Người đi bộ qua đường gây tai nạn giao thông bị xử phạt ra sao?

BẢO HƯNG |

Không ít trường hợp đi bộ qua đường gây ra tai nạn giao thông, vậy trong trường hợp này bị xử phạt thế nào theo quy định của pháp luật?

Khoản 3 Điều 32 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.

Người đi bộ qua đường không đúng vạch kẻ đường dành cho người đi bộ có vi phạm không? có 02 trường hợp xảy ra như sau:

Trường hợp 1: Nếu đoạn đường có bố trí vạch kẻ đường cho người đi bộ qua đường như trước các trường học, bệnh viện hoặc tại các chốt đèn tín hiệu giao thông mà người đi bộ không đi qua đường trên các vị trí này thì đã vi phạm Luật giao thông đường bộ.

Trường hợp 2: Nếu đoạn đường không bố trí vạch kẻ đường cho người đi bộ qua đường thì trong trường hợp này người đi bộ qua đường phải có trách nhiệm quan sát và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường mà không vi phạm Luật giao thông đường bộ.

Người đi bộ qua đường gây tai nạn giao thông bị xử phạt ra sao?- Ảnh 1.

Người đàn ông sang đường không đúng quy định gây tai nạn tại Hà Nội.

Các trường hợp phải nhường đường cho người đi bộ được quy định tại khoản 4 Điều 11 của Luật giao thông đường bộ 2008 theo nguyên tắc:

- Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

- Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.

- Người đi bộ vi phạm khi không thực hiện nguyên tắc chung là đi bộ trên lề đường, hè phố hoặc đi sát mép đường khi không có lề đường và hè phố.

- Người đi bộ không qua đường khi không có nơi bố trí qua đường; hay đi qua đường nơi không có vị trí qua đường mà không quan sát nhường đường đảm bảo an toàn khi đi qua đường.

Nếu người đi bộ vi phạm thì bị áp dụng chế tài giống như người điều khiển phương tiện giao thông khác. Nếu tạo chướng ngại vật gây tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên thì bị áp dụng chế tài hình sự phạt tù, bồi thường thiệt hại. Vi phạm hành chính thì bị xử lý theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019.

Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với các đối tượng được xác định là người đi bộ thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:

- Có hành vi không đi đúng phần đường quy định dành cho người đi bộ, vượt qua dải phân cách trái quy định của pháp luật, có hành vi đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không đảm bảo an toàn giao thông đường bộ;

- Không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng hoặc không chấp hành chỉ dẫn của các đèn tín hiệu, không chấp hành các biển báo hiệu vào vạch kẻ đường;

- Không chấp hành hiệu lệnh và hướng dẫn của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ hoặc người kiểm soát giao thông;

- Mang vác các vật cồng kềnh gây cản trở cho quá trình tham gia giao thông đường bộ;

- Đu bám vào các phương tiện giao thông đang lưu thông.

Người đi bộ gây tai nạn giao thông với mức độ đặc biệt nghiêm trọng hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ căn cứ theo quy định tại Điều 260 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Chủ thể của tội phạm được quy định là người tham gia giao thông đường bộ, gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại