Bác sĩ Huy đang khám cho bệnh nhân.
Nhóm người dễ bị đột tử
BSCKII Nguyễn Thế Huy, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E cho biết, cách đây khoảng gần 2 tháng, trung tâm tim mạch tiếp nhận một trường hợp là người thân của nhân viên bệnh viện. Bệnh nhân ngoài 40 tuổi, nhập viện trong tình trạng đau ngực dữ dội, 5 - 10 phút sau bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn (đột tử). Dù được cấp cứu tích cực nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi.
Một trường hợp khác, bệnh nhân 43 tuổi tại Bắc Giang được đưa tới Bệnh viện E cấp cứu do bị ngừng tuần hoàn. Trước đó, tại Bệnh viện Bắc Giang bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn một lần và được cấp cứu sốc tim. Khi được chuyển tới Khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện E, bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn 3 lần và thường đột ngột.
Bác sĩ Huy cho biết, khi làm các xét nghiệm chuyên sâu, bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng brugada (bất thường rối loạn điện giải tế bào cơ tim gây rung thất). Sau đó, bệnh nhân đã được cấy máy phá rung tim tự động để ngừa nguy cơ đột tử.
Bệnh nhân cho biết gia đình từng có anh trai và em trai mất đột ngột không rõ nguyên nhân khi còn rất trẻ. Theo bác sĩ Huy, đột tử cũng có yếu tố gia đình và thường gặp khi mắc hội chứng brugada. Đột tử đa phần có liên quan tới vấn đề tim mạch.
Bác sĩ Huy đang khám cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp thoát khỏi đột tử, bệnh nhân ngừng tim (choáng, ngất) do có cơn rối loạn nhịp và tỉnh lại. Đối với những bệnh nhân thoát khỏi đột tử, người bệnh cũng cần phải khám kỹ lưỡng để tìm nguyên nhân, thậm chí bệnh nhân cần phải được can thiệp để tránh đột quỵ tái diễn trong lần tiếp theo.
Nói sâu hơn về nguyên nhân gây ra đột tử bác sĩ Huy cho biết đột tử được chia thành 2 nhóm: Nhóm thứ nhất là những người đang khỏe mạnh và nhóm thứ hai là những người mắc bệnh tim mạch.
Đối với nhóm người trẻ tuổi và người trung niên, đột tử thường liên quan tới bệnh lý tim mạch như: cơ tim phì đại, bệnh lý giãn động mạch trong tim, bệnh lý rối loạn dẫn truyền trong tim (brugada) hoặc bệnh lý tim bẩm sinh.
Một vài nguyên nhân khác gây đột tử có liên quan tới bất thường mạch vành. Ở nhóm nguyên nhân này, đột tử thường diễn ra đột ngột, xảy ra bất kỳ lúc nào (khi vận động gắng sức, khi ngủ…).
Đột tử ở nhóm có bệnh lý tim mạch thường xảy ra với rất nhiều lý do khác nhau. Đa phần các bệnh nhân đều có diễn biến đột ngột, không có dấu hiệu báo trước.
Bác sĩ Huy cho biết rất khó để nhận biết các triệu chứng của đột tử. Tuy nhiên, những bệnh nhân đã thoát khỏi đột tử (nhóm có bệnh lý rối loạn nhịp) chia sẻ rằng họ thường có cảm thấy tức ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, mất ý thức rất nhanh.
Chú ý tới triệu chứng choáng, ngất không rõ nguyên nhân
Trong quá trình làm việc, bác sĩ Huy đã cấp cứu cho khá nhiều trường hợp thoát khỏi đột tử có liên quan tới hội chứng brugada.
Đặc biệt ở nhóm này sẽ có choáng, ngất, đi khám phát hiện trên điện tim có rối loạn nhịp nguy hiểm. Những bệnh nhân này sẽ được chỉ định cấy máy phá rung tim tự động. Nếu bệnh nhân có bất thường về nhịp tim, máy sẽ tự hoạt động khử rung tim.
Nhóm bệnh thứ 2 thường gặp đột tử có liên quan tới mạch vành. Với nhóm này, đột tử sẽ diễn biến rất nhanh.
Bác sĩ Huy lưu ý thêm đối với người khỏe mạnh nhưng trong gia đình có người tử vong đột ngột không có nguyên nhân, mọi người nên đi kiểm tra xem bản thân có mắc các bất thường về tim mạch hay không. Nếu tim có bất thường bác sĩ sẽ tiến hành can thiệp sớm để phòng ngừa đột tử.
Bác sĩ Nguyễn Thế Huy.
"Tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân choáng, ngất khi vào viện khám tình cờ phát hiện ra mắc hội chứng brugada. Sau đó, các bệnh nhân này đã được cấy máy khử nhịp và tránh được cơn đột tử. Phòng ngừa đột tử không khó nếu như bệnh nhân phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch.
Đối với những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, mạch vành cần phải kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, uống thuốc đúng và đủ liều, thăm khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ", bác sĩ Huy nói.