Điều gì sẽ xảy ra với một nền kinh tế khi dân số già hóa? Liệu nó sẽ suy thoái vì người già không chi tiêu nhiều hay sẽ tăng trưởng vì khu vực y tế và chăm sóc người già phát triển?
Đây là câu hỏi quan trọng trong dài hạn ở Trung Quốc khi nước này nằm trong số những nền kinh tế có dân số già hóa nhanh nhất thế giới.
Số người trên 65 tuổi ở Trung Quốc sẽ tăng gấp ba trong 35 năm tới, lên 330 triệu người. Trong khi đó, do chính sách một con, tổng dân số sẽ giảm gần 200 triệu người.
Điều này có nghĩa là dân số Trung Quốc sẽ giảm khoảng 15% trong khi số người dưới 65 tuổi sẽ giảm hơn 1/3 – từ khoảng 1,25 tỷ người hiện nay xuống còn 800 triệu người vào năm 2050. Đây là những thay đổi rất lớn và sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế Trung Quốc.
Khi một nền dân số già hóa, nhiều người tham gia lao động sẽ trở nên thụ động về kinh tế. Thay vì tự trả các chi phí bằng số tiền mình kiếm được, họ sẽ phải phụ thuộc vào tiền tiết kiệm, cũng như hỗ trợ từ gia đình hoặc nhà nước.
Cấu trúc tiêu dùng của người già cũng thay đổi. Người nghỉ hưu không cần đi lại nhiều như trước, vì thế họ mua vé tàu và sử dụng nhiên liện ít hơn.
Họ có xu hướng ăn uống tiết kiệm hơn. Ở các nước phát triển, người già chi ít hơn 25% cho những thứ họ thường tiêu thụ trước đây. Đến khi 85 tuổi, chi tiêu của họ sẽ giảm một nửa so với trước.
Mặt khác, nhu cầu của người già cũng trở nên tốn kém hơn. Chi phí chăm sóc sức khỏe cho họ sẽ gia tăng. Sự phụ thuộc của người già vào gia đình và xã hội cũng tăng theo. Các thành viên gia đình và nhà nước sẽ phải đáp ứng nhu cầu kinh tế chưa từng thấy trước đây.
Nếu không có gì thay đổi, chi tiêu của con cái người già và nhà nước vào những hàng hóa khác sẽ phải giảm. Nói cách khác, khi cha mẹ trở nên già cả, con cái phải chi tiêu ít hơn cho bản thân họ. Những thay đổi này sẽ gây ra nhiều tác động ở Trung Quốc hơn ở Nhật Bản hiện nay.
Nhiều người Trung Quốc trong độ tuổi 40 và 50 không có sự chuẩn bị về tài chính cho nghỉ hưu tốt như ở Nhật Bản. Họ không tiết kiệm được nhiều tiền như họ cần. Nhiều người sẽ phải nhận khoản lương hưu ít hơn kỳ vọng rất nhiều vì lãi suất siêu thấp hiện nay.
Điều này có nghĩa là sự phụ thuộc của người già vào lòng hiếu thảo của con cái sẽ được thử thách mạnh trong những năm tới. Nhiều người già tương lai ở Trung Quốc sẽ phải chi tiêu ít hơn người già bây giờ và sống nhờ vào những gì gia đình và nhà nước chu cấp.
Nếu nhà nước không sẵn sàng nâng cao phúc lợi để duy trì mức chi tiêu của họ như trước kia, hoặc thế hệ tiếp theo không sẵn sàng chi tiêu nhiều để chăm sóc cho cha mẹ già nhờ số tiền tiết kiệm được khi đẻ ít con hơn, kinh tế Trung Quốc sẽ suy thoái.
Ngay cả khi tránh được suy thoái, dân số già hóa sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc thay đổi hoàn toàn và tạo ra nhiều bất ổn. Không ai biết chính xác những điều này có nghĩa là gì, về chính trị hoặc xã hội. Tất cả những gì chúng ta có thể nói là tác động sẽ rất khó lường.