Lúc đó, Australia có một “thuộc địa hình sự” tại Vịnh Sydney. An ninh trong những thuộc địa hình sự thời kỳ đầu này được đảm bảo bởi chính địa hình cô lập. Cai tù ở đây để cho thiên nhiên hoang dã tự giết chết bất kỳ tù nhân nào trốn thoát.
Dù nguy cơ chết sau khi trốn ngục hiển hiện, Samuels đã vượt ngục thành công cùng với một băng nhóm. Băng trộm của hắn sau đó đã cướp nhà một phụ nữ giàu có.
Chúng đã ăn cắp một túi đựng đầy tiền xu vàng, bạc để trên bàn của người phụ nữ. Tuy nhiên, khi chúng đang ra tay thì một cảnh sát xuất hiện và ông đã bị một người trong băng cướp giết chết.
Sau vụ giết người cướp của này, băng cướp bị truy lùng và bị bắt.
Do Samuels có một số đồng tiền ăn cướp trong túi khi bị bắt và chính người phụ nữ bị cướp đã xác định Samuels là một trong số những tên cướp, hắn đã bị thẩm vấn và buộc phải nhận tội nhưng tuyên bố không giết viên cảnh sát. Samuels bị tòa kết án tử hình bằng treo cổ.
Joseph Samuels là người duy nhất sống sót sau khi bị treo cổ tới ba lần.
Gần như toàn bộ đồng phạm trong băng cướp của Samuels đều trắng án vì thiếu bằng chứng. Ngoài Samuels, chỉ có tên Isaac Simmonds bị kết tội dù hắn không chịu thừa nhận bất kỳ tội nào.
Ngày 26/9/1803, khi ở tuổi 23, Samuels phải xuất hiện trước thòng lọng. Cùng ngày, một phạm nhân bị kết án khác cũng sẽ bị hành quyết. Cả hai được đưa ra trước một đám đông người địa phương tới chứng kiến cuộc treo cổ chung của hai tên tử tù.
Thời đó, hành quyết là thứ thu hút người dân hiếu kỳ. Tuy nhiên, nhóm người không nhận ra rằng tại thời điểm đó, thay vì chứng kiến hai vụ treo cổ, họ sẽ được chứng kiến bốn lần treo cổ, nhưng chỉ có một người chết.
Isaac Simmonds cũng bị cảnh sát đưa tới để chứng kiến vụ hành quyết vì cảnh sát hi vọng vì quá sợ chết mà hắn sẽ thú tội.
Lúc đó, treo cổ không được thực hiện để giết tử tù ngay tức khắc. Thay vì hình thức thả treo nhân đạo hơn với giá treo cổ được nâng cao và có một lỗ thả để tù nhân rơi qua, thời đó, người ta đặt tử tù lên một cái xe có ngựa kéo.
Sau khi thòng lọng thít quanh cổ tử tù, người ta sẽ ra lệnh cho con ngựa kéo xe. Do đó, thay vì một cái chết nhanh chóng, kẻ tử tù sẽ trải qua một cái chết từ từ. Mãi nửa thế kỷ sau, hình thức treo cổ nhân đạo hơn mới được áp dụng.
Để đảm bảo sức bền, các thòng lọng dùng để treo cổ đều được làm từ 5 sợi gai dầu dày dặn. Độ dày và bền của sợi dây có thể giúp sợi dây chịu được hơn 450 kg mà không đứt.
Trở lại với phiên hành quyết, các dây thòng lọng lần lượt được thắt quanh cổ Samuels và tên tử tù kia. Hai người được phép cầu nguyện với một linh mục. Samuels sau đó có cơ hội nói lời cuối cùng trước đám đông.
Samuels tuyên bố rằng hắn ta đã phạm tội cướp của nhưng kẻ giết viên cảnh sát thực ra đang đứng ngay ở đây trong đám đông. Sau đó, hắn đã chỉ điểm ngay tên Isaac Simmonds.
Do hắn vừa mới cầu nguyện với linh mục và sắp chết nên có thể không muốn gây tội lỗi bằng một lời nói dối, nên đám đông dường như tin lời hắn. Họ thậm chí còn định bao vây Simmonds.
Sau khi Samuels nói vài câu cuối cùng, và khi đám đông đã bình tĩnh trở lại, con ngựa bị quất vào mông và đi về phía trước. Khi tên tử tù kia giãy giụa với cái chết đau đớn đến từ từ, thì sợi dây quanh cổ Samuels đứt không thể giải thích nổi, khiến hắn rơi phịch xuống đất, rạn mắt cá chân.
Một sợi dây khác được mang ra và tròng quanh cổ Samuels. Hắn bị đặt lại lên chiếc xe. Lần này, khi con ngựa kéo chiếc xe đi, chiếc thòng lọng quanh cổ Samuels tuột nút buộc, khiến sợi dây đủ dài để mũi ủng của hắn chạm xuống đất.
Do trước đó Samuels đã khẳng định mình vô tội nên khi chứng khiến hai lần cảnh thắt cổ không thành công một cách khó hiểu dù đã được kiểm tra kỹ trước khi sử dụng, đám đông la hét đòi thả Samuels.
Nhiều người nghĩ rằng có một thế lực nào huyền bí nào đó đã can thiệp vào để cứu Samuels.
Dù vậy, sợi dây thòng lọng thứ ba đã được đem ra và tròng quanh cổ Samuels lần nữa. Tất nhiên, sợi dây này cũng đã được kiểm tra trước.
Như những gì đã xảy ra với hai lần trước đó, Samuels được đưa lên xe, ngựa bị phát vào mông và kéo chiếc xe lần thứ ba. Không thể tin nổi khi sợi dây này cũng đứt phựt.
Đến lúc này, đám đông gần như không thể kiểm soát nổi. Họ la hét, đòi thả Samuels. Viên cảnh sát trưởng sau đó đã ra lệnh hoãn vụ hành quyết cho đến khi có thể tham vấn Thủ hiến. Thủ hiến ngay lập tức xuất hiện.
Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng ba sợi dây để xem có dấu hiệu can thiệp không, ông cũng không thể phát hiện được điều gì khả nghi. Ông nhất trí với đám đông và phán quyết rằng ba sợi thòng lòng thực ra là dấu hiệu từ Chúa cho thấy Samuels vô tội.
Kết quả mà chính Samuels cũng không thể ngờ là hắn được thả. Một bác sĩ đã được đưa tới để điều trị vết rạn mắt cá chân. Dù cho điều kỳ diệu có là gì đi chăng nữa thì sự thực vẫn hiển nhiên: Joseph Samuels là người duy nhất sống sót sau ba lần bị treo cổ.
Về phần Isaac Simmonds, hắn bị treo cổ vì tội giết viên cảnh sát. Không được may mắn như Samuels, hắn chết ngay từ lần treo cổ đầu tiên.
Vậy sau ba lần may mắn đó, Samuels có sám hối, đoạn tuyệt với con đường trộm cướp? Không hề. Hắn ngay lập tức quay trở lại con đường tội lỗi và một lần nữa bị bắt và tống giam.
Ba năm sau, năm 1806, hắn trốn thoát trên một con thuyền cùng 8 tên tù khác. Kể từ đó, không ai hay tin gì về hắn cũng như 8 tên kia. Người ta cho rằng chúng đã chết đuối.