"Cân bằng" là trạng thái mà tất cả chúng ta đều theo đuổi nhưng đáng tiếc là không dễ dàng để đạt được.
Với sự phát triển chóng mặt của khoa học kỹ thuật, con người đồng thời cũng phải làm việc chóng mặt, dẫn đến căng thẳng là điều tất yếu.
Nếu không thể tìm đến sự cân bằng, tại sao bạn không tìm cách điều hòa và sống chung với những áp lực của cuộc sống?
Hoàn toàn vẫn có những cách giúp bạn có cuộc sống nhẹ nhàng hơn, bớt lo lắng hơn mà vẫn đi đều với một nhịp điệu hối hả.
1. Hạn chế lãng phí thời gian
Ước tính, chúng ta lướt qua 5.000 quảng cáo mỗi ngày trên TV, trên mạng xã hội, các trang báo điện tử... Mỗi ngày sau khi thức dậy, việc đầu tiên bạn làm có phải là mở điện thoại, kiểm tra tin nhắn và lướt Facebook không?
Có bao giờ bạn xem lại chúng có đem lại bất kỳ giá trị thực nào vào mục tiêu cuộc sống, công việc của bạn hay không?
Những thông báo, tin nhắn, mạng xã hội… chính là những yếu tố làm rối trí não và sự tập trung của bạn.
Hãy cố gắng tắt hết các loại thông báo không cần thiết khi đang trong giờ làm việc, bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra khả năng giải quyết các vấn đề quan trọng được nâng cao thế nào.
2. Học cách từ chối
Sẽ có nhiều thời điểm trong cuộc sống, bạn buộc phải đưa ra lựa chọn có hoặc không.
Những người làm việc hiệu quả nhất luôn có kế hoạch cho tương lai gần hoặc xa, trong cả công việc lẫn cuộc sống.
Họ biết những gì quan trọng nhất, xứng đáng nhận được sự tập trung và những gì cần phải từ chối cho dù đó là cơ hội hiếm có. Khi bạn dũng cảm từ chối, bạn sẽ nhận ra điều gì là quan trọng nhất với mình.
3. Ủy quyền trách nhiệm
Ở vị trí một người quản lý, chúng ta thường có xu hướng ôm đồm và muốn mọi thứ phải nằm trong tầm kiểm soát của mình. Nhưng điều đó sẽ chỉ làm bạn thêm mất cân bằng mà thôi.
Bất cứ ai cũng có những thứ giỏi nhất và những thứ chưa giỏi, người khác sẽ bù đắp vào phần chưa giỏi đó của bạn.
Một nhóm làm việc hiệu quả là khi tất cả mọi người đều đóng góp vào một khía cạnh nào đó và chia sẻ trách nhiệm với nhau.
Trong cuộc sống gia đình cũng vậy, dù bạn là trụ cột gia đình thì cũng nên sắp xếp các nhiệm vụ và trách nhiệm cho người bạn đời và con cái để tất cả cùng xây dựng gia đình hoàn thiện.
4. Thực tế và chấp nhận những gì hạn chế
Như đã nói, chúng ta không ai hoàn hảo và như thế, khi bạn chấp nhận sự mất cân bằng cũng có nghĩa là chấp nhận những hạn chế.
Trong những trường hợp đó, hãy tự hỏi mình có thể làm gì để phát huy tối đa ưu điểm của những hạn chế đó, ví dụ như nếu chỉ có 4 tiếng mỗi tuần để tập thể dục thì ta có thể tập gì để tốt nhất cho cơ bắp?
Nếu chỉ có 4 giờ mỗi ngày để làm việc, ta có thể làm gì để hoàn thành công việc nhanh nhất mà vẫn tốt nhất?
Sau đó, bạn cần đưa thái độ tích cực vào việc thực hiện các kế hoạch, tự nhủ rằng: Chắc chắn bạn sẽ hoàn thành được công việc.
Thái độ này có ảnh hưởng tới hầu hết tất cả mọi người và bạn có thể nhận ra, hạn chế có khi lại là yếu tố để tăng năng suất lao động tập trung rất tốt.
5. Ngừng theo đuổi sự “bận rộn”
Thay vì chìm trong bận rộn, hãy bắt đầu tận dụng năng lực của những người xung quanh. Đừng là người bận rộn nhất, hãy trở thành người làm việc hiệu quả nhất!
Thông thường, sau một sự kiện hay một giai đoạn nước rút, chúng ta có xu hướng chậm lại. Những lúc đó chúng ta lại tự nhắc nhở bản thân cần xốc lại tinh thần và lao vào một guồng quay mới ngay lập tức. Nhưng thực sự điều đó là không cần thiết.
Khoảng nghỉ là điều bạn cần để cuộc sống lấy đà cho những thách thức mới. Vì thế đừng ngại dành thời gian đi nghỉ dưỡng, gặp gỡ những người bạn khi cảm thấy cần thiết.
6. Dành thời gian cho bản thân
Lên lịch dành riêng cho bản thân là một yếu tố quan trọng với sức khỏe toàn diện. Càng ngày, chúng ta càng có xu hướng sống dựa vào lịch trình của người khác (vợ chồng, con cái, khách hàng…) mà quên mất chính bản thân.
Bạn càng làm nhiều việc bản thân muốn thì bạn càng hạnh phúc. Bởi thế hãy bắt đầu gạch ra những việc cần làm.
Bắt đầu bằng những điều nhỏ bé, đơn giản như 15 phút ngâm bồn thư giãn buổi tối. Rất nhiều điều nhỏ nhặt trong cuộc sống sẽ mang đến những lợi ích to lớn khi bạn cho phép chúng xảy ra.