"Người khổng lồ" dịch chuyển cả Moscow và tượng Lenin gần 100m: Cung điện suýt tráng lệ nhất Liên Xô

Thúy |

Theo Russia Beyond (RBTH), mặc dù chỉ là bản vẽ nhưng kiến trúc Cung điện Liên Xô được cho là tượng đài tiêu biểu cho tư duy mĩ thuật và kiến trúc của Liên Xô dưới thời Stalin.

Cung điện Liên Xô là dự án hoành tráng và nổi tiếng nhất chưa thực hiện được của Chính phủ Liên Xô. Được rục rịch triển khai vào đầu những năm 1920, cung điện được kỳ vọng sẽ trở thành tòa nhà chính và là biểu tượng của Liên Xô. 

Theo kế hoạch, cung điện sẽ bao gồm tòa nhà chính phủ, khu phục vụ những phiên họp của các chính khách Liên Xô, và thậm chí có bể bơi.

Người khổng lồ chạm trời xanh

Người khổng lồ dịch chuyển cả Moscow và tượng Lenin gần 100m: Cung điện suýt tráng lệ nhất Liên Xô - Ảnh 2.

Minh họa Cung điện Liên Xô. Ảnh: RBTH

Cung điện Liên Xô được coi là bản tuyên ngôn kiến trúc của Xô Viết. Chính quyền khi ấy đã tổ chức cuộc thi để chọn người thiết kế tòa cung điện này. Chiến thắng cuộc thi là một nhóm kiến trúc sư người Liên Xô, đứng đầu là Boris Iofan - kiến trúc sư của tòa nhà nổi tiếng House of Embankment (tòa nhà nằm gần Điện Kremlin, là nơi ở của các chính trị gia cấp cao). 

Cho đến những ngày cuối đời, ông Boris vẫn tiếc nuối vì bản vẽ có ý nghĩa nhất cuộc đời mình đã không thể trở thành hiện thực.

Bức tượng Lenin gần 100 mét

Người khổng lồ dịch chuyển cả Moscow và tượng Lenin gần 100m: Cung điện suýt tráng lệ nhất Liên Xô - Ảnh 4.

Bức tượng Lenin cao gần 100m. Ảnh: RBTH

Theo thiết kế của Iofan, Cung điện Liên Xô dự kiến sẽ là tòa nhà cao nhất thế giới tại thời điểm đó (chiều cao tổng cộng là 495m) và mang tính biểu tượng cho chiến thắng của chủ nghĩa xã hội. Trong bản thiết kế gốc, trên nóc tòa nhà sẽ là bức tượng "Người Vô sản Tự do", hình người công nhân cao 18m tay cầm ngọn đuốc.

Sau đó, Lãnh đạo Liên Xô Stalin đã xem xét lại bản vẽ, bày tỏ mong muốn cung điện mang mục đích ghi ơn Lenin cùng những giáo lý của ông – và bức tượng người vô sản ban đầu đã được thay thế bằng bức tượng Lenin cao gần 100 mét.

Người khổng lồ dịch chuyển cả Moscow và tượng Lenin gần 100m: Cung điện suýt tráng lệ nhất Liên Xô - Ảnh 5.

Ảnh: Sputnik

"Cánh tay Lãnh tụ vươn dài trên đỉnh Moscow có chiều dài tới 30 mét, ngón tay dài 4 mét. Vào một ngày nắng đẹp, bức tượng Lenin có thể được nhìn thấy từ cách đó hàng chục kilomet," các tài liệu thiết kế cho biết.

Dự kiến, cung điện có thể chứa tới 40.000 người. Lối vào chính, đối diện với Điện Kremlin, được trang hoàng bằng bức tượng của Karl Max và Friedrich Engels.

Phòng hội nghị trong tích tắc chuyển thành bể bơi

Người khổng lồ dịch chuyển cả Moscow và tượng Lenin gần 100m: Cung điện suýt tráng lệ nhất Liên Xô - Ảnh 7.

Hội trường hiện đại và rộng lớn. Ảnh: RBTH

Cung điện Liên Xô được dự kiến là một trong những tòa nhà có công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Trong cung điện có thang máy tốc độ cao, hệ thống lọc không khí, hội trường đa năng với những màn chiếu khổng lồ. 

Ý tưởng độc đáo của thiết kế nằm ở sân khấu trong cung điện. Sân khấu này nếu cần có thể ngay lập tức trở thành... bể bơi.

Quy hoạch lại trung tâm Moscow

Người khổng lồ dịch chuyển cả Moscow và tượng Lenin gần 100m: Cung điện suýt tráng lệ nhất Liên Xô - Ảnh 9.

Kế hoạch quy hoạch trong đó Cung điện Liên Xô được đánh số 5. Ảnh: RBTH

Cung điện Liên Xô được dự kiến xây dựng gần Điện Kremlin, trên đất Nhà thờ chính tòa Chúa Cứu Thế. Cung điện nằm trên tất cả những ngả đường có thể đến được tới Quảng trường Lubyanka. Từ đây, những con đường tỏa ra các ngả, cung điện là nơi móc nối các phần khác nhau của thành phố. 

Để thực hiện được kế hoạch này, các tòa nhà được xây dựng trước năm 1917 trong trung tâm thành phố sẽ bị phá hủy, ngoại trừ một số tòa đặc biệt có giá trị như Bảo tàng Mỹ thuật Pushkin ở Volkhonka sẽ được di chuyển ra chỗ khác để mở rộng đường. Kế hoạch quy hoạch khổng lồ này sau đó đã bị Chiến tranh Thế giới thứ II cắt ngắn.

Cung điện hóa... hồ bơi

Người khổng lồ dịch chuyển cả Moscow và tượng Lenin gần 100m: Cung điện suýt tráng lệ nhất Liên Xô - Ảnh 11.

Hồ bơi Moskva năm 1977. Ảnh: Sputnik

Vào năm 1931, Nhà thờ chính tòa Chúa Cứu Thế đã bị cho nổ tung, nền móng cung điện bắt đầu được xây dựng. Việc xây dựng kéo dài 8 năm, khi Thế chiến II bùng nổ thì bị đình chỉ hoàn toàn. 

Vào năm 1941-1942, khung kim loại của tòa cung điện đã bị tháo dỡ làm vật liệu xây dựng cầu đường và hàng rào chống tăng.

Sau chiến tranh, công trình không được tiếp tục. Lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev không mấy hào hứng với công trình này. 

Vào năm 1960, bể bơi lớn nhất Liên Xô (đường kính 130 mét) có tên Moskva đã được xây dựng tại nơi đặt nền móng của cung điện. Hồ bơi ngoài trời mở cửa tất cả các mùa và đóng cửa vào năm 1994 để lấy chỗ phục hồi lại Nhà thờ chính tòa Chúa Cứu Thế.

Sự hồi sinh ngắn ngủi dự án chọc trời

Người khổng lồ dịch chuyển cả Moscow và tượng Lenin gần 100m: Cung điện suýt tráng lệ nhất Liên Xô - Ảnh 13.

Ảnh: RBTH

Sau khi Stalin qua đời, ý tưởng xây dựng lại cung điện chỉ được nhắc tới một lần vào năm 1956-1958. Khi ấy chính quyền đã tổ chức cuộc thi tìm kiếm bản thiết kế tuyệt vời nhất. Tòa cung điện được dự kiến sẽ tọa lạc về phía tây nam Moscow thay vì ở trung tâm thành phố. 

Tuy nhiên, kế hoạch đã sớm bị hủy bỏ do đất nước bước sang giai đoạn lịch sử mới: Thời kỳ tan băng Khrushchev. Đo đó, tòa nhà mang đậm phong cách Stalin với sự uy nghi tráng lệ và ngân sách khổng lồ mãi mãi chỉ nằm trên giấy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại