Người hâm mộ buồn nẫu ruột vì bóng đá TP.HCM

Nguyên Khôi ghi |

Suốt nhiều vòng đấu, cả hai CLB TP.HCM và Sài Gòn cùng chìm sâu dưới đáy bảng xếp hạng V-League. Hãy nghe những người hâm mộ bóng đá lâu năm của TP.HCM thổ lộ cảm xúc khi chứng kiến thực trạng đáng buồn này.

Công tác đào tạo trẻ, lối chơi kém đẹp mắt và cả chuyện sân bãi là các vấn đề được "điểm mặt chỉ tên" khi phóng viên Tuổi Trẻ phỏng vấn các CĐV hoặc cựu danh thủ của bóng đá TP.HCM.

Người hâm mộ buồn nẫu ruột vì bóng đá TP.HCM - Ảnh 1.

Việc bổ nhiệm cựu danh thủ Lê Huỳnh Đức là chưa đủ để giúp vực dậy CLB Sài Gòn - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

CĐV Trần Hữu Nghĩa: "Đào tạo trẻ quá kém"

Nhìn thành tích yếu kém của hai CLB ở TP.HCM mà những người hâm mộ chúng tôi không khỏi buồn vì TP.HCM là nơi tôi đang ở, còn Sài Gòn là cái tên tôi yêu. Ngày trước, các trận đấu của các CLB ở TP.HCM đều rất đông khán giả đến sân theo dõi. Còn bây giờ, sân Thống Nhất chỉ đông khi hai đại diện TP.HCM gặp CLB Hoàng Anh Gia Lai hay Hà Nội vốn có nhiều tuyển thủ quốc gia trong đội hình. Còn với những trận khác, khán đài trống mênh mông, nhìn không khỏi buồn.

Người hâm mộ TP.HCM chỉ đến sân khi đội nhà đá đẹp hoặc có thành tích tốt. Còn đằng này, cả CLB TP.HCM và Sài Gòn đều không có được hai điều đó. Có trận CLB Sài Gòn đá còn chưa đến 1.000 người xem, mà thành tích không có thì lại càng khó kéo khán giả đến sân.

Tôi nghĩ bản sắc của đội bóng mới là yếu tố tiên quyết để kéo người hâm mộ đến sân. CLB Nam Định không có ngôi sao nhưng sân Thiên Trường luôn đông như hội mỗi khi đội nhà thi đấu. Đó chính là nhờ bản sắc, họ có nhiều cầu thủ địa phương hoặc cầu thủ ở nơi khác nhưng do chính mình đào tạo nên. Công tác đào tạo trẻ của hai CLB ở TP.HCM lại không làm được điều này.

Trường năng khiếu nghiệp vụ những khóa đầu tiên đã tạo ra rất nhiều cầu thủ giỏi cho bóng đá TP.HCM, nhưng đã là chuyện quá lâu rồi. Sau lứa Võ Hoàng Bửu, Trần Minh Chiến, Nguyễn Liêm Thanh, Phùng Thanh Phương... thì chẳng có ai nổi bật. Hai CLB TP.HCM và Sài Gòn cũng chẳng có tuyến trẻ nào.

CĐV Đình Huy: "Cách làm không hợp lý"

Các CĐV trẻ như chúng tôi dĩ nhiên chịu khó đến sân để cổ vũ cho đội bóng mình yêu thích. Nhưng quả thật là chúng tôi có quá ít niềm vui mỗi khi CLB TP.HCM thi đấu trên sân Thống Nhất.

Thật ra, đa phần người hâm mộ đến sân theo dõi CLB TP.HCM cũng chỉ vì cái tên thôi chứ chưa phải yêu mến thật sự. Vì thành tích có đâu, lối chơi cũng không đẹp. Nếu nói lối chơi, CLB Sài Gòn đá ngắn đẹp hơn. Nhưng khổ nỗi, họ xuất thân không phải ở TP.HCM mà được chuyển "hộ khẩu" từ Hà Nội vào nên cũng khó có khán giả. Dĩ nhiên CLB Sài Gòn cũng nỗ lực đưa về những cầu thủ hoặc HLV có gốc gác TP.HCM như Phùng Thanh Phương hay mới nhất là giám đốc kỹ thuật Lê Huỳnh Đức. Nhưng để chấp nhận thì vẫn khó, nhất là khi thành tích của đội tệ như hiện nay.

Cách làm của CLB TP.HCM thời gian qua tôi thấy không hợp lý. Họ lấy con người về không phù hợp, lấy về nhưng nhiều khi HLV lại không thể dùng. Đặc biệt là chất lượng ngoại binh. Do đó, thành tích không có là điều đương nhiên. Nếu cứ đá như thế, CLB TP.HCM sẽ càng mất khán giả. Nhưng đó là chuyện trước mắt, còn chuyện lâu dài, CLB phải chăm lo chuyện đào tạo trẻ để có một đội hình cầu thủ chất lượng do chính mình đào tạo.

Cựu trung vệ Đỗ Khải: "Cần chú trọng cả sân bãi"

Hai CLB TP.HCM và Sài Gòn xếp cuối bảng V-League 2022 hiện tại là điều gì đến phải đến. Bởi TP.HCM không có đầu tư cho bóng đá thì làm sao đòi hỏi có đội bóng mạnh được. Không đầu tư ở đây là không xây dựng các tuyến trẻ, đó là cái thiếu nhất rồi kế đó chuyện sân bãi không có.

Các tuyến trẻ do trường năng khiếu nghiệp vụ đảm nhận tìm kiếm và đào tạo cho thấy không hiệu quả. Điều này có thể một phần do cơ chế khi không có nơi ăn ở và sân tập chất lượng. Ngoài ra, chất lượng HLV cũng là một vấn đề, trong khi đây là điều quan trọng nhất. HLV phải xuất thân từ cầu thủ, có tên tuổi càng tốt để hy vọng đào tạo ra lứa cầu thủ tốt.

Dạy tuyến trẻ thì phải sửa từng động tác nhỏ, nếu không sửa cho các em các động tác sai riết sẽ thành thói quen thì sau này lớn lên rất khó sửa. Chưa kể cần giúp các em tư duy chơi bóng. Chúng ta nhìn các CLB như Hà Nội, Viettel, Sông Lam Nghệ An hay Hoàng Anh Gia Lai sẽ thấy họ đào tạo trẻ rất tốt, dạy cho tuyến trẻ là những cựu cầu thủ hoặc cựu cầu thủ nổi tiếng. Nên muốn trở lại, bóng đá TP.HCM cần phải chú trọng hơn đến đào tạo trẻ, đầu tư sân bãi hoặc trao cơ chế cho CLB thuận lợi trong việc đầu tư sân tập hoặc sân thi đấu.

Theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp vừa sửa đổi bổ sung năm 2021, các CLB phải có trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hoặc học viện bóng đá hoặc liên kết với tổ chức, đơn vị khác đào tạo cầu thủ các lứa tuổi từ U9 đến U21. Trong đó, các CLB ở V-League phải đào tạo tối thiểu 4 đội trẻ và cử tối thiểu 3 đội trẻ tham dự các giải trẻ quốc gia. Nếu không đủ số lượng đội trẻ tham dự giải theo quy định, CLB sẽ phải chịu hình thức kỷ luật theo quy định về kỷ luật của VFF.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại