Tâm lý chờ đợi BĐS "xuống giá"
Khi thị trường BĐS khó khăn chung thì người mua là đợi chờ giảm giá để sở hữu được BĐS với giá tốt được xem là tâm lý bình thường. Tuy nhiên, cũng chính điều này đã khiến giao dịch BĐS trên thị trường có phần chững lại do những "do dự" đến từ phía người mua.
Không chỉ người mua ở thực mà NĐT cũng là đối tượng trông chờ vào sự giảm giá của thị trường đến cuối năm. Câu hỏi cho thị trường BĐS lúc này là khi nào thị trường BĐS khởi sắc trở lại thì có đến 81% khách hàng cho rằng thị trường sẽ khởi sắc vào năm 2021 hoặc 2022.
Điều này nói lên xu hướng tâm lý chờ đợi giảm giá ngày càng nhiều của nhà đầu tư và người mua nhà đang chờ đợi sự "xuống giá" vào cuối năm và khởi sắc vào năm sau.
Có khá nhiều trường hợp NĐT mới tham gia thị trường tiếp tục giữ tâm lý đợi chờ giá giảm thêm vào cuối năm để "xuống tiền", ngay cả khi dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt tại Việt Nam. Điều này cho thấy, người mua vẫn kì vọng giá nhà sẽ giảm vào cuối năm nên chưa vội tham gia vào thị trường.
Theo khảo sát trước đó của Batdongsan.com.vn, đa số nhà đầu tư và người mua nhà vẫn có tâm lý chờ đợi thị trường BĐS sẽ giảm giá. 55% số người được hỏi cho rằng giá BĐS 3 tháng cuối năm sẽ giảm.
Ảnh: Hạ Vy
Theo ghi nhận, hiện hoạt động truyền thông, tiếp thị, quảng cáo…dự án bắt đầu trở lại thị trường. Khách hàng cũng bắt nhịp, quan tâm và có nhu cầu mua BĐS. Thế nhưng, tâm lý thận trọng, chờ đợi, quan sát diễn biến thị trường vẫn là diễn biến chung dễ nhận thấy hiện nay.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vienam, đối với thị trường thứ cấp, đa số người mua vẫn có tâm lý thận trọng và chờ hết năm. Mức giá có thể không biến động quá nhiều, đặc biệt đối với đất nền.
Giá vẫn chiều hướng đi lên, ít nhất là đến cuối năm
Có một thực tế, giá sơ cấp trên thị trường BĐS vẫn không có dấu hiệu giảm, mặc dù cận kề cuối năm. Có chăng, sự chờ đợi của người mua được các CĐT dành sự ưu đãi "mạnh tay" hơn so với thời điểm chưa có dịch.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế trong nước hồi phục, có tăng trưởng dương, lực cầu sẽ được tiếp sức để thị trường bất động sản nóng ấm trở lại.
Nguồn hàng tại các dự án bất động sản do các doanh nghiệp triển khai, tiếp tục không có nhiều thay đổi, khan hiếm nguồn hàng mới tại các đô thị lớn vẫn diễn ra. Tại các địa phương khác, nguồn hàng đưa ra thị trường chủ yếu nằm ở các dự án đã triển khai trước đó.
Các dự án mới phê duyệt sẽ được triển khai nhiều hơn, khi các địa phương ổn định bộ máy tổ chức sau Đại hội. Nhiều dự án đấu giá đất sẽ được triển khai tại các địa phương để tạo ngân sách đảm bảo sự đầu tư phát triển cho nhiệm kỳ mới.
Lượng giao dịch, tỷ lệ tiêu thụ hàng hóa trong quý cuối năm sẽ tăng so với quý 3. Hầu hết thị trường cả nước không có biến động về giá.
Làn sóng đầu tư, mua sắm dịp cuối năm có thể sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS cả nước, trong đó tác động đến mặt bằng giá các dự án, xu hướng vẫn tăng chứ không giảm.
Theo ghi nhận, ở một số phân khúc chuyên gia nhận định giá thứ cấp sẽ giảm nhẹ đến cuối năm nhưng là cục bộ, trong khi nhìn chung trên thị trường giá BĐS vẫn đà tăng do đặc thù về sự khan hiếm, nhu cầu thực tế trên thị trường còn lớn.
Theo dự báo của CBRE Việt Nam, đến cuối năm nguồn cung nhà ở chào bán sẽ được cải thiện dần trong Quý 4/2020 và đạt khoảng 15.000 căn cho cả năm. Sản phẩm trung cấp và cao cấp đang chiếm tỷ trọng cao với lượng nhỏ nguồn cung từ phân khúc hạng sang. Về khu vực, phía Đông sẽ tiếp tục là các điểm nóng của thị trường, với nhiều dự án mới tại khu vực Quận 2 và Quận 9.
Giá bán trung bình toàn thị trường trong cả năm 2020 được kỳ vọng tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó phân khúc cao cấp và hạng sang được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước. Các dự án trung cấp dự kiến có mức tăng giá khoảng 5% so với cùng kỳ với mức giá đã tăng nhanh trong hai quý đầu năm.