Hai ngày qua, dư luận quan tâm tới vụ việc một phụ huynh ở Hà Nội tố cô giáo Tiếng Anh "không mặc quần áo" khi dạy học online. Đại diện trung tâm Tiếng Anh nơi cô giáo công tác part-time (bán thời gian) đã lên tiếng xác minh, thừa nhận một phần lỗi và hoàn tiền cho gia đình học sinh.
Về phía cô giáo, sau khi xin nghỉ việc và nhận hoàn toàn trách nhiệm, hiện bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng. Cú sốc nặng khiến cô cảm thấy "ân hận và không còn mặt mũi nào để giảng dạy nữa ".
Trên mạng xã hội, nhiều tài khoản Facebook đăng tải lại clip hớ hênh của cô giáo kèm ngôn từ không đúng chuẩn mực, bóp méo sự thật, gây tổn hại nghiêm trọng đến danh dự của nữ giáo viên và trung tâm.
Trao đổi với chúng tôi ngày 21/12, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học online là giải pháp tối ưu hiện nay, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của cả giáo viên và học sinh.
Theo luật sư, trong quá trình dạy và học online, việc cô giáo bị phụ huynh tố "không mặc quần áo" đã gây xôn xao trong dư luận. Tuy nhiên, khi bị bóp méo, đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng, vội vàng phán xét người khác, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý cả phụ huynh, học sinh và giáo viên.
"Người phát tán clip và người đăng tải thông tin sai sự thật về cô giáo có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi", luật sư Trần Xuân Tiền nói.
Bài viết của phụ huynh trên một hội nhóm kín tố cô giáo "không mặc quần áo" trong giờ dạy online (Ảnh chụp màn hình)
Cụ thể, căn cứ vào khoản 1 Điều 101 và khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, đối với các hành vi như: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Nếu có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự, đối với các hành vi như: bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù lên đến 7 năm, theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Bên cạnh đó, nếu có hành vi có dấu hiệu của tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ như: làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy, tùy theo dung lượng dữ liệu được số hóa, số lượng ảnh, số lượng sách in, báo in ra, số lượng người đã phổ biến,... sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, phạt tù lên đến 15 năm tù, phạt tiền bổ sung từ 5 triệu đến 30 triệu, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm, căn cứ vào Điều 326 Bộ luật này.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Luật sư Trần Xuân Tiền phân tích, trước hết phụ huynh cần làm rõ có chuyện giáo viên cố ý hay vô ý để lộ hình ảnh nhạy cảm để có hướng xử lý cho phù hợp, không nên quay lại cảnh nhạy cảm khi chưa xác minh thông tin gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của họ.
Qua vụ việc trên, luật sư khuyến cáo, phụ huynh cần có thời gian quan tâm và quản lý con mình tốt hơn, cần chọn trung tâm có uy tín, chuyên nghiệp, chất lượng giảng dạy tốt.
Về phía giáo viên, theo luật sư Tiền, đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ việc tương tự. Trước đó, hồi cuối tháng 10, trong buổi dạy học trực tuyến, khi chia sẻ màn hình máy tính với học sinh, một nam giáo viên ở Đồng Tháp đã để lộ đoạn hội thoại chứa clip nhạy cảm do vị hiệu phó gửi cho mình.
Trước đó, một nữ giáo viên ở Sơn La cũng để lộ hình ảnh "nóng" do bỏ dở buổi tập huấn trực tuyến sử dụng sách giáo khoa lớp 6 năm học 2021-2022.
Trên quan điểm cá nhân, luật sư Trần Xuân Tiền khuyến cáo, qua các sự cố hi hữu, giáo viên khi dạy online cần có sự chuyên nghiệp, nghiêm túc trong quá trình giảng dạy. Kể cả làm việc ở nhà cũng như làm việc ở trường hoặc hay trung tâm, giáo viên cũng tránh các tình huống hớ hênh, giữ hình ảnh giáo viên đúng chuẩn mực.
Trước đó, ngày 20/12, các diễn đàn mạng xã hội xôn xao bài viết của một phụ huynh ở Hà Nội, tố cô giáo Tiếng Anh "không mặc quần áo" khi dạy kèm con trai 8 tuổi học online 1:1.
Theo chia sẻ của phụ huynh, bình thường, nam sinh tự học một mình cùng cô giáo, gia đình cũng ít khi để ý. Đến hôm vào kiểm tra và định nhờ cô kiểm tra cho một bạn nữa muốn theo học cùng thì phụ huynh sốc nặng khi phát hiện cảnh tượng cô giáo "không mặc quần áo".
Theo trình bày của giáo viên, vào cuối buổi học do bị "phát ban hay mẩn ngứa" nên thay quần áo và "không nghĩ vẫn ở trong camera". Đến khi phụ huynh đăng tải bài viết, giáo viên mới ngỡ ngàng, chủ động nhận mọi lỗi và xin nghỉ việc.
Trung tâm cũng đã hoàn tiền cho phụ huynh học sinh, nếu sau này gia đình vẫn mong muốn cho con theo học Tiếng Anh tại trung tâm thì sẽ có giải pháp thích hợp. Phía gia đình cũng đã đồng ý gỡ bài viết và clip, do việc đăng tải clip ảnh hưởng rất lớn tới giáo viên.
Được biết, cô giáo hiện sốc nặng, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý. Trung tâm sẽ tư vấn giáo viên làm việc với luật sư, để tìm cách xử lý những bên đăng tải thông tin sai sự thật, ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự.