Người mẹ 'hy sinh' lá gan cứu con trai 2 tuổi: 'Miễn sao con khỏe, cần người chăm sóc cả đời tôi cũng chấp nhận'

Mộc Trà |

Con bị teo mật bẩm sinh, chị Hiền bất chấp tất cả, hiến gan để giành con lại từ tay tử thần. Thế nhưng cậu bé lại mắc thêm chứng tự kỷ và trước mắt vẫn còn cuộc đại phẫu đang chờ sẵn.

Quyết tâm của người mẹ giành con từ tay tử thần

Tháng nào cũng vậy, hai mẹ con chị Võ Ngọc Diệu Hiền (quê TP HCM, lấy chồng tại Thái Nguyên) và bé Giang Phú Thịnh (sinh năm 2021) lại lặn lội gần 100 km từ TP Thái Nguyên xuống Hà Nội tái khám. "Tháng này con phải nằm lại gần 1 tuần để điều trị viêm phổi cấp, do hệ miễn dịch của con khá yếu nên dễ mắc bệnh", chị Hiền tâm sự.

Được biết, 5 tháng trước bé Thịnh vừa trải qua cuộc ghép gan dài 17 tiếng để giành lại sự sống nhờ lá gan của chị Hiền. Bà mẹ hai con đã bỏ qua những lời khuyên 'bỏ cuộc' của bác sĩ, người thân để giật con lại từ tay tử thần.

Kể về căn bệnh của con, chị Hiền tâm sự, đầu năm 2021, chị sinh bé Thịnh là con thứ hai. Một tuần sau sinh, chị Hiền phát hiện con bị vàng da. Cứ ngỡ con bị vàng da sinh lý nên chị Hiền không đưa con đi khám. Hơn nữa tại thời điểm đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên mãi 4 tháng sau chị mới đưa con ra phòng khám gần nhà thì bác sĩ yêu cầu cho Thịnh nhập viện tuyến trung ương gấp vì gan của Thịnh vô cùng cứng. "Khi đó 2 vợ chồng vội vàng đưa con xuống Hà Nội, vào bệnh viện Xanh Pôn. Bác sĩ kết luận 80-90% con bị teo mật và đã qua thời điểm vàng để điều trị tốt nhất cho con", chị Hiền kể.

Bác sĩ yêu cầu gia đình chuẩn bị kinh phí để cho Thịnh nhập viện nối mật ruột. Tuy nhiên, toàn bộ số vốn tích lũy của cả 2 vợ chồng chị Hiền đã dồn hết vào xây nhà, nên khi đó gia đình chị Hiền đã phải đi vay nóng 100 triệu để có kinh phí điều trị cho con. "Cả 2 vợ chồng đều là công nhân môi trường, thu nhập của cả hai chỉ vỏn vẹn hơn 10 triệu. Nhưng tiền đó chỉ đủ chi tiêu, lo cho cậu con trai lớn đi học. Vậy nên khi con nhập viện, chúng tôi gần như trắng tay, không có một đồng", chị Hiền cho hay.

Sau cuộc phẫu thuật nối mật ruột, Thịnh không may bị nhiễm trùng, vàng da nặng, bụng căng chướng, dịch chảy xuống tinh hoàn khiến cơ quan này phồng to như quả dưa hấu. Bé phải chuyển xuống nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt và thở máy, thoi thóp thở từng giây.

Tháng 8/2021, sức khỏe của Thịnh chuyển hướng xấu, kháng thuốc, bác sĩ tiên lượng khó qua khỏi trong đêm. Theo đó, bác sĩ khuyên rằng nếu chuyển Thịnh tới bệnh viện có bác sĩ chuyên môn giỏi hơn, may ra sẽ tìm được cơ hội sống. "Khi đó tôi chỉ nghĩ còn nước con tát, phải cứu con. Hai vợ chồng quyết định chuyển con sang bệnh viện Nhi Trung ương, cố tìm tia hy vọng cuối cùng", chị Hiền tâm sự.

Người mẹ hy sinh lá gan cứu con trai 2 tuổi: Miễn sao con khỏe, cần người chăm sóc cả đời tôi cũng chấp nhận - Ảnh 1.

Chuỗi ngày lấy viện là nhà của gia đình chị Hiền. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Khi chuyển viện cho Thịnh, cậu bé vẫn tỉnh nhưng tình trạng vô cùng nặng, tinh hoàn chứa nhiều dịch nên sưng to, gan dường như mất chức năng không thể hoạt động, chỉ nằm theo dõi tại phòng hồi sức tích cực. Cả bác sĩ và gia đình cứ ngỡ con không thể qua khỏi một lần nữa. "Ấy thế, sáng hôm sau, bằng sự kỳ diệu nào đó, con lại đáp ứng được thuốc truyền, và con thoát khỏi nguy hiểm. Tuy nhiên các bác sĩ yêu cầu ghép gan càng sớm càng tốt vì nếu con nhiễm trùng lần nữa, cơ hội cứu sống chỉ bằng 0", chị Hiền kể.

May mắn, sau khi xét nghiệm gan chị Hiền tương thích với Thịnh. Điều này khiến bà mẹ trẻ vui hơn bao giờ hết. Nhưng, niềm vui thì ít, nỗi buồn nhân gấp 10 lần, khi áp lực kinh tế với số tiền ghép gan lên gấp 7-8 lần số tiền vợ chồng chị Hiền đã vay nóng trước đó. Cả gia đình xin phép bố mẹ chồng, quyết định bán nhà đi thuê trọ để cứu sống con. Tuy nhiên, số tiền bán nhà cũng chẳng thể đủ cho cuộc ghép gan sắp tới của con.

Cộng thêm việc khi chụp cộng hưởng từ, các bác sĩ phát hiện Thịnh thiếu một động mạch quan trọng trong gan. Cùng với xét nghiệm kháng thể kháng HLA trước ghép, có kết quả dương tính, khiến nguy cơ thải ghép cao hơn, phải dùng thuốc ức chế miễn dịch trước ghép. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc này, Thịnh có nguy cơ sốc phản vệ cao, tăng khả năng nhiễm trùng sau ghép, nguy cơ thải ghép cao, phải dùng nhiều thuốc ức chế miễn dịch, rủi ro trước và sau mổ là rất lớn.

"Thịnh đứng trước nguy cơ không truyền thuốc cũng chết, mà truyền thuốc bị sốc phản vệ cũng sẽ chết. Tình thế như 'ngàn cân treo sợi tóc', nhiều người kể cả bác sĩ cũng nói với tôi nên bỏ cuộc, bảo tôi còn trẻ, sinh thêm được con, vì nếu có ghép gan con cũng không sống được lâu… Nhưng nhìn con như vậy tôi chẳng đành lòng. Nên dù còn một tia hy vọng tôi cũng sẽ cố bằng được", chị Hiền quyết tâm.

Phép màu đến cho sự quyết tâm của người mẹ

Nhờ sự quyết tâm của người mẹ, may mắn đã đến và mỉm cười khi vị giáo sư đầu ngành về ghép gan có cuộc hội thảo ở Việt Nam ngay thời điểm 'ngàn cân treo sợi tóc'. Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng trình bày hoàn cảnh gia đình của chị Hiền, cùng với ca bệnh hiếm của Thịnh. Vị giáo sư quyết định hỗ trợ phẫu thuật ghép gan cho gia đình.

Ca phẫu thuật dài 17 tiếng bắt đầu lúc 7h ngày 16/11/2022. Trước đêm mổ, hai vợ chồng chị Hiền ôm con trong lòng, thầm cầu nguyện qua ngày mai, mọi cơn ác mộng sẽ tiêu biến. Dù vậy, trái tim người mẹ vẫn thắt lại khi nghĩ đến tình huống xấu nhất. "Hôm đó, tôi được nằm ở phòng cách ly, sẵn sàng hiến gan cho con. Thịnh được đưa vào phòng mổ. May mắn, ca ghép dù hơi dài, nhưng con tôi đã bình an vượt cửa tử. Sau 1 tháng, cả hai mẹ con được về nhà nghỉ ngơi sau thời gian dài hơi ở viện như ở nhà", chị Hiền hạnh phúc chia sẻ.

Sau ghép gan, sức khỏe Thịnh tốt lên trông thấy, em tăng từ 9kg lên13kg, da dẻ hồng hào và phát triển 'khỏe mạnh' hơn thời gian trước. "Con như được sinh ra lần nữa. Bác sĩ có chẩn đoán con mắc chứng tự kỷ nên dù ghép gan thành công, con cũng chẳng được như đứa trẻ bình thường và phải cần có người chăm sóc. Chính vì thế, dù đã hơn 2 tuổi, con vẫn chưa biết nói. Nhưng tâm lý của tôi là miễn sao con khỏe, cần người chăm sóc cả đời tôi cũng chấp nhận",bà mẹ hai con quả quyết.

Người mẹ hy sinh lá gan cứu con trai 2 tuổi: Miễn sao con khỏe, cần người chăm sóc cả đời tôi cũng chấp nhận - Ảnh 2.

Hiện tại sức khỏe của Thịnh đã ổn định hơn trước. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Cứu sống được con, nhưng hai vợ chồng chị Hiền hiện tại đang đối mặt với áp lực lớn về tài chính. Nhà không có, tiền lãi từ những lần vay nóng thì ngày càng nhiều. Tiền lương của hai vợ chồng chỉ đủ lo sinh hoạt gia đình, tiền thuê nhà và tiền đưa Thịnh đi tái khám mỗi tháng. "Sắp tới cũng không biết lá gan được ghép kia bao giờ hết hạn sử dụng. Cùng với đó là cuộc phẫu thuật tìm lại động mạch cho con đang chờ phía trước, kinh phí lại là vấn đề của hai vợ chồng chúng tôi", chị Hiền nói.

Tuy vậy, người mẹ trẻ vẫn lạc quan bởi trải qua hơn 2 năm giành lại sự sống cho con, hiện cuộc sống có khó khăn nhưng chị Hiền vẫn biết ơn cuộc đời đã để con ở lại bên mình.

Theo các chuyên gia, teo mật bẩm sinh là bệnh hiếm, chưa thể sàng lọc. Triệu chứng lâm sàng của bệnh là phân nhạt màu liên tục, vàng da tăng dần. Trẻ bị teo mật phải phẫu thuật trước ba tháng tuổi. Trường hợp không được mổ, bệnh nhi chỉ sống khoảng 2-3 năm. Kể cả phẫu thuật thành công, khoảng 50-60% trẻ có nguy cơ xơ gan, chỉ định ghép gan.

Mọi sự đóng góp giúp gia đình chị Hiền và cháu Thịnh xin gửi về:

STK: 16810000159870 ; Chủ TK: Võ Ngọc Diệu Hiền; Ngân hàng BIDV; Chi nhánh Bến Thành (TP HCM).

SĐT: 0969702102.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại