Bệnh do thay đổi ăn uống
Tại Hội thảo khoa học Hội nghị khoa học quốc tế "Thiết lập mạng lưới Microbiome toàn cầu" do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hoá, Gan mật Việt Nam tổ chức, PGS. TS Sunny Wong đến từ Đại học Hong Kong – Trung Quốc đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới bệnh lý viêm ruột mạn tính ở Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang gia tăng mạnh mẽ.
PGS Wong cho biết, nghiên cứu về bệnh viêm ruột mãn tính tỷ lệ người dân Châu Á, trong đó có Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh gia tăng hơn các khu vực khác. Nguyên nhân của tình trạng này là do tình trạng di cư, thay đổi môi trường sống và liên quan đến hệ vi khuẩn đường ruột.
Nếu trước đây, người dân sống ở vùng nông thôn, ăn các thực phẩm rau xanh, cá, cua do tự chế biến, họ chỉ bị ảnh hưởng của bệnh do ký sinh trùng.
Ngày nay xã hội phát triển, người dân di cư lên thành phố, các khu vực nông thôn cũng được đô thị hoá gắn liền với việc thay đổi thói quen ăn uống như: ăn thực phẩm chế biến sẵn có nhiều cholesterol dẫn đến các bệnh như gan thoái hoá mỡ không do rượu, bệnh lý Crohn, viêm đại trực tràng chảy máu, viêm ruột kích thích…
PGS, TS Sunny Wong, Đại học Hong Kong – Trung Quốc
Theo PGS Wong bệnh Crohn gây ra viêm và làm mất tính toàn vẹn của tế bào biểu mô đường tiêu hóa. Người bệnh đau bụng, tiêu chảy, rối loạn hấp thu và gây ra gầy sút.
Đặc biệt, bệnh nhân bị bệnh Crohn - ở độ tuổi còn trẻ tuổi - có nguy cơ cao về ung thư biểu mô tuyến tụy, ung thư đại tràng. Nguy cơ này xuất hiện sau 7 hoặc 8 năm khi bệnh viêm loét Crohn được chẩn đoán.
Các viêm nhiễm gây ra bởi bệnh Crohn thường lan sâu vào các lớp mô ruột bị ảnh hưởng. Giống như viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn có thể đau đớn và suy nhược, áp xe, thủng ruột, rò hậu môn.
Theo PGS Wong, bệnh xảy ra thường xuyên hơn giữa những người sống ở các thành phố và các quốc gia công nghiệp, nó có thể là các yếu tố môi trường, bao gồm chế độ ăn giàu chất béo trong thực phẩm hoặc thực phẩm đã tinh chế.
Dấu hiệu của bệnh Crohn
Theo TS Đào Việt Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm Nội soi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội bệnh Crohn đang ngày càng tăng. Bệnh nhân thường không biết mình bị bệnh gì. Khi đi khám nội soi có thể đánh giá tổn thương trên hình ảnh nội soi.
Nếu không phát hiện điều trị kịp thời bệnh Crohn không chỉ loét ở đường tiêu hóa mà còn gây ra tác hại cho các bộ phận khác của cơ thể như: viêm khớp ngoại biên, viêm khớp cột sống, viêm điểm bám gân, loãng xương thứ phát.
Bệnh Crohn có thể gây ung thư đại trực tràng
Dấu hiệu nhận biết bệnh Crohn, theo TS Hằng đau bụng là dấu hiệu điển hình nhất, cơn đau có thể xuất hiện từng cơn, đau quặn nhiều lần, có khi đau âm ỉ, cơn đau giảm bớt khi đi ngoài, bệnh nhân có cảm giác bụng luôn căng trướng, căng tức rất khó chịu, vị trí đau hay gặp nhất là dọc theo khung đại tràng.
Phân bất thường: Viêm đại tràng mãn tính gây biểu hiện rõ nhất ở phân, nhưng cũng rất đa dạng, chủ yếu là đi ngoài phân lỏng, nhiều lần trong ngày, nhiều trường hợp có thể bị táo bón, mót rặn, phân có máu, có nhầy hoặc không kèm nhầy.
Cơ thể mệt mỏi, suy nhược: Viêm ruột mãn tính là bệnh đường tiêu hóa ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng nên người bệnh bị suy nhược, mệt mỏi, ăn uống kém, đầy bụng, giảm trí nhớ, ăn ngủ kém, hay cáu gắt, gầy sút cân, lo lắng...
Không khó xác định Crohn và ung thư đại trực tràng, TS Hằng cho biết có thể đánh giá trên tổn thương qua nội soi, làm các xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân và chụp CT, MRI.
Ngoài ra, Crohn rất dễ nhầm với lao ruột, tỷ lệ lao ruột ở Việt Nam cũng rất cao. Chính vì thế, TS Hằng khuyến cáo người dân thấy các dấu hiệu điển hình của bệnh Crohn cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế kiểm tra nhanh.
Để phòng bệnh Crohn cần có chế độ ăn uống hợp lý cân bằng chất đạm, chất béo, chất bột và ăn rau xanh, trái cây để có hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh. Không nên hoặc hạn chế ăn, uống các chất kích thích (rượu, bia).