Người duy nhất trên thế giới từ người lùn trở thành người khổng lồ

Minh Hoa |

Adam Rainer ở Áo là một trường hợp đặc biệt trong lịch sử y khoa thế giới khi tồn tại cả dạng "người lùn" và "người khổng lồ" trong cùng một cơ thể.

Adam Rainer sinh năm 1899 tại thành phố Graz, nước Áo, trong một gia đình có bố mẹ hoàn toàn bình thường. Suốt thời niên thiếu Rainer bị coi là "chú lùn" so với bạn bè đồng trang lứa khi chỉ cao 1,37 mét. Chính vì điều này anh bị từ chối khi nộp đơn đăng ký gia nhập quân đội trong Thế chiến I (1914 - 1918).

Khi đạt chiều cao 1,42 mét, Rainer xin nhập ngũ lần nữa nhưng vẫn phải thất vọng ra về khi không đáp ứng được điều kiện chiều cao 1,47 mét.

Người duy nhất trên thế giới từ người lùn trở thành người khổng lồ - Ảnh 1.

Adam Rainer vốn bị xem là một người mắc bệnh lùn, nhiều lần bị từ chối nhập ngũ vì không đủ cao.

Tuy có chiều cao khiêm tốn nhưng theo những báo cáo y học lúc bấy giờ, bàn tay và bàn chân của Rainer lại phát triển đến kích thước của các cầu thủ chơi bóng rổ. Khi đăng ký nhập ngũ lần đầu, Rainer đi giày size 10 US (size 43). 3 năm sau đó, bàn chân Rainer đã dài ra gấp đôi, anh phải mang giày size 20 US (size 53), trong khi chiều cao thì không mấy thay đổi.

Tuy nhiên năm Rainer 21 tuổi, mọi thứ bắt đầu thay đổi một cách chóng mặt. Từ một người lùn 1m43 Rainer bỗng nhiên cao vọt lên, trở thành gã khổng lồ với chiều cao 2m16. Chàng thanh niên người Áo không còn phải ngước nhìn người khác, ngược lại bước đến đâu anh cũng trở thành tâm điểm, khiến những người xung quanh ngước nhìn.

Người duy nhất trên thế giới từ người lùn trở thành người khổng lồ - Ảnh 2.

Sự chênh lệch thấy rõ khi Rainer ngồi cùng với một người đàn ông bình thường.

Trước sự thay đổi bất thường của cơ thể, Rainer đã đến bệnh viện kiểm tra. Cuối những năm 1930, các bác sĩ A. Mandl và F. Windholz chẩn đoán anh bị mắc hội chứng to đầu chi hiếm gặp. Hội chứng khiến cơ thể bệnh nhân sản sinh nhiều hormone tăng trưởng. Điều này chính là lời giải cho việc bàn tay và bàn chân của Rainer dài bất thường. Sự thay đổi gương mặt với phần trán và cằm nhô ra, môi dày, răng thưa cũng như tình trạng mệt mỏi quá mức cũng là dấu hiệu của hội chứng này.

Trong trường hợp của Rainer, căn bệnh xuất hiện là bởi một khối u trong tuyến yên, làm cho hormone tăng trưởng tiết ra quá mức. Một cuộc phẫu thuật loại bỏ khối u đã được tiến hành nhưng chỉ để làm chậm quá trình phát triển cơ thể của Rainer.

Vài năm sau khi phẫu thuật, chiều cao đo được của Rainer không thay đổi nhưng cột sống của người đàn ông này bắt đầu cong, đồng nghĩa với việc thực tế là anh ta vẫn đang phát triển.

Tình trạng càng kéo dài thì sức khỏe của người đàn ông càng xấu đi. Cột sống cong vẹo tới mức Rainer không thể tự đứng vững. Thị lực và thính giác cũng dần bị ảnh hưởng. Ông bị mù mắt phải và bắt đầu bị mất thính lực ở tai trái. Qua thời gian, cột sống đã không còn đủ sức chịu đựng nữa, buộc ông phải nằm một chỗ trên giường. Cuối cùng, Adam Rainer qua đời ở tuổi 51 với chiều cao là 2,3 mét - được ghi nhận là người cao nhất nước Áo thời điểm đó.

Hiện tại ngoài Rainer, thế giới vẫn chưa ghi nhận trường hợp tương tự khi một cơ thể tồn tại cả dạng "người lùn" và "người khổng lồ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại