Người Đức xuống đường phản đối phân biệt đối xử với người Nga

Thái Hà |

Tôi đến đây vì tôi ủng hộ hòa bình, trẻ em bị đánh đập ở trường học chỉ vì chúng nói tiếng Nga, điều đó không thể chấp nhận được, Ozan Yilmaz, 24 tuổi, nói với AFP.

Tờ DW cho biết, khoảng 600 người đã tuần hành tại thành phố Frankfurt của Đức vào ngày 10/4 để kêu gọi ngừng phân biệt đối xử với người nói tiếng Nga, trong bối cảnh quốc gia châu Âu này ghi nhận hàng trăm vụ bạo lực nhằm vào người Nga chỉ trong gần 2 tháng qua.

Người Đức xuống đường phản đối phân biệt đối xử với người Nga - Ảnh 1.

Đám đông mang theo cờ Đức, cờ Nga tham gia tuần hành ở Frankfurt. Ảnh: Reuters

Theo số liệu của Dailymail, số người tham gia tuần hành ở Frankfurt lên đến 2.000, gấp hơn 3 lần con số của DW. Hình ảnh do truyền thông đăng tải cho thấy đám đông tuần hành mang theo cờ Nga và cờ Đức, cùng những tấm bảng kêu gọi ngừng tâm lý chống Nga.

Tại thành phố Hanover ở phía Bắc, hàng trăm người khác đã tuần hành trên đoàn xe 350 chiếc, dù hoạt động này ban đầu bị trì hoãn vì nhà chức trách yêu cầu gỡ bỏ cờ Nga khỏi nắp capo của những chiếc xe.

Đây là ngày thứ hai các hoạt động tuần hành kêu gọi ngừng phân biệt đối xử với người Nga diễn ra tại Đức. Hôm 9/4, khoảng 150 người đã xuống đường ở các thành phố Stuttgart và Lubeck.

Khi các cuộc tuần hành được lên lịch, một số người cho rằng mục đích tập trung của đám đông là để ủng hộ chiến dịch của Moscow ở Ukraine. Tuy nhiên, những người tổ chức tuần hành khẳng định họ chỉ đơn giản là muốn nêu lên thực tế người Nga ở Đức bị phân biệt đối xử một cách vô lý.

"Tôi đến đây vì tôi ủng hộ hòa bình, trẻ em bị đánh đập ở trường học chỉ vì chúng nói tiếng Nga, điều đó không thể chấp nhận được", Ozan Yilmaz, 24 tuổi, nói với AFP.

Số liệu của DW chỉ ra rằng, từ khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine khởi động hôm 24/2, 383 vụ phạm tội chống lại người Nga đã được ghi nhận tại Đức.

Đức là nơi sinh sống của khoảng 1,2 triệu người gốc Nga và hơn 600.000 người Ukraine, bao gồm khoảng 316.000 người di cư tới đây sau ngày 24/2. Cảnh sát Đức đã bố trí hàng rào để đảm bảo an ninh khi các cuộc tuần hành diễn ra và không có vụ bạo lực nào được ghi nhận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại