Người lớn bất cẩn, trẻ ngã vào chậu nước sôi bỏng nặng

N. Huyền |

Trong lúc tắm cho trẻ, người lớn bất cẩn đổ nước sôi vào chậu trước khi đổ nước lạnh, trẻ hiếu động đã ngã vào chậu nước gây bỏng nhiều chỗ trên cơ thể.

Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh vừa tiếp nhận một bé gái bị bỏng nước sôi, trợt da trên diện rộng của cơ thể. Gia đình trẻ cho biết, do sự bất cẩn của người lớn khi lấy nước tắm cho trẻ đã đổ nước sôi vào chậu trước khi đổ nước lạnh, trẻ hiếu động đã ngã vào chậu nước gây bỏng nhiều chỗ trên cơ thể.

Bệnh nhi được chẩn đoán bỏng độ II ở các vị trí: lưng, cánh cẳng tay hai bên, đùi hai bên, hai bên mông và vùng sinh dục... Diện tích bỏng khoảng 12% cơ thể.

BS Hoàng Văn Quỳnh, Khoa Ngoại & Chuyên khoa, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết: Có nhiều tác nhân gây bỏng cho trẻ nhỏ, thường gặp nhất là bỏng do nước sôi.

Người lớn bất cẩn, trẻ ngã vào chậu nước sôi bỏng nặng - Ảnh 1.

Bé gái bị bỏng nặng sau khi ngã vào chậu nước sôi

Tổn thương bỏng rất đa dạng ở nhiều vị trí như: chân, lưng, cánh cẳng tay, đặc biệt là bàn tay, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhi... để lại những di chứng nặng nề.

Ngoài ra các vị trí bỏng ở vùng mặt hoặc bộ phận sinh dục cũng rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng sinh sản sau này của trẻ. Đặc biệt, các ca bỏng nặng thường phải điều trị lâu dài và tốn rất nhiều chi phí.

Đáng lưu ý, các bác sĩ cũng khuyến cáo khi trẻ bị bỏng cần được sơ cứu đúng cách tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra.

Cụ thể, theo BS Nguyễn Thống, nguyên trưởng Khoa Bỏng, BV Xanh Pôn những sai lầm khi bị bỏng mà rất nhiều người mắc phải. Đầu tiên phải kể đến thói quen bôi kem đánh răng, mỡ trăn hay dội nước đá lên vết bỏng là hoàn toàn sai lầm. Những cách như vậy không giúp cấp cứu bỏng nhiệt hiệu quả mà còn làm tình trạng nặng hơn.

Ngoài ra nhiều người khi bị bỏng lại chườm đá, lấy nước đá lạnh dội vào một phần cơ thể khi bị bỏng. BS Nguyễn Thống cho rằng“đây là việc làm vô cùng nguy hiểm”. Lý do vì nhiệt độ của nước đá thấp hơn nhiệt độ của cơ thể rất nhiều.

Thậm chí, nếu bỏ nhiều đá trong nước có thể xuống gần 0 độ C. Trong khi đó, tại chỗ bị bỏng nhiệt độ có thể lên đến 45 đến 50 độ C. Nếu dùng nước đá để hạ nhiệt độ nhanh sẽ làm tình trạng tổn thương bỏng nặng hơn.

Một sai lầm khác nhiều người mắc phải cũng được BS Thống chỉ ra đó là việc chọc vỡ, bóc vết bỏng; dùng tinh dầu (dầu dừa và dầu oliu) để chữa bỏng. Tuy nhiên, theo BS Thống dầu giữ nhiệt, ngăn không cho sức nóng từ vết bỏng thoát ra. Tuy nhiên, đây là một sai lầm vì giữ nhiệt có thể khiến vết bỏng nặng thêm.

Trong khi đó, một số một số người dùng lòng trắng trứng sống bôi lên vết bỏng sẽ giúp dịu đau. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy trứng sống giúp ích cho vết bỏng. Trên thực tế, có nhiều khả năng là trứng sẽ giúp vi khuẩn lây lan vào vết bỏng.

“Trong tất các phương pháp trị bỏng dân gian, chữa bằng lòng trắng trứng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao nhất. Bởi loại thực phẩm này chứa rất nhiều vi khuẩn, đã có bệnh nhân bị biến chứng vì dùng lòng trắng trứng chữa bỏng”, BS Nguyễn Thống nhấn mạnh.

Trẻ nhỏ vốn hiếu động, do đó, để phòng ngừa, BS Văn Quỳnh, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh khuyến cáo cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ, cần để phích nước sôi, cốc nước nóng, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa... ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới được.

Việc sơ cứu ban đầu ở nhà khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho vết thương không bị ăn sâu vào bên trong và tránh tình trạng bội nhiễm.

Do đó, đối với các loại bỏng nói chung, BS Nguyễn Thống khuyên đầu tiên cần cách ly nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng. Biện pháp duy nhất để hạ nhiệt độ là dội nước sạch với nhiệt độ bình thường lên vùng tổn thương từ 15 đến 20 phút. Sau đó băng vết thương lại và đến cơ sở y tế đánh giá mức độ tổn thương.

Thông thường, nếu không tiếp xúc với độ nóng quá cao và thời gian tiếp xúc ngắn, vết bỏng sẽ chỉ hơi đỏ và rát, phần da bỏng không đổi màu thành trắng hoặc đen, không có nốt phỏng nước và sẽ khỏi sau 2-3 ngày mà không để lại sẹo.

Tuy nhiên, nếu vết bỏng bị tổn thương, quan sát phần da bị bỏng đổi màu, xuất hiện nốt phỏng nước cỡ lớn, trẻ cảm thấy đau nhức hoặc vùng bị bỏng là da mặt hoặc bộ phận sinh dục thì cha mẹ cần cho trẻ đi khám để được điều trị ngay lập tức. Tuyệt đối không sử dụng bất cứ loại thuốc nào bôi lên vết thương.

Để phòng tránh những tai nạn bỏng đáng tiếc xảy ra với trẻ các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ, người trông trẻ cần thường xuyên để mắt đến trẻ. Với các vật dụng nóng, các chất dễ cháy, các chất dễ phát sinh lửa, đồ điện cần để ở nơi an toàn, ngoài tầm với của trẻ nhỏ; kiểm tra độ nóng của nước trong các bồn tắm cho trẻ nhỏ, không để trẻ tự vặn vòi nước nóng.

Riêng đối với trẻ em đã nhận thức được, các bậc phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở trẻ về cách phòng tránh tai nạn bỏng. Khi trẻ không may bị bỏng, đặc biệt đối với các tổn thương trên diện rộng, vết thương sâu, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại