Người phi công đặc biệt tham gia ném bom Tân Sơn Nhất tháng 4/1975

Đoàn Hoài Trung |

Đây là một trong những trận đánh oanh liệt nhất, điển hình nhất, sáng tạo nhất của Không quân nhân dân Việt Nam. Những phi công tham gia trận đánh ấy đều là những người đặc biệt.

Trong lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam, thì trận ném bom của phi đội Quyết Thắng vào sân bay Tân Sơn Nhất chiều ngày 28/04/1975 là một chiến công xuất sắc mang ý nghĩa lịch sử.

Trong số các phi công lái máy bay A37 ném bom ngày ấy có một phi công Việt Nam Cộng hòa (VNCH) giác ngộ cách mạng, xung phong cùng đi ném bom cùng với phi đội Quyết Thắng. Nhiều năm qua nhiều người không biết tin tức cụ thể về anh.

Chiến công của người phi công VNCH 41 năm trước

Trong một lần thăm Đại tá Hán Văn Quảng, nguyên Tham mưu phó Quân chủng Phòng không - Không quân, tôi đã được nghe anh Quảng kể lại những ngày anh cùng anh em phi công lái MiG-17 vào Đà Nẵng chuyển loại lái máy bay A-37 vào ngày 21/04/1975.

Anh Quảng cùng một số phi công được đưa vào Đà Nẵng bằng máy bay quân sự. Vừa vào đến nơi các anh đã bắt tay vào học lý thuyết, sử dụng các hệ thống thiết bị hàng không trên máy bay A-37 của Mỹ.

Anh đã được phi công VNCH tên là Trần Văn On hướng dẫn kỹ thuật và cách sử dụng máy bay. Lúc này sân bay Đà Nẵng có 15 chiếc A-37, nhưng chỉ có 2 chiếc tốt.

Anh em phi công của ta học lái máy bay MiG-17 của Liên Xô nay chuyển sang học lái A-37 của Mỹ thì có phần khó khăn về ngôn ngữ. Các anh phải dịch ra tiếng Việt các từ ngữ tiếng Anh trên bảng táp lô, rồi dán lên trên các núm nút điều khiển để dễ sử dụng.

Anh Quảng đã được anh On bay kèm chuyển loại vào ngày 25/04. Sau này có thêm phi công Nguyễn Thành Trung, tình báo của ta cài vào hàng ngũ địch đã cướp máy bay F-5 ném bom dinh Độc Lập ra Đà Nẵng tăng cường cho phi đội.


Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang) chiều 28/4/1975 sau khi tấn công sân bay Tân Sơn Nhất.

Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang) chiều 28/4/1975 sau khi tấn công sân bay Tân Sơn Nhất.

Do ở Phù Cát tổ kỹ thuật của ta khôi phục được một số máy bay A-37, nên ngày 27/04/1975 cả phi đội đã chuyển từ Đà Nẵng ra Phù Cát. Anh Quảng kể lại cho tôi nghe, gia đình anh On là nông dân Nam Bộ. Tính tình anh On hiền lành, ít nói.

Qua tâm sự với anh On, anh Quảng biết được trong chế độ VNCH, anh On cũng bị buộc phải đi lính, dù có muốn không đi cũng không được.

Anh On cũng hiểu được sự phi nghĩa của cuộc chiến tranh, nhận ra lẽ phải, nhưng không biết phải làm thế nào để thoát ra khỏi cuộc sống hàng ngày.

Thêm nữa, những chiếc loa tâm lý chiến VNCH luôn vẽ méo mó hình ảnh những người Cộng Sản, nên lúc đầu anh On hoang mang sợ trả thù.

Nhưng khi được cán bộ giác ngộ và nhất là lúc gần gũi anh em phi công ta như anh Lục - phi đội trưởng, anh Thăng - chính trị viên, anh Quảng - Trung đội trưởng…, được nghe giải thích chế độ khoan hồng, anh tìm thấy được niềm tin, mong muốn lập công.

Vợ anh On lúc đó là giáo viên ở quê mới sinh cháu lớn được 2 tháng, nên anh càng mong cách mạng nhanh chóng giải phóng hoàn toàn miền Nam để được sum họp gia đình.

Trong đêm ngày 27/04/1975, ở Phù Cát anh Trần Văn On đã tình nguyện xin được đi ném bom sân bay Tân Sơn Nhất cùng phi đội.

Nhưng vào sáng ngày 28/04/1975, ta mới sửa được 4 chiếc máy bay A-37 tốt, nên các anh Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ và anh Hán Văn Quảng chuyển sân từ Phù Cát vào sân bay Phan Rang.

Buổi chiều kỹ thuật sửa thêm được một máy bay tốt nữa, các thủ trưởng quyết định cho anh Hoàng Mai Vượng cùng Trần Văn On chuyển sân vào sân bay Phan Rang.

16 giờ 25 phút pháo hiệu bắn 2 phát, phi đội Quyết Thắng xuất kích từ sân bay Thành Sơn Phan Rang đi ném bom sân bay Tân Sơn Nhất.

Đi đầu là Nguyễn Thành Trung số 1, tiếp theo Từ Đễ số 2, Nguyễn Văn Lục số 3, Hán Văn Quảng số 4, Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On số 5.

Mỗi máy bay mang 4 quả bom, lặc lè rời đất nhằm hướng Tân Sơn Nhất bay tới, ở độ cao khoảng 200 mét đến 300 mét dưới mây để tránh radar địch phát hiện.

Đến điểm cao 2858 (Bắc Hàm Tân 17 km), sở chỉ huy cho phi đội điều chỉnh hướng bay, tăng độ cao để chuẩn bị tiếp cận mục tiêu. Từ độ cao 1.650m, số 1 bổ nhào xuống mục tiêu đến độ cao 450m thì cắt bom, lửa khói trùm lên khu vực máy bay địch đang đỗ.

Tiếp theo sau, Từ Đễ, Nguyễn Văn Lục, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng với Trần Văn On cũng lần lượt vào công kích. Lửa khói ngợp trời, bom nổ rung chuyển cả thành phố Sài Gòn.

Quân địch kinh hoàng vì bị bất ngờ, không hiểu máy bay A-37 từ đâu tới, các lực lượng không quân và phòng không của chúng không kịp trở tay.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, phi đội tập hợp đội hình bay theo hướng Đông, men theo bờ biển trở về sân bay. 18 giờ 15 phút ngày 28/04/1975, chiếc máy bay cuối cùng của phi đội hạ cánh an toàn.

Trận đánh cuối cùng của Không quân nhân dân Việt Nam vào sào huyệt địch đã phá hủy 24 máy bay các loại, tiêu diệt hàng trăm lính đối phương mà ta không hề tổn thất một máy bay nào.

Đây là một trong những trận đánh oanh liệt nhất, điển hình nhất, sáng tạo nhất của Không quân nhân dân Việt Nam mà người phi công hàng binh Trần Văn On cũng có phần đóng góp công sức.


Phi đội Quyết thắng về thăm lại đơn vị năm xưa. Ảnh: Đoàn Hoài Trung.

Phi đội Quyết thắng về thăm lại đơn vị năm xưa. Ảnh: Đoàn Hoài Trung.

Đi tìm Trần Văn On

Khi kể chuyện cho tôi nghe, anh Quảng cho biết cách đây nhiều năm, anh có cùng anh em trong phi đội Quyết thắng tìm về nhà anh On ở Gò Công tỉnh Tiền Giang thăm.

Lúc ấy hoàn cảnh anh On rất khó khăn do con đông và còn nhỏ dại, chỉ trông vào nghề làm nông. Anh em có quyên góp tiền giúp đỡ anh On. Từ đó đến nay các anh cũng không biết tin tức gì của anh On cả.

Tình cờ, Trung tá Ngô Xuân Nhựng - cán bộ thông tin của Đoàn phòng không 367 cho biết anh em vọng quan sát mắt ở Gò Công Đông thường thăm gia đình một cựu binh tên là On.

Thế là tôi mừng quá vội cùng các anh đi ô tô xuống huyện đội Gò Công Đông. Nhưng thật không may, anh On đấy không phải là người tôi cần tìm gặp mà là một sĩ quan trinh sát tỉnh đội đã về nghỉ hưu.

Các anh huyện đội Gò Công Đông đã rất nhiệt tình tiếp đón đoàn chu đáo và tìm cách hỏi han giúp những cũng không có tin tức gì. Về thành phố Hồ Chí Minh vài hôm, trong lòng tôi như có ai thúc giục, tôi lại liên lạc với anh Hán Văn Quảng.

Anh Quảng giới thiệu tôi gặp Đại tá phi công Lê Hải, người cũng cùng đi lần đó xuống thăm anh On.

Phải mấy ngày liên hệ tôi mới gặp được Đại tá Lê Hải, nhưng anh cũng không nhớ được đường về nhà anh On nữa, anh chỉ biết nhà ở giữa một cánh đồng trong huyện Gò Công Tây tỉnh Tiền Giang.

Tôi gọi điện sang huyện đội huyện Gò Công Tây, rất tiếc cán bộ trực ban ở đó cũng không biết. Tôi lại lần các số điện thoại các ủy ban xã trong Gò Công Tây để hỏi thăm.

Thật may mắn, khi gọi xuống Ủy ban xã Vĩnh Hựu huyện Gò Công Tây, thì có một chị tên là Bích cho biết trong xã có một người nguyên là phi công VNCH tên là On.

Thế là ngay ngày hôm sau, tôi đi xe máy xuống xã Vĩnh Hựu huyện Gò Công Tây cách thành phố cũng ngót ngét cả trăm cây số. Tại Ủy ban xã, Phó công an xã Phan Hồng Phương đã nhiệt tình đưa tôi tìm đến nhà anh On.

Vừa vào đến nhà anh trong ấp Bình An, tôi đã nhận ngay anh đúng là người trong tấm ảnh chụp phi đội Quyết thắng mà tôi đã được nhìn nhiều lần trong bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân.


Trần Văn On (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng đội trong Phi đội quyết thắng và tướng lĩnh cao cấp KQND Việt Nam. Ảnh: Đoàn Hoài Trung.

Trần Văn On (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng đội trong Phi đội quyết thắng và tướng lĩnh cao cấp KQND Việt Nam. Ảnh: Đoàn Hoài Trung.

Anh On cho biết, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh tiếp tục tham gia công tác tại Trung đoàn không quân 937 ở sân bay Cần Thơ.

Anh bay thử các máy bay A37 sau khi hồi phục và huấn luyện chuyển loại cho phi công lái MiG-17 của Liên Xô chuyển loại sang lái A37 của Mỹ. Trong thời gian này, không quân ta tham gia hỗ trợ cùng bộ binh giải phóng các đảo phía Tây Nam tổ quốc.

Trần Văn On đã một mình lái máy bay A-37 chở bom đánh 3 trận, tham gia giải phóng đảo Vai và sau đó tham gia một số trận đánh biên giới Tây Nam. Đầu năm 1977, do hoàn cảnh gia đình anh đã xin xuất ngũ về địa phương.

Lúc ra quân anh chỉ có một tờ giấy chứng nhận của đơn vị thời gian công tác của anh, để trình địa phương. Rất tiếc do thời gian chính quyền xã nhiều lần thay đổi, nên tờ giấy đó đã không còn được lưu giữ.

Năm 1995, theo yêu cầu của huyện đội, anh đã làm một tờ trình quá trình tham gia công tác từ 21/04/1975 đến 12/02/1977. Anh đã ra Đà Nẵng và Hà Nội để tìm lại những người bạn trong phi đội Quyết thắng chứng nhận.

Trở về địa phương Trần Văn On lao động nông nghiệp trên mảnh đất gia đình để lại. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Chín làm giáo viên cấp 1. Anh chị có 6 người con, 4 trai, 2 gái. Những năm trước gia đình rất khó khăn vì con đông, ruộng ít.

Nhưng anh chị đã cố gắng vượt qua, cần cù chăm chỉ nuôi heo gà, trồng lúa, hoa mầu cây trái.

Anh Phan Hồng Phương phó công an xã, cho tôi biết, hoàn cảnh anh chị On những năm trước hết sức khó khăn, nhưng anh chị rất cần cù chịu khó nên đã vượt qua được sự nghèo túng, anh chị là những công dân chấp hành tốt các chính sách của Đảng và nhà nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại