Mì ăn liền tại siêu thị ở Indonesia. Ảnh: Nikkei Asia Review.
Thước đo lạm phát của Indonesia
Ở Indonesia, mọi người đều coi món mì ăn liền Indomie là chuẩn để đánh giá tình trạng lạm phát.
Khi làn sóng chấn động từ cuộc khủng hoảng Ukraine lan rộng trên toàn cầu, người dân Indonesia đặc biệt lo ngại về việc họ sẽ trả nhiều tiền hơn để đặt thức ăn trên bàn, đặc biệt là món mì ăn liền yêu thích của họ.
Airlangga Hartarto, Bộ trưởng điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia, dự đoán giá mì sẽ tăng tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos vào cuối tháng 5. Ông bày tỏ quan ngại trong bối cảnh mất an ninh lúa mì toàn cầu bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Mì Indomie được cho là món ăn không thể thiếu của Indonesia. Ảnh: Indonesia.travel.
Mì ăn liền là một "món ăn quốc dân" ở Indonesia. Indomie là một thương hiệu mì ăn liền cực kỳ nổi tiếng từ Indofood Sukses Makmur, thuộc Tập đoàn Salim. Indomie, cung cấp nhiều loại hương vị và giá cả phải chăng, đã chiếm được cảm tình của công chúng.
Theo Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, nhu cầu mì ăn liền của Indonesia đạt 13,27 tỷ bữa ăn vào năm 2021, chỉ đứng sau 43,99 tỷ bữa ăn của Trung Quốc đại lục, bao gồm cả Hồng Kông. Hầu hết mì được tiêu thụ ở Indonesia được cho là mì ăn liền từ Indofood, bao gồm cả mì gói Indomie, và giá của mặt hàng này liên quan trực tiếp đến sinh kế của người dân.
Giá thực phẩm đang tăng lên. Lúa mì, được sử dụng cho mì Indomie, đã có giá 11.600 rupiah (khoảng hơn 18.000 đồng)/kg vào đầu tháng 6 - tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mì Indomie được bán với giá trung bình khoảng 2.800 rupiah (hơn 4.000 đồng) tại các cửa hàng, một mức giá phải chăng ở một quốc gia có mức lương trung bình hàng tháng tương đương khoảng 200 USD.
Trong bối cảnh giá lúa mì leo thang, nhiều người tiêu dùng cũng như chính phủ của Tổng thống Joko Widodo đang theo dõi chặt chẽ giá cả của Indomie.
Gần đây, lợi nhuận ròng của Indofood đạt đỉnh vào năm 2021 nhờ doanh số bán hàng của món mì ăn liền Indomie, khi món mì gói này trở thành đồ ăn ưa thích cho những người phải ở nhà do lệnh phong tỏa.
Khi được hỏi về khả năng tăng giá, một quan chức Indofood cho biết công ty sẽ xem xét giá nguyên liệu và thành phần, nền kinh tế và sức mua của người tiêu dùng.
Theo một nhân viên văn phòng ở Jakarta, anh sẽ buộc phải tính toán lại việc chi tiêu. "Ngay cả khi giá của một gói mì chỉ tăng lên 500 rupiah, thì trong một tháng, đó cũng là một khoản lớn. Hiện tại, tôi ăn mì Indomie 3-4 lần một tuần, nhưng tôi sẽ phải giảm xuống thành 1-2 lần một tuần", người này nói.
Indonesia đã và đang đau đầu với vấn đề lương thực. Giá dầu ăn tăng cao buộc chính phủ ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ trong vòng 3 tuần sau đó. Liên quan đến vấn đề này, Tổng thống Widodo đã sa thải Bộ trưởng Thương mại Muhammad Lutfi trong một cuộc cải tổ nội các vừa qua.
Thế giới đối mặt tình trạng thiếu hụt lương thực "đáng sợ"
Hôm thứ Năm, David Beasley, giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ (WFP), cho biết thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt "đáng sợ" có thể gây bất ổn cho các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu lúa mì từ Ukraine và Nga.
"Ngay cả trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, chúng ta đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu chưa từng có do giá nhiên liệu và dịch Covid. Chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ không thể tồi tệ hơn được nữa, nhưng cuộc chiến này rất tàn khốc", ông Beasley nói thêm.
Ukraine sản xuất 42% dầu hướng dương, 16% ngô và 9% lúa mì của thế giới. Somalia phụ thuộc vào Ukraine và Nga để nhập khẩu 100% lúa mì, trong khi Ai Cập nhận 80% ngũ cốc từ hai quốc gia này.
Ông Beasley nói rằng sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007-09, bạo loạn và bất ổn khác đã nổ ra ở 48 quốc gia trên thế giới khi giá hàng hóa và lạm phát tăng.
Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới của LHQ cho rằng các yếu tố kinh tế ngày nay tồi tệ hơn nhiều so với cách đây 15 năm và nếu cuộc khủng hoảng không được giải quyết, điều này sẽ dẫn đến "nạn đói, sự bất ổn của các quốc gia và di cư hàng loạt".