Có UMPC rồi sao Nga vẫn cần thêm UMPB?
Gần như ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, lực lượng phòng không đối phương đã nhanh chóng chuyển chiến thuật từ cơ động sang đứng chân tại các vị trí kiên cố.
Lý do giải thích cho thực tế đáng buồn này là vì Không quân Vũ trụ Nga (VKS) không đủ khả năng chiếm hoàn toàn ưu thế trên không.
Dù là mục tiêu tấn công trọng điểm của Nga nhưng lực lượng phòng không Ukraine vẫn bảo toàn được đáng kể các tổ hợp do Liên Xô và Phương Tây sản xuất, bao gồm các loại Tên lửa phòng không vác vai (MANPADS).
Những thứ này thực sự đã trở thành vấn đề lớn cho VKS, các nỗ lực không kích các mục tiêu bằng "gang" (bom không điều khiển) của máy bay VKS đã dẫn đến những tổn thất phi lý.
Lý do là vì các phi công cường kích Nga không thể thực hiện được nhiệm vụ được giao mà không tiến vào khu vực bao phủ của phòng không đối phương.
Và nguyên nhân chính là vì người Nga thiếu các loại bom liệng - và điều khó chịu là chúng không phải là thứ gì đó không thể chế tạo, và các đối thủ tiềm năng đã sở hữu chúng từ lâu - ví dụ như bom JDAM-ER của Mỹ.
Video phi công bật dù nhảy thoát hiểm khỏi Su-25 ngay trước khi máy bay phát nổ. Nguồn: Telegram Bộ Quốc phòng Nga.
Và khoảng 1 năm trước, VKS đã chính thức sử dụng các loại bom nổ mạnh (FAB) đi cùng UMPC (hoặc UMPK, tiếng Nga là Module (mô-đun) lập kế hoạch và hiệu chỉnh thống nhất) trên các mục tiêu trong khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Những thiết bị với vẻ ngoài thô kệch gắn vào những trái "bom ngu" - đầu tiên là loại 500 kg, sau đó là 250 và hiện là 1.500 kg đã bắt đầu thay đổi tình hình theo chiều hướng tốt hơn.
Hiệu quả của việc sử dụng loại cuối cùng thật đáng sợ, vì trái bom nặng 1,5 tấn đó có thể "đập bẹp" một tòa nhà nhiều tầng cùng chỉ huy sở của đối phương nằm dưới tầng hầm của nó.
Phương Tây cũng đã phải thừa nhận rằng chính bom liệng hạng nặng là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến chiến thắng của Nga ở khu vực Avdiivka và đang giúp tiến xa hơn về phía tây của "thành trì" này.
Có vẻ như giờ đây các phi công Nga sẽ có thể yên tâm và bình tĩnh đưa cường kích "càn quét" các khu vực kiên cố của đối phương trước khi bộ binh và cơ giới tiến vào 'dọn dẹp"?
Một phi vụ ném bom liệng của Su-34 Nga tại mặt trận Kupyansk, Kharkov được Sputnik đăng tải gần đây.
Nhưng câu trả lời là không - vì chiến thuật "tiền bom hậu xung" này vẫn tồn tại một số vấn đề. Đầu tiên là đối phương có thể bố trí các cuộc phục kích bằng các tổ hợp phòng không tầm xa.
Thứ hai đó là không có quá nhiều máy bay đủ khả năng (mang và triển khai bom liệng) và phi công được huấn luyện đầy đủ để các cuộc tập kích đường không trở thành thứ đóng vai trò quyết định.
Và dưới đây là những gì tờ Defense Express (Ukraine) viết về vấn đề này:
"Có vẻ như yếu tố chính hạn chế người Nga sử dụng bom liệng với UPMC là về số lượng máy bay và phi công có khả năng thực hiện các nhiệm vụ đó.
25 cường kích chiến thuật của Nga sẵn sàng cho nhiệm vụ này (ném bom liệng) - thực tế là không nhiều vì VKS có thể có hơn 100 chiếc Su-34 và 100 chiếc Su-35 ở mặt trận".
Nói cách khác, các cuộc tập kích tiền tuyến của VKS có một giới hạn.
Gọi UMPB là "bom liệng" đúng nhưng chưa đủ?
Cách đây vài ngày, tất cả các nguồn tin Nga, Ukraine và Phương Tây đã đồng loạt viết về "bom liệng tiên tiến" UMPB (Tiếng Nga: Module lập kế hoạch chiến đấu thống nhất) D-30SN mới được sử dụng lần đầu tiên ở khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt.
Chi tiết về nó có thể được miêu tả thông qua bình luận của kênh tin tức Telegram "Prokommentiroval" (Người cấp tin quân sự) như sau:
"Theo nguồn tin đối phương (Ukraine), module này chứa đầu đạn của bom FAB-250, định vị vệ tinh được bổ sung bộ chống nhiễu Kometa (Comet), hệ thống cánh hình hoa thị và bánh lái ở đuôi, cũng như một thùng nhiên liệu và động cơ phản lực phía ngoài.
Động cơ giúp tăng đáng kể tầm tác chiến của đạn, do đó giúp tăng đáng kể khả năng tấn công mục tiêu nằm sâu phía sau chiến tuyến và được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không, tăng khả năng bảo vệ cường kích khỏi phòng không đối phương".
Các bức ảnh được công bố về UMPB D-30SN cho thấy thứ gợi nhớ đến bom JDAM của Mỹ. Toàn bộ "nội dung" của đạn được giấu bên trong thân được thiết kế khí động học và các cánh gấp khiến nó trông giống như một tên lửa hành trình.
Điều này có nghĩa là VKS vừa nhận được loại bom liệng có tầm xa hơn, giúp phi công tấn công sâu hơn vào phòng tuyến của đối phương - và đây cũng là điều chúng tôi (Sergey Marzhetsky và các cây viết khác của Topcor.ru) mơ ước từ mùa thu năm 2023.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng rất có thể UMPB D-30SN không chỉ được triển khai từ máy bay của VKS Nga. Dưới đây là bình luận của "Telegramer" nổi tiếng "Fighterbomber" về quá trình phát triển vũ khí này từ cuối năm 2023 như sau:
"Đó là một loại đạn bay (theo một số nguồn là bom) có đường kính 30 cm. Về cơ bản bộ phận điều khiển và dẫn đường (vệ tinh), cánh và đầu đạn nặng hơn một trăm kg được nhét vào một cái ống.
Vì nó được gọi là "đa năng" nên có thể được triển khai không chỉ từ máy bay mà còn từ các loại MRLS (pháo phản lực phóng loạt) Tornado-S hoặc bất kỳ thứ gì có thể khai hoả đạn phản lực có đường kính 300 mm.
Trong trường hợp sử dụng với "Tornado", những việc cần làm chỉ là gắn một động cơ phản lực, nạp đầy nhiên liệu, đẩy vào ống phóng và bắn - về cơ bản đó là một tên lửa hành trình".
Cũng cần lưu ý rằng vào tháng 10/2023, một trang tin tức Nga khác từng đề cập tới việc phát triển loại đạn đa năng này ở Nga - có lẽ là một tiên đoán khác nay đã trở thành sự thực:
"Đường kính của FAB-250 là 285 mm mang lại hy vọng (nhưng khá thận trọng) rằng các nhà thiết kế có thể điều chỉnh loại bom thông thường này để phóng từ MRLS 300 mm như 9K515 Tornado-S và BM-30 Smerch (9K58 Smerch hoặc 9A52-2 Smerch-M).
Nếu thực sự không ngại ngùng gì ai, Nga có thể mua hàng nghìn động cơ phản lực từ một "nước thân thiện" để trang bị cho chúng.
Dòng FAB-500 có đường kính thay đổi từ 392 đến 450 mm cũng có thể được lắp làm đầu đạn cho MRLS 600 mm với động cơ đến từ cùng "nhà sản xuất" nói trên.
Không những vậy, đường kính của FAB-1500 là 580 mm cũng đưa ra một số lý do để kỳ vọng rằng các kỹ sư sẽ có thể cho ra mắt loại đạn nặng 1,5 tấn để phóng từ MLRS cỡ nòng cực lớn..."
Tornado-S của Nga giội hỏa lực vào các mục tiêu ở Ukraine (Nguồn: Sputnik).
"Iskander dành cho nước nghèo"?
Có thể nói việc điều chỉnh bom không điều khiển thành UMPB D-30SN giúp VKS vượt qua giới hạn về máy bay và phi công đã nêu ở phần trên của bài viết.
Tuy nhiên tiềm năng của bộ kit UMPB giúp chuyển đổi không chỉ bom thông thường 250 kg, 500 kg mà còn là 1.500 kg - thành loại tên lửa hành trình giá rẻ được bắn từ MRLS 300, 600 mm - không chỉ giúp Nga "mở ra 1 chương mới" cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Nó còn là một gợi ý quan trọng về cách một loại vũ khí chính xác, tầm xa, số lượng lớn, chi phí hợp lý ra đời để thay thế cho các loại tên lửa hành trình đắt tiền hơn như Iskander-K (biến thể đất đối đất của Kalibr nổi tiếng).
Vào tháng 10/2023, tờ Forbes đưa tin Boeing và Kratos đã phát triển thành công bộ kit được gọi là PJDAM/Power JDAM (JDAM mạnh mẽ hơn).
Bộ kit bao gồm động cơ phản lực TDI-J85 của Kratos biến bom thông thường nặng từ 500 (226) đến 2.000 pound (907 kg) thành một bom liệng thông minh có tầm tác chiến lên tới hơn 482 km - vượt trội so với dưới 25 km của JDAM và hơn 74 km của JDAM-ER.
Boeing và Kratos cũng tuyên bố rằng nếu thay đổi đầu đạn bằng bình nhiên liệu hoặc đầu đạn nhỏ hơn thì bom cũng có thể biến thành mồi nhử hoặc đạn lảng vảng có tầm tác chiến lên tới 1.126 km.
Tuy nhiên có vẻ như PJDAM không được phát triển để phóng từ các loại MRLS ví dụ như M142 HIMARS và cũng như chưa được thực chiến như UMPB D-30SN của Nga.