Nổi tiếng với những điệu múa chim công và đưa vũ điệu này vươn tầm thế giới, Dương Lệ Bình thời gian gần đây gây tranh cãi với chính điều tạo nên tên tuổi của bà. Nghệ sĩ chưa từng nhắc đến ồn ào song hành trình làm nghệ thuật và cách thức chinh phục nó luôn khiến dư luận đổ dồn sự chú ý.
Điệu múa chim công liên tục bị chê gợi dục
Vũ đạo chim công mới do Dương Lệ Bình biên đạo bị chỉ trích gợi dục, có các động tác mơn trớn quá mức giữa hai vũ công nam và nữ. Trang phục của vũ công nam bó sát, tệp vào da, dưới ánh đèn sân khấu để lộ những bộ phận nhạy cảm, nhìn từ xa giống như không mặc quần áo.
Màn biểu diễn không giới hạn độ tuổi, giới truyền thông Trung Quốc cho rằng điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em đi theo cha mẹ tới thưởng thức.
Vũ điệu chim công do Vương Lệ Bình biên đạo nhận chỉ trích vì gợi dục.
Hồi tháng tư, điệu múa thể hiện tập tính của loài công cũng bị chê phản cảm. Video do hai vũ công Tiêu Dung Hạo và bạn diễn Dương Hàm thể hiện, Dương Lệ Bình biên đạo, hướng dẫn các vũ công múa. Đoạn video có phân đoạn hai vũ công áp sát phần thân trên, hôn nhau, người xem cho rằng điệu nhảy gợi cảm và có phần khiếm nhã.
Xuất hiện những luồng ý kiến trái chiều về điệu nhảy chim công, không ít người đánh giá vũ đạo nổi tiếng ngày càng xuống cấp, bị tình dục hóa.
Trước những phản ứng mạnh mẽ, nghệ sĩ múa Tiêu Dung Hạo cho biết các diễn viên múa nhập tâm hóa thân thành chim công, không có ý định đưa mọi chuyện đi xa đến vậy. Nghệ sĩ nhấn mạnh môn nghệ thuật múa dùng phần lớn hình thể nên việc va chạm là điều khó tránh khỏi. Tiêu Dung Hạo kêu gọi mọi người nên xem trọn vẹn phần trình diễn để cảm nhận và đánh giá chính xác nhất. Lời giải thích của nghệ sĩ được nhiều người ủng hộ. Trong khi đó, Dương Lệ Bình giữ im lặng.
Hiện thân của chim công
Nhận những phản hồi trái chiều song không thể phủ nhận những điệu múa về công dưới sự tài hoa của Dương Lệ Bình đã gây tiếng vang trong làng múa quốc tế, đưa lĩnh vực múa dân tộc tại Trung Quốc có được thành tựu rực rỡ.
Năm 1986, Dương Lệ Bình lần đầu trình diễn điệu nhảy solo “Tước chi linh”. Cô bắt chước hình "đứng thẳng trước gió", "nhảy và quay" và "mở rộng đôi cánh" của con công, vượt xa những hình ảnh cơ bản này, thể hiện sự hòa nhập giữa tâm hồn và thể xác giữa con người và công.
Sau đó bà từng được mời tham dự biểu diễn tại lễ mừng năm mới của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc được phát sóng tới hàng triệu gia đình trên khắp đất nước. Mọi người bắt đầu gọi Dương Lệ Bình với những biệt danh trìu mến gắn liền với sự nghiệp lẫy lừng của bà là “Công chúa khổng tước” hay “Nữ thần khiêu vũ”…
Những chuyển động đặc biệt do Dương Lệ Bình tự sáng tạo, chẳng hạn như rung cánh tay khiến người xem cảm tưởng như không có xương, kết hợp cùng các hành động dịu dàng và mềm mại khác, mang đến cho khán giả cảm giác về sức sống của sự sống. Bài múa “Tước chi linh” đạt giải nhất sáng tác và biểu diễn tại Hội thi múa dân vũ toàn Trung Quốc lần thứ II.
"Khổng tước làng múa" khai thác nhiều khía cạnh để thể hiện thế giới kỳ diệu của loài công, qua đó biểu đạt tình yêu, tính cách con người. Năm 2022, Dương Lệ Bình đưa vở “Khổng tước” công diễn khắp các thành phố lớn của Trung Quốc như Côn Minh, Thượng Hải, Trùng Khánh, Bắc Kinh… Vở múa chia làm bốn phần: Xuân, Hạ, Thu và Đông, Dương Lệ Bình chỉ tham gia biểu diễn ở phần Đông. Vũ điệu tái hiện vẻ đẹp sinh mệnh, chim công nhảy múa trong tuyết hay lúc vạn vật khô héo…
“Tôi nghĩ múa công và hình ảnh tôi là một con công vẫn đã in dấu trong tâm trí người Trung Quốc. Đối với họ, tôi là hiện thân của loài công” – Dương Lệ Bình chia sẻ trên SCMP .
Gia tài nghệ thuật của Dương Lê Bình đã chạm tới hơn 7.000 vở múa. Bà không băn khoăn chuyện tiếp tục hay giải nghệ. Với bà, múa là đi, như cử chỉ hằng ngày.
Từ chối sinh con vì nghiệp múa
Tuổi lục tuần, Dương Lệ Bình vẫn giữ được vóc dáng mảnh mai, sự dẻo dai, uyển chuyển trong từng động tác đến khó tin. Cường độ làm việc của bà không thua kém các nghệ sĩ trẻ khi tham gia hoạt động nghệ thuật sôi nổi, trình diễn, biên đạo, hướng dẫn lớp vũ công trẻ học nghề.
Biệt thự ở quê nhà – tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) – nằm kề mặt nước, bao quanh là núi non, tràn ngập hoa, trang trí phong cách cổ xưa được truyền thông ví như cõi tiên. Bà an nhàn tận hưởng cuộc sống sau khi trải qua hai đời chồng.
Người đàn ông đầu tiên bước vào cuộc đời của “khổng tước làng múa” là biên đạo tài hoa, họ chấm dứt sau vài năm kết hôn bởi những mâu thuẫn không thể giải quyết. Chồng thứ hai là Lưu Thuần Tình - doanh nhân giàu có người Mỹ gốc Trung Quốc. Họ tiến tới hôn nhân năm 1995, doanh nhân không màng tới quá khứ của Dương Lệ Bình. Cuộc sống của họ những năm đầu yên ấm, nồng nàn nhưng khúc mắc xảy đến khi ông Lưu mong mỏi có mụn con, trong khi vũ công họ Dương chuyên tâm vào nghiệp múa, không có ý định sinh em bé.
Cuộc sống an nhàn của Dương Lệ Bình trong biệt thự được ví như tiên cảnh. Ảnh: Weibo.
Giữa sinh con và nghiệp múa, Dương Lệ Bình đã cân nhắc và đề nghị chia tay chồng. Tình yêu mãnh liệt dành cho múa chưa bao giờ thay đổi, bà sẵn sàng công khai việc không muốn sinh con.
Nữ nghệ sĩ từng gây tranh cãi khi bị cư dân mạng chỉ trích “Không sinh con cái là thất bại lớn nhất trong cuộc đời người phụ nữ. Cái gọi là sống vì bản thân đều là lừa người… Vẻ đẹp của cô lẽ nào sẽ mãi ở tuổi 30 sao. Ngay cả khi cô vừa đẹp vừa ưu tú thì cũng không thể thoát khỏi sự tàn phá của thời gian. Đến 90 tuổi thì ‘con cháu đầy đàn’ mới là vui thú của gia đình”.
Sự việc tạo luồng ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự ủng hộ Dương Lệ Bình vì bình đẳng giới, không ngờ vẫn có người lợi dụng chuyện con cái để ràng buộc giá trị của phụ nữ. Các diễn viên như Thích Vy, Lý Nhược Đồng lên tiếng ủng hộ đồng nghiệp, cho rằng không thể vì tuổi tác và cái nhìn của người khác mà đưa ra quyết định qua loa.
Dương Lệ Bình quan niệm bà thuộc kiểu người bàng quan, đến thế giới này để xem cây lớn ra sao, nước chảy thế nào, mây trôi về đâu. Mỗi con người có mục đích sống khác sau, người hưởng thụ, người đến để trải nghiệm hay sinh đẻ nối dõi tông đường.
Để mỗi sân khấu biểu diễn vũ điệu chim công trọn vẹn, Dương Lệ Bình 20 năm qua không ăn một hột cơm. Mỗi ngày, bà đều đảm bảo chế độ ăn nghiêm ngặt, khống chế trọng lượng và lượng mỡ cơ thể. Nhờ thói quen này, bà duy trì mức cân nặng không bao giờ vượt quá 46 kg suốt nhiều năm.
Theo Sohu , mỗi năm Dương Lệ Bình chi đến 180.000 nhân dân tệ (gần 620 triệu đồng) chỉ để chăm sóc móng tay. Theo bà, điểm hấp dẫn của điệu múa Khổng Tước một phần nằm ở móng tay. Chiều dài móng tay của Dương Lệ Bình hiện tại là 5 cm, để nuôi được tới độ dài như vậy mất tới 30 năm.
Dương Lệ Bình giữ được vóc dáng thanh mảnh, tươi trẻ ở tuổi 64. Ảnh: Weibo.
Cả cuộc đời dành hết cho nghệ thuật múa, ngôi sao sinh năm 1958 được QQ ca ngợi là nghệ sĩ đạt thành tựu cao nhất trong lĩnh vực múa dân tộc Trung Quốc. Năm 2011, Dương Lệ Bình được ưu ái có mặt trong "ngũ đại mỹ nhân Trung Hoa", xuất hiện trên ấn phẩm New York Times cùng Hoa hậu Trương Tử Lâm, Châu Tấn, Phạm Băng Băng và Chương Tử Di.
Bên cạnh vai trò nghệ sĩ múa, Dương Lệ Bình còn được nhiều khán giả biết đến với vai Mai Siêu Phong trong Anh hùng xạ điêu (bản Lý Á Bằng, Châu Tấn). Bà được mệnh danh là Mai Siêu Phong xinh đẹp nhất màn ảnh.
Bà có nhiều nguồn thu nhập khác nhau, từ quảng cáo, biểu diễn cho tới đào tạo nghệ thuật. Lệ Bình hiện là Chủ tịch công ty truyền thông Văn hóa Vân Nam, nắm giữ gần 57% cổ phiếu, tương đương 55 triệu USD. Ước tính, nữ nghệ sĩ đến từ Vân Nam có trong tay 150 triệu USD.