Tết Đoan Ngọ của người Việt Nam được tiến hành vào chính giờ Ngọ - giữa trưa của ngày mùng 5/5 Âm Lịch hàng năm. Tết Đoan Ngọ, hay còn được biết đến với cái tên thân thuộc hơn, đó là ngày Tết diệt sâu bọ. Đây cũng chính là dịp để người dân thờ cúng, tưởng nhớ về tổ tiên.
Sáng sớm ngày 25/6, khung cảnh mua bán tại nhiều khu chợ ở Hà Nội dường như tấp nập hơn ngày thường. Rượu nếp cẩm là món ăn nhất định phải có trong ngày Tết Đoan Ngọ. Theo quan niệm dân gian, rượu nếp có thể tiêu diệt ký sinh trùng, mầm bệnh trong cơ thể.
Dù mới 6h sáng nhưng đã rất đông người tập trung tại chợ Hàng Bè để mua rượu nếp.
Những túi hàng cuối cùng được bán, vì chỉ đến khoảng 6h15, chủ hàng đã thông báo bán hết rượu nếp.
Nhiều người cũng tự mang bát ở nhà đi để hạn chế dùng đồ nhựa, bảo vệ môi trường.
Tại chợ Hàng Bè, rượu nếp được bán với giá dao động từ 75.000 - 90.000 đồng/kg, tuỳ thuộc vào từng loại rượu nếp.
Chợ Châu Long cũng nhộn nhịp cảnh mua bán sáng sớm ngày tết Đoan Ngọ. Thời tiết sáng nay khá mát mẻ, thuận tiện cho việc mua bán.
Sau khi tập thể dục, nhiều người dừng lại để mua rượu nếp về cho gia đình. Rượu nếp và nếp cẩm được chia thành thành từng cốc nhỏ, tiện lợi hơn.
Gánh hàng rong cũng rất đắt hàng trong ngày này.
Ngoài rượu nếp, các loại quả mùa hè có vị chua như mận hay vải cũng là lựa chọn của nhiều gia đình. Theo quan niệm dân gian, các loại kí sinh gây hại ẩn nấp trong bộ phận tiêu hoá của con người thường sẽ "ngoi lên" vào ngày 5/5 Âm lịch. Lúc đó con người có thể ăn các loại thức ăn hoặc hoa quả có vị chua, chát để loại bỏ chúng.
Các loại hoa quả như vải, mận, đào cũng không thể thiếu trong ngày "diệt sâu bọ".
Trong ngày này, người nông dân thường cúng bái và cầu mưa thuận gió hoà để mùa màng tươi tốt và bội thu. Tết Đoan Ngọ cũng là dịp để người dân đoàn tụ bên gia đình.