Vào lúc 2h18 phút sáng thứ Hai theo giờ Florida, quả tên lửa mang theo hy vọng trở lại Mặt Trăng của nước Mỹ chính thức lên không trung. Sự kiện đánh dấu mốc lịch sử mới, khi lần đầu tiên trong 50 năm trở lại đây, một con tàu mang “quốc tịch Hoa Kỳ" tiến tới vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Trái Đất.
Với danh xưng “Vulcan Centaur”, quả tên lửa được thiết kế và chế tạo bởi công ty United Launch Alliance (ULA), là doanh nghiệp liên doanh giữa Boeing và Lockheed Martin. Vulcan Centaur sẽ thay thế hai thế hệ tên lửa cũ của ULA là Atlas V và Delta IV. Mặc dù có độ uy tín cao, nhưng vì chi phí đắt đỏ nên Atlas V và Delta IV không phù hợp cho những dự án phóng tàu thương mại. Tuy nhiên, ULA mong muốn thay đổi cục diện với dòng tên lửa mới.
Quả tên lửa vừa mới lên không từ Mũi Canaveral cho thấy ULA mong muốn hiện diện trong thị trường hàng không thương mại. Tính tới thời điểm hiện tại, ULA đã bán được 70 hợp đồng phóng tên lửa, với Amazon mua tổng cộng 38 buổi phóng nhằm phục vụ dự án internet vệ tinh Kuiper.
Danh sách kiện hàng mới lên không
Vulcan Centaur mang trên mình nhiều kiện hàng quan trọng, trong đó có tàu đáp Mặt Trăng có tên Peregrine do Astrobotic Technology chế tạo; dự kiến Peregrine sẽ đáp xuống khu vực Sinus Viscositatis và mang theo 10 kiện hàng.
Trong số đó, 5 kiện hàng là 5 thí nghiệm của NASA, bao gồm 2 thiết bị đo đạc mức độ bức xạ trên Mặt Trăng nhằm chuẩn bị cho việc đưa người quay trở lại đây. Ba thí nghiệm còn lại bao gồm thiết bị phân tích đất đá Mặt Trăng, tìm dấu vết của nước và phân tử hydroxyl, và nghiên cứu khí quyển của Mặt Trăng.
Đây là nỗ lực nằm trong chương trình Dịch vụ Tải hàng Thương mại Mặt Trăng (CLPS) của NASA, nhắm tới việc giảm chi phí đưa nguyên vật liệu và thiết bị nghiên cứu lên bề mặt Mặt Trăng.
5 kiện hàng còn lại trên tàu thăm dò Peregrine là thiết bị nghiên cứu cũng như hàng hóa thương mại từ nhiều quốc gia, trong đó có Mexico, Anh và Đức. Đáng chú ý, Peregrine mang trên mình di thể theo đơn hàng từ hai công ty an táng không gian là Elysium Space và Celestis. Trên website chính thức, Celestis tuyên bố cung cấp dịch vụ an táng Mặt Trăng với giá khoảng 13.000 USD.
Cuộc chạy đua mới vào không gian
Buổi phóng tàu ngày diễn ra hôm nay càng làm cuộc đua lên Mặt Trăng thêm gay cấn. Năm 2019, tàu Hằng Nga 4 của Trung Quốc đã hạ cánh an toàn xuống Mặt Trăng; năm ngoái, tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ cũng đã đáp đất an toàn, đánh dấu mốc lần đầu tiên người Ấn hoàn thành sứ mệnh đổ bộ lên Mặt Trăng.
Còn với NASA, mục đích của họ không đơn giản là tiếp tục đưa tàu thăm dò và trạm nghiên cứu lên Mặt Trăng, mà còn là đưa người trở lại đó. Lần cuối Mặt Trăng có người viếng thăm đã là từ năm 1972, khi phi hành gia Eugene Cernan hoàn thành sứ mệnh Apollo 17. Đã hơn 50 năm trôi qua, gia thất của Chị Hằng không có bóng người qua lại.
Thể theo kế hoạch Artemis của NASA, nội trong năm 2024 Mỹ sẽ đưa người lên quỹ đạo quanh Mặt Trăng, và các phi hành gia sẽ sớm đáp xuống bề mặt trong bộ đồ du hành hoàn toàn mới. Suốt những năm qua, giới khoa học, thiên văn học toàn cầu đã mong ngóng ngày con người trở lại Mặt Trăng, và có vẻ nước Mỹ đang là ứng cử viên sáng giá nhất trong chặng đường chinh phục mới này.
Chắc chắn các quốc gia khác sẽ không dừng lại ở việc đưa tàu thăm dò lên Mặt Trăng. Việc NASA đi tiên phong sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không vũ trụ, qua đó đẩy mạnh các lĩnh vực nghiên cứu liên quan, đặt mục tiêu chinh phục thành công tiền đồn mới.