Người giàu Việt ngày càng nhiều, doanh nghiệp nào sẽ hưởng lợi?

Hoài Nam |

Số người giàu trên thế giới được dự báo sẽ tăng mạnh trong thập niên tới, theo báo cáo thường niên của Knight Frank Wealth Report, trong đó, Việt Nam nằm trong nhóm có tốc độ tăng nhanh nhất.

Trước kia, việc sở hữu ô tô cá nhân, trang sức đeo quanh người, cho con đi học trường quốc tế là điều khá xa xỉ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, những năm gần đây, thu nhập người dân dần cải thiện, lượng người giàu lên từ bất động sản và các ngành công nghiệp tăng lên đáng kể khiến nhu cầu tiêu thụ các hàng hóa và dịch vụ xa xỉ ngày càng gia tăng. Như vậy, liệu doanh nghiệp Việt nào sẽ được hưởng lợi?

Người giàu Việt ngày càng nhiều, doanh nghiệp nào sẽ hưởng lợi? - Ảnh 1.

Chủ khách sạn JW Marriott Hà Nội và Nhà phân phối xe Mercedes tại Việt Nam là những doanh nghiệp nội hưởng lợi từ xu hướng người giàu Việt ngày càng gia tăng

Công ty Cổ phần Ô tô Hàng Xanh (Haxaco)

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA), chỉ tính riêng trong năm 2016, Việt Nam tiêu thụ tới 4.400 xe Mercedes - tăng 800 xe so với năm trước.

Có thể nói, việc tiêu thụ xe hơi, đặc biệt các dòng xe sang tăng mạnh trong những năm qua đã giúp các doanh nghiệp phân phối xe ăn nên làm ra, trong đó tiêu biểu chính là Haxaco.

Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016 cho biết, Haxaco đạt doanh thu 2.880 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2015. Lợi nhuận sau thuế đạt 79 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần. Trong đó, khoản thưởng từ Mercedes-Benz Việt Nam lên tới 86,42 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh tích cực kể trên, cổ phiếu HAX của Haxaco hiện đang giao dịch quanh mức 48.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng gần gấp đôi sau một năm.

Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)

Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh vàng bạc đá quý với 28 năm kinh nghiệm trong ngành.

Hoạt động của PNJ bao gồm kinh doanh vàng miếng, sản xuất và kinh doanh các mặt hàng trang sức vàng bạc đá quý, trong đó chủ lực là các mặt hàng trang sức. PNJ hiện đang sở hữu hai thương hiệu trang sức thuộc phân khúc cao cấp CAO Fine và JEMMA.

Tính đến năm 2016, PNJ đã mở được 219 cửa hàng từ mức 131 cửa hàng năm 2010. Số lượng cửa hàng của PNJ hiện đang gấp 4.2 lần số lượng cửa hàng cửa doanh nghiệp thứ 2 là SJC (52 cửa hàng). Về độ phủ của thị trường, PNJ đã có các chi nhánh cửa hàng trên 47/63 tỉnh thành phố bao gồm cả thành phố lớn và thành phố cấp 2.

Năm 2017, PNJ đặt kế hoạch doanh thu 10.202 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 751 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm nay, PNJ đã khai trương thêm 22 cửa hàng, đạt hơn 50% kế hoạch năm và nâng tổng hệ thống lên 237 cửa hàng trên toàn quốc.

Hệ thống giáo dục Vinschool

Đi kèm với hệ thống cơ sở vật chất tiên tiến bậc nhất và chương trình học toàn diện, mức học phí và các chi phí đi kèm tại Vinschool không hề nhỏ.

Tính bình quân, học phí với mỗi học sinh xấp xỉ 56 triệu đồng/năm đối với trường mẫu giáo, 33 triệu đồng/năm với trường tiểu học và 36 triệu đồng/năm đối với trường trung học chưa kể phụ phí như đồ ăn thức uống, đưa đón, đồng phục, sách vở, hoạt động ngoại khóa…

Năm 2014 là năm Vinschool bắt đầu mang về doanh thu với 230 tỷ đồng. Con số này đã tăng hơn gấp đôi lên 514 tỷ đồng vào năm 2015. Sang năm 2016, doanh thu của Vinschool tiếp tục tăng gần 40% lên 717 tỷ đồng.

Năm ngoái, Tập đoàn Vingroup phát ra thông báo Vinschool sẽ hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận. Theo đó, 100% lợi nhuận thu được từ Vinschool để tái đầu tư nhằm nâng cấp và phát triển hệ thống.

Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP)

Tập đoàn của "ông vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn hiện nắm giữ danh mục 38 thương hiệu thời trang hàng đầu như Burberry, Chanel, Versace, CK, Salvatore Ferragamo, phân phối rượu cao cấp Moet-Hennessy, Camus cho tới nhượng quyền thương mại Burger King, Donimo Pizza, Illy Café...

Theo chia sẻ của vị doanh nhân này thì hiện IPP chiếm hơn 40% thị phần hàng trung cao cấp tại Việt Nam nhưng nếu xét top 10 thương hiệu cao cấp thì tập đoàn này nắm giữ tới 8. Theo tạp chí Forbes, năm 2016 mảng kinh doanh thời trang cao cấp của IPP đạt tỷ suất lợi nhuận/doanh thu 5%.

Cửa hàng của ông tập trung ở các khu trung tâm thương mại lớn đắc địa như Tràng Tiền Plaza (Hà Nội), Rex Arcade hay Opera View (TP.HCM)…

Từ năm 1996 đến nay, IPP đã hợp tác và đầu tư 30 dự án với tổng số vốn hơn 280 triệu USD. Doanh số hàng năm của tập đoàn này tăng bình quân 15%, dự kiến đạt 1 tỉ USD vào cuối năm 2016.

IPP có 5 lĩnh vực kinh doanh chính, trong đó, phân phối xuất nhập khẩu chiếm 30%, bán lẻ thời trang mỹ phẩm 20%, cung cấp hàng miễn thuế 25%, thức ăn nhanh chiếm 15%, các hoạt động kinh doanh đầu tư khác chiếm 10%.

Tập đoàn Bitexco

Từ một doanh nghiệp nhỏ ở tỉnh Thái Bình, sau 25 năm xây dựng và phát triển, Bitexco hiện tại là Tập đoàn kinh tế đa ngành của Việt Nam.

Cho đến nay, tên tuổi của Bitexco đã gắn liền với nhiều thành tựu lớn trong nhiều lĩnh vực kinh doanh như: Đầu tư kinh doanh bất động sản, Đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, đầu tư tài chính, sản xuất nước khoáng..

Bên cạnh tòa tháp chọc trời Bitexco Financial Tower nổi tiếng, Bitexco còn là nhà đầu tư xây dựng tòa nhà văn phòng Bitexco đứng kế cận ở số 19 Nguyễn Huệ; khu The Manor trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, một trong những tòa tháp chung cư cao cấp đầu tiên tại TP. HCM.

Tại Hà Nội là khu nhà ở, văn phòng và thương mại cao cấp The Manor ở Mỹ Đình, khách sạn JW Marriott Hà Nội với thiết kế đặc biệt hình con rồng nằm trên một quả đồi bên cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Bên cạnh đó là dự án khu đô thị hiện đại Bitexco Central Park sắp khởi công tại quận Hoàng Mai về phía Nam thủ đô, đều là là những dự án bất động sản ở vị trí đắc địa và thuộc phân khúc cao cấp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại