Nhật Bản luôn nằm trong top các quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới. Theo báo cáo của "Japan Times" năm 2020, tuổi thọ trung bình của nam giới Nhật Bản đạt 81,64 tuổi, đứng thứ hai trên thế giới; ở nữ giới, tuổi thọ trung bình là 87,74 tuổi, đứng đầu thế giới. Mới đây nhất, trang World Population Review công bố Nhật Bản đứng thứ 2 trong danh sách các quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới với 84,67 tuổi. Đối với phụ nữ, con số này tương đương với 87,7 năm, trong khi đối với nam giới là 81,5 năm.
Ảnh: Internet
Hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng giấc ngủ có liên quan mật thiết đến tuổi thọ của con người, giúp cho chúng ta khỏe mạnh và sống lâu hơn. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát của Sleep Cycle - ứng dụng theo dõi số giờ ngủ, Nhật Bản là quốc gia "ngủ ít nhất" thế giới. Trung bình giấc ngủ của người dân Nhật Bản chỉ khoảng 6,25 giờ mỗi ngày, xếp sau cả Hàn Quốc và Ả Rập Xê Út với thời lượng ngủ trung bình 6,5 giờ mỗi ngày. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy 40% của người Nhật ngủ ít hơn 6 tiếng.
Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), người trưởng thành (18 đến 64 tuổi) cần ngủ 7 đến 9 giờ mỗi ngày để đảm bảo tái tạo đủ năng lượng sau một ngày làm việc.
Vậy làm thế nào mà người Nhật dù ngủ rất ít nhưng vẫn luôn nằm trong Top những quốc gia có sức khỏe tốt và sống thọ nhất thế giới? Thực ra bí mật nằm ở những điều dưới đây:
1. Thích ăn cá
Ảnh: Internet
Người Nhật rất thích ăn cá. Mức tiêu thụ cá bình quân đầu người hàng năm của Nhật Bản thậm chí còn vượt qua gạo và Nhật Bản là một trong những quốc gia ăn cá nhiều nhất trên thế giới. Mức tiêu thụ cá bình quân đầu người mỗi năm là hơn 100 kg, cao gấp 5-6 lần mức trung bình của thế giới.
Ăn cá rất tốt cho sức khỏe, cung cấp nguồn protein dồi dào, cần thiết cho sự phát triển của con người. Cá rất giàu protein, protein của thực phẩm này còn tốt cho sức khỏe hơn thịt gia cầm và các sản phẩm chăn nuôi. Hơn nữa, thịt cá dễ được cơ thể con người hấp thụ và tiêu hóa, cơ thể con người có thể hấp thụ được 83% đến 90% protein trong thịt cá, trong khi thịt đỏ chỉ có 75%.
2. Nấu ăn "nhẹ nhàng"
Thay vì nấu ăn "đậm vị", người Nhật lại ưa chuộng các phương pháp chế biến thức ăn nhẹ như ăn đồ sống, hấp, ướp lạnh và luộc. Hơn nữa, chế độ ăn uống của người Nhật thường "ít dầu, ít muối, ít gia vị" và cố gắng giữ trọn hương vị nguyên bản của thực phẩm.
Chế độ ăn uống như vậy có thể giữ lại tối đa lượng cellulose, vitamin, khoáng chất và các dưỡng chất khác trong thực phẩm. Đồng thời giảm sản sinh chất gây ung thư, đây là yếu tố quan trọng giúp cơ thể khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ.
Ảnh: Internet
3. Thích tắm và đi bộ
Ngoài những điều trên, người Nhật còn là dân tộc yêu thích việc tắm rửa nhất thế giới. Không chỉ phòng tắm riêng trong gia đình, quốc gia này còn có nhiều phòng tắm hơi công cộng rất tiện nghi.
Khác với cách tắm thông thường, người Nhật đã phát minh ra các phương pháp tắm giúp giữ gìn sức khỏe như tắm rượu gạo, tắm hoa, tắm lá, tắm táo,... không chỉ làm sạch cơ thể mà còn phòng ngừa được một số loại bệnh và giúp thư giãn, giải tỏa căng thẳng rất hiệu quả.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho rằng nguyên nhân chính giúp tuổi thọ trung bình của người Nhật Bản được xếp vào hàng cao nhất thế giới là họ rất quan tâm đến phương pháp rèn luyện sức khỏe. Dù không thường xuyên tập thể dục nhưng người Nhật lại rất thích đi bộ. Điều này giúp rèn luyện chức năng tim phổi, thúc đẩy tuần hoàn máu, chống loãng xương, là một cách tốt để cơ thể khỏe mạnh hơn mỗi ngày.
4. Hệ thống y tế hiện đại
Các yếu tố liên quan đến tuổi thọ ở người Nhật không chỉ giới hạn ở chế độ ăn uống. Theo đó, hệ thống y tế hiện đại cũng là một yếu tố quan trọng giúp người Nhật sống thọ hơn. Trình độ y học của Nhật Bản được xếp vào top đầu thế giới, điều này tạo điều kiện nhất định cho người dân Nhật Bản có môi trường để chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Năm 2014, Nhật Bản đề ra chiến lược chăm sóc sức khỏe nhằm xây dựng một xã hội khỏe mạnh và trường thọ với công nghệ y tế tiên tiến bậc nhất. Ngoài ra, hệ thống bảo hiểm y tế của Nhật Bản cũng rất hữu ích, bất cứ ai nắm giữ Sổ tay sức khỏe quốc gia đều có thể được hưởng bảo hiểm y tế và hầu hết tất cả các hạng mục đều có thể được hoàn trả 70% chi phí.
Ảnh: Internet
Trên thực tế, ngoài việc ngủ đủ giấc, sức khỏe và tuổi thọ còn liên quan đến nhiều yếu tố như thói quen ăn uống, tập thể dục, tâm lý, lối sống,... Người Nhật ngủ ít nhưng vẫn sống thọ không có nghĩa là giấc ngủ không quan trọng.
Tác dụng của giấc ngủ đối với sức khỏe con người không chỉ liên quan đến độ dài của giấc ngủ mà còn liên quan đến chất lượng giấc ngủ. Nếu giấc ngủ của bạn không được đảm bảo, khả năng suy nghĩ của bạn sẽ suy giảm, sự tỉnh táo và phán đoán của bạn cũng sẽ yếu đi. Ngoài ra còn khiến chức năng miễn dịch bị rối loạn, mất cân bằng nội tiết.
Trong những năm gần đây, các chuyên gia tin rằng ngủ đủ giấc, chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục hợp lý là 3 yếu tố quan trọng góp phần hình thành nên một cuộc sống khỏe mạnh. Nếu bạn có thể đạt được những điều trên và duy trì một thái độ tích cực, bạn cũng có thể sống lâu như người Nhật!
(Theo QQ)