, tình trạng của bệnh nhân đã được kiểm soát. Bệnh nhân được xuất viện nhưng vẫn cần đến viện tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh.
Yếu tố tăng nguy cơ mắc ung thư
Chia sẻ thêm về trường hợp của bệnh nhân nữ kể trên, bác sĩ Trần cho biết: “Người phụ nữ không mắc bất kỳ yếu tố nguy cơ nào gây ung thư phổi như tiền sử gia đình, hút thuốc lá, hút thuốc thụ động hoặc tiếp xúc với chất độc hại như asen, niken, crôm, amiăng. Tuy nhiên, nguy cơ mắc ung thư cũng có thể tăng lên do quá trình sao chép ADN ngẫu nhiên trong cơ thể xảy ra lỗi".
Thực tế, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science vào năm 2017 do các nhà khoa học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, Mỹ thực hiện đã chỉ ra rằng, những lỗi trong quá trình sao chép ADN ngẫu nhiên cũng có thể làm cho tế bào bị đột biến thành tế bào ung thư. Những lỗi sao chép ADN xảy ra ở cả những người có lối sống hết sức lành mạnh hoăc trong gia đình chưa hề có tiền sử mắc ung thư.
Các nhà khoa học cho biết trong số 32 loại ung thư được đưa vào nghiên cứu, họ nhận thấy rằng 66% các đột biến ung thư đến từ lỗi sao chép ADN, 29% là do yếu tố môi trường và chỉ có 5% đến từ yếu tố di truyền.
Với ung thư phổi, nghiên cứu chỉ ra rằng 65% các đột biến ung thư phổi xuất phát từ yếu tố môi trường, chẳng hạn như hút thuốc lá hoặc sống trong đô thị ô nhiễm. Tuy nhiên vẫn có 35% đột biến ung thư phổi đến từ các lỗi sao chép ADN.
Dấu hiệu nhận biết ung thư phổi
Bác sĩ Trần cho biết ung thư phổi giai đoạn đầu hầu như không gây ra triệu chứng lâm sàng. Khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng cụ thể và đi khám thì ung thư phổi đã tiến triển đến giai đoạn 3, 4. Điều này khiến quá trình điều trị bệnh kém hiệu quả hơn.
Bác sĩ Trần nhắc nhở: “Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường như: ho ra máu, ho dai dẳng hơn 2 tuần không thuyên giảm; cảm thấy khó thở, hụt hơi; thường xuyên mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân, sốt,... mọi người nên đến bệnh viện để thăm khám càng sớm càng tốt. Việc thăm khám kịp thời có thể giúp mọi người phát hiện ung thư và điều trị sớm”.