Người giành tấm huy chương Olympic đầu tiên cho Việt Nam vẫn phải "chạy ăn" từng bữa

Lê Thương |

Là VĐV đầu tiên của Việt Nam giành huy chương trên đấu trường Olympic, nhưng đến lúc này Trần Hiếu Ngân vẫn phải ở nhà thuê và tất bật từ sáng tới tối để kiếm tiền nuôi con.

Nếu như tấm HCV Olympic Rio 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã mở ra cho TTVN một bước ngoặt lịch sử trên đấu trường Thế vận hội, thì thành tích mà VĐV Taekwondo - Trần Hiếu Ngân giành được cách đây 16 năm cũng có ý nghĩa không hề kém cạnh khi chị là VĐV đầu tiên của Việt Nam giành được huy chương ở đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh.

Dù chỉ là tấm HCB, nhưng giá trị của tấm huy chương ấy rất lớn, bởi cũng như tấm HCV của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, thì đấy cũng là thành tích mang tính lịch sử cho TTVN.

Tuy nhiên, 16 năm qua đi, cuộc sống của người đã viết nên lịch sử ấy vẫn hết sức bình dị đến không thể ngờ. Trần Hiếu Ngân vẫn phải tất bật với đủ các công việc để có tiền "chạy ăn" từng bữa và nuôi 2 người con của mình.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, cứ mỗi nhắc đến cuộc sống hiện tại, chị lại cố né tránh không đề cập đến, chị cho biết điều quan trọng hơn cả là chị cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Giấu chấn thương để giành huy chương tặng bố

Trước khi Olympic Sydney 2000 diễn ra, Trần Hiếu Ngân đã xác định đây là giải đấu cuối cùng trong sự nghiệp của mình, bởi suốt 5 năm qua chị đã nén đau để thi đấu.

Theo lời kể của chị thì từ năm 1995 sau khi giành được HCV ở SEA Games, Trần Hiếu Ngân đã gặp phải chấn thương ở đầu gối phải và tưởng chừng như kết thúc sự nghiệp khi phải phẫu thuật. Để vượt qua cơn đau và tiếp tục thi đấu, chị luyện chân trái và từ đó trở thành chân thuận của mình. Chính việc đấu được 2 chân như nhau đã giúp chị có những đòn đánh bất ngờ cho đối thủ.

Dẫu vậy, trong khoảng thời gian ấy, cứ mỗi khi bước vào thi đấu, cái đầu gối phải của chị lại đau nhức, và cách duy nhất để chị tiếp tục là nhịn đau.

Người giành tấm huy chương Olympic đầu tiên cho Việt Nam vẫn phải chạy ăn từng bữa - Ảnh 1.

Ở Olympic 2000, chấn thương lại tái phát ở chân phải, ngay sau trận đầu tiên cơn đau ấy càng dữ dội hơn. Nhưng chị đã giấu BHL và không một ai biết, kể cả sau này khi chị đã giành được vinh quang cho tổ quốc và về nước được báo chí ca tụng, chị không mảy may đề cập tới vấn đề này.

"Tôi nghĩ có nói ra cũng không giải quyết được gì, điều duy nhất tôi có thể làm khi cơn đau đến là tập trung vào đối thủ và không được thể hiện ra ngoài rằng mình đau. Vì lúc ấy, nếu đối thủ biết mình đau thì họ sẽ thi đấu hưng phấn hơn".

Nhưng kỳ thực, thời điểm ấy việc vượt qua cơn đau chấn thương chưa là gì với nỗi đau về tinh thần. Chỉ vài tháng trước khi Olympic diễn ra, người cha thân yêu của chị đã qua đời, chị phải bỏ dở chuyến tập huấn ở Hàn Quốc để về nước chịu tang cha 1 tháng mới trở lại tập luyện.

"Mặc dù cha tôi đã bệnh suốt thời gian ấy, nhưng đó là cú sốc lớn với tôi. Lúc đó, tôi đang tập huấn ở Hàn Quốc cùng đội tuyển và phải về nước để chịu tang cha. Khi tôi đánh bại võ sỹ Thái Lan để giành quyền vào tranh trận chung kết, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là người cha thân yêu của mình. Tôi tin cha tôi đã ở bên cạnh tôi lúc ấy...".

Cuộc sống bình dị của người viết nên lịch sử

Tấm HCB mà Trần Hiếu Ngân giành được ở Olympic Sydney 2000 là cột mốc lịch sử của TTVN trên đấu trường Olympic khi lần đầu tiên chúng ta có được một huy chương ở Thế vận hội. Cái tên Trần Hiếu Ngân vì thế đã trở thành một phần không bao giờ có thể quên có thể thao nước nhà.

Trở về nước trong vinh quang, nhưng với Trần Hiếu Ngân thì cuộc sống vẫn tiếp diễn một cách lặng lẽ, khoản thưởng khoảng 100 triệu đồng từ các doanh nghiệp giúp chị có một phần vốn để tính chuyện lập gia đình với người đàn ông đã bên cạnh chị 5 năm qua, và sau đó giã từ sự nghiệp như kế hoạch đã lên từ trước khi thi đấu.

Một ngã rẽ mới đến với Trần Hiếu Ngân, chị tất bật với cuộc sống gia đình và những đứa trẻ. Hai người con chiếm trọn thời gian của chị. 16 năm sau ngày vinh quang, khi gặp lại chị, vẫn nhận thấy một đôi mắt kiên cường, điềm tĩnh như trên sàn đấu. 

Nhưng khi hỏi cuộc sống gia đình hiện tại, không khó nhận ra vẻ ưu tư trong đôi mắt cố giấu đi những nỗi lo. Chị liên tục xua tay từ chối nói về gia đình vì lúc này vẫn đang là HLV cho tuyến trẻ và không muốn khiến những VĐV trẻ phải nản lòng để gắn bó với thể thao thành tích cao.

Người giành tấm huy chương Olympic đầu tiên cho Việt Nam vẫn phải chạy ăn từng bữa - Ảnh 2.

Mức lương 8 triệu đồng từ nghề HLV không đủ để chị bươn chãi cho cuộc sống, chị phải ở trong một căn nhà thuê với diện tích chưa đầy 30 mét vuông, còn 2 người con được gửi cho bà ngoại chăm sóc để chị có thêm thời gian làm thêm những công việc khác kiếm thêm thu nhập.

Nhưng chị vẫn cười và bảo: "Tôi thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại, thu nhập của tôi lúc này vừa đủ để nuối con và tiếp tục với niềm đam mê của mình. Cuộc sống cứ bình lặng như thế thôi, tôi chẳng thấy hối tiếc điều gì cả."

Ngưỡng mộ Hoàng Xuân Vinh và những trăn trở với thể thao nước nhà

Sau tấm HCB của Trần Hiếu Ngân, Thể thao Việt Nam đã phải chờ đợi suốt 16 năm để đổi màu huy chương. Tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh được xem là một kỳ tích, mà theo Trần Hiếu Ngân để có được tấm HCV ấy, một VĐV phải thực sự là một tài năng kiệt xuất.

"Tôi ngưỡng mộ anh Hoàng Xuân Vinh, vì giành được huy chương Olympic không thể trông vào may mắn mà đó là một quá trình nỗ lực hết mình trong thời gian dài. Anh Vinh đã đạt đẳng cấp thế giới nhiều năm trước đó và kiên trì trong mục tiêu của mình mới có được thành công. 

Vì thế, không chỉ tôi mà mọi VĐV đều hiểu tấm HCV của anh Vinh giá trị thế nào. Anh Vinh chính là thần tượng của tôi".

Khi được hỏi về những khoản thưởng hàng tỷ đồng cho tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh gấp vài chục lần so với tấm huy chương chị dành được, Trần Hiếu Ngân cho biết điều ấy là xứng đáng.

"Anh Vinh xứng đáng nhận được nhiều hơn thế, và điều ấy cũng là động lực để các VĐV khác cố gắng hướng theo đuổi giấc mơ như Hoàng Xuân Vinh làm được. Vì bây giờ, các gia đình có nhiều sự lựa chọn và không muốn con em mình theo nghiệp thể thao nếu không có những ưu đãi tốt khi giành vinh quang".

Người giành tấm huy chương Olympic đầu tiên cho Việt Nam vẫn phải chạy ăn từng bữa - Ảnh 3.

Điều trăn trở nhất của Trần Hiếu Ngân với tư cách một người làm đào tạo trẻ đó là 16 năm sau tấm huy chương của chị, thì taekwondo Việt Nam đã không có suất dự Olympic. Theo chị, đây là câu hỏi không chỉ cho bộ môn taekwondo mà cả ngành thể thao Việt Nam.

"Teakwondo Việt Nam đã không theo kịp sự thay đổi của thế giới khi những luật lệ và quy định thay đổi. Không những thế, quá trình tuyển chọn tài năng đặc biệt của không chỉ taekwondo mà cả ngành thể thao cũng cần xem lại. 

Ở Thái Lan, khi tuyển chọn VĐV, họ tổ chức thi đấu trên cả nước, mọi VĐV đều có cơ hội tham dự, nên họ không bỏ sót tài năng. Trong khi các cuộc thi đấu ở Việt Nam, lại phân chia theo địa phương, phân chia huy chương cùng với căn bệnh thành tích nên nhiều VĐV tài năng bị bỏ sót."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại