Chính quyền thành phố Từ Châu thuộc tỉnh Giang Tô của Trung Quốc đang tiến hành điều tra vụ việc một người phụ nữ mắc bệnh tâm thần bị nhốt trong một căn lều tồi tàn và bị người chồng buộc dây xích vào cổ.
Chính quyền địa phương khẳng định không có chuyện người phụ nữ từng bị bắt cóc như thông tin trên mạng xã hội lan truyền.
Người phụ nữ mang họ Yang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận Trung Quốc, sau khi một đoạn video đăng tải trên Douyin cách đây 2 tuần ghi lại điều kiện sống tồi tàn của người này ở huyện Phong của tỉnh Giang Tô.
Trong video, người phụ nữ sống một mình trong căn lều, quần áo mỏng manh trong khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C và chỉ được ăn rất ít. Chồng bà Yang là ông Dong đã buộc xích vào cổ vợ. Hai người có chung 8 người con từ 2 – 22 tuổi. Chồng và các con của bà Yang sống trong căn nhà cạnh túp lều.
Dù người quay video khẳng định mục đích ghi lại hình ảnh là muốn cộng đồng lên tiếng để buộc người chồng có trách nhiệm đối xử tốt hơn với bà Yang. Song nhiều người đã yêu cầu chính quyền địa phương tiến hành điều tra, đồng thời bắt giữ người chồng họ Dong trước cáo buộc bạo hành vợ.
Cảnh sát và hội phụ nữ huyện Phong sau đó đã cùng vào cuộc điều tra từ cuối tháng Một. Bà Yang được đưa tới bệnh viện để kiểm tra. Các bác sĩ chẩn đoán nữ bệnh nhân mắc chứng tâm thần phân liệt.
Hôm 7/2, chính quyền thành phố Từ Châu thông báo bố mẹ đẻ của bà Yang đều đã qua đời. Do đó, cảnh sát không thể làm giám định ADN để xác định chính xác thân thế của bà Yang.
Hiện người chồng họ Dong vẫn đang bị cảnh sát điều tra và kết quả sẽ được công bố vào “thời điểm thích hợp”.
Cảnh sát cũng phát hiện trong tờ đăng ký kết hôn có ghi bà Yang là người dân ở làng Yagu thuộc huyện Phúc Cống của tỉnh Vân Nam. Lần theo manh mối này, các nhà điều tra ban đầu xác định được nơi sinh của bà Yang.
Nhưng cho tới nay thông tin chính xác về độ tuổi và tên thật của bà Yang vẫn chưa thể xác định ngoài tên gọi ở nhà là Xiaohuamei mà chồng bà đặt cho.
Trước đây, bà Yang từng kết hôn với một người đàn ông ở thị trấn Bảo Sơn thuộc tỉnh Vân Nam vào năm 1994. Nhưng 2 năm sau, bà trở về ngôi làng Yagu sau khi ly dị chồng. Người dân làng cho biết vào thời điểm này, bà Yang đã có những dấu hiệu của chứng bệnh tâm thần.
Những người họ hàng của bà Yang cho hay một người phụ nữ mang họ Sang sống cùng làng đã đưa bà Yang tới tỉnh Giang Tô để chữa bệnh, nơi chồng của bà Sang đang sinh sống
Bà Sang nói với các cảnh sát rằng chính mẹ của bà Yang đã đề nghị bà ta đưa con gái đi chữa bệnh ở tỉnh Giang Tô, và sau đó tìm một người đàn ông để lấy làm chồng.
Nhưng khi hai người phụ nữ đặt chân tới huyện Đông Hải của tỉnh Giang Tô, bà Yang đã bất ngờ biến mất. Tuy nhiên, bà Sang đã không báo cáo sự việc với chính quyền và bố mẹ của bà Yang. Hiện cảnh sát cũng đang điều tra bà Sang.
Chia sẻ với CCTV, các bác sĩ cho biết bà Yang hiện chỉ còn lại 9 chiếc răng và những chiếc còn lại bị gãy do tác động của lực nhai cực mạnh, chứ không phải như dân mạng đồn đoán bà này bị chồng đánh đập.
Cũng theo chính quyền huyện Phong, bà Yang và chồng đăng ký kết hôn vào năm 1998, sau khi bố của ông Dong nhìn thấy bà Yang đang ăn xin trên đường nên đã mang về nhà. Khi cặp đôi làm giấy đăng ký kết hôn, chính quyền địa phương không kiểm chứng nhân thân của bà Yang.
Ông Dong cho hay trong những năm đầu cùng chung sống, bà Yang vẫn tự làm mọi việc hàng ngày dù bị bệnh tâm thần.
Tuy nhiên, kể từ tháng 6/2021, tình trạng bệnh của bà Yang diễn biến xấu. Người chồng cho hay vợ mình thường xuyên đập phá và tấn công người già cũng như trẻ em trong làng. Ông Dong đành phải buộc xích sắt vào cổ vợ để ngăn bà Yang tấn công người khác.
Người chồng nhấn mạnh đây chỉ là giải pháp tạm thời và ông ta sẽ tháo xích cho vợ một khi tình trạng bệnh thuyên giảm.
Chính quyền địa phương cho hay ông Dong đã không thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình sau khi cặp đôi sinh 2 con đầu lòng. Hiện 2 người có 8 đứa con gồm 7 con trai và con út là con gái.
Ông Dong đã 56 tuổi cho biết do lấy vợ muộn, ông thường bị người dân làng khinh thường và đó là lý do tại sao ông quyết định sinh nhiều con.
Dù nhiều thông tin về vụ việc đã được chính quyền địa phương công bố, nhưng mạng xã hội Trung Quốc vẫn không bằng lòng với kết quả điều tra.
“Có quá nhiều điểm nghi vấn. Tên thật và tuổi tác của bà ấy ra sao? Bà ấy còn không nhớ nổi tên của mình, chỉ có mỗi tên ngôi làng sinh sống. Tôi không thể tin được những thông tin mà chính quyền địa phương đã công bố”, một bình luận trên Weibo viết.