Người kinh doanh tồi mới phải đập bỏ hoa trên phố

TRẦN HẠNH/VTC NEWS |

Đập bỏ hoa vào chiều 30 Tết, nhiều tiểu thương muốn “cho khách hàng một bài học” nhưng thực ra hành động đó chỉ chứng tỏ họ là người kinh doanh tồi.

Thông điệp mà nhiều tiểu thương muốn thể hiện bằng hành động phá hủy những cây hoa, chậu hoa chưa bán hết vào chiều 30 Tết chính là: Đừng mong trục lợi từ sự ế ẩm của chúng tôi, chúng tôi thà không bán, thà đập nát hoa còn hơn để quý vị ép bán với giá bèo bọt như cho không! Tiếc là thông điệp đó đã được truyền đi không đúng cách.

Tôi rất thông cảm với tâm trạng của người bán hoa khi chỉ còn nửa ngày nữa là sang năm mới mà hàng vẫn tồn nhiều, nhưng vẫn không thể đồng tình với hành động đập hoa của họ. Họ muốn cho một số người một bài học, nhưng thực tế đó lại là cái tát dành cho mọi người.

Những đóa hoa vô tội. Người đi mua hoa vào chiều 30 Tết cũng đâu có tội tình gì. Thuận mua vừa bán, không hài lòng với mức giá khách hàng đề xuất thì chỉ việc từ chối, cần gì phải dằn mặt người ta bằng hành động thô bạo như vậy!

Người đập hoa cứ nghĩ đó là giải pháp tối ưu để “xóa tận gốc” ý định chờ giờ chót để mua hoa với giá rẻ như cho của nhiều người trong những năm sau. Cách này hiệu quả hay không chưa biết, nhưng chắc chắn nó tiết lộ sự kém cỏi của họ, vì chỉ người kinh doanh tồi mới phải đập hoa trên phố.

Người kinh doanh tồi mới phải đập bỏ hoa trên phố- Ảnh 1.

Không muốn bị ép giá, tiểu thương tự tay đập nát những chậu hoa. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Hồi chưa lập gia đình, tôi cũng có mấy năm đi bán hoa Tết để kiếm thêm. Xác định có khả năng bán không hết hàng, ngoài ra còn có những bông bị gãy, hỏng, héo, ngoài tiền mua hoa còn phải chi một số khoản khác… nên giá bán cao hơn giá nhập rất nhiều để đảm bảo có lãi. Tuy nhiên, cũng không thể bán đắt quá, khách không mua, cũng sẽ bị lỗ.

Những năm cung lớn hơn cầu, tôi phải linh hoạt giảm giá sao cho kịp đẩy hàng mà vẫn có lợi nhuận, vài ngày cuối thì chấp nhận bán rẻ để thu được đồng nào hay đồng đó. Nói chung chung vậy, nhưng có chọn được thời điểm xả hàng hợp lý hay không là do sự nhạy bén của từng người. Số hoa chưa bán hết, tôi thoải mái đem cho người quen vì doanh thu trước đó đã đủ có lãi rồi.

Tôi không có chuyên môn về kinh tế, bán hoa chỉ là việc làm thêm thời vụ trong vài cái Tết mà còn tính đến khả năng ế để điều chỉnh việc bán hàng. Chẳng có lý gì người buôn bán hoa chuyên nghiệp lại bỏ qua điều này. Họ tức giận đập hoa có lẽ vì kỳ vọng số lãi cao hơn, hoặc quá tham nhập lượng hàng lớn vượt quá khả năng tiêu thụ gây ế ẩm, hoặc hét giá quá cao lúc thị trường sôi động khiến khách hàng “sợ mà bỏ chạy”, đến lúc phải bán đổ bán tháo thì lại oán người ta ép giá, và thể hiện sự tức giận bằng hành động phản cảm kia.

Dù là vì lý do nào thì điều đó cũng chứng tỏ họ là người kinh doanh tồi, tồi cả về năng lực lẫn hành xử.

Tôi đồng cảm với nỗi buồn, sự lo lắng, căng thẳng của những tiểu thương kinh doanh không thuận lợi, nhưng vẫn cho rằng không nên vì thế mà đồng tình với hành động đập phá hoa Tết. Nếu cần tiêu hủy hàng hóa để giữ giá và điều chỉnh hành vi của khách hàng, hãy làm một cách văn minh và tôn trọng mọi người, tôn trọng không gian chung hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại