Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), người dân trong huyện đã bày tỏ sự tức giận đối với lệnh phong tỏa mà họ phải tuân thủ suốt hơn 40 ngày qua. Chính quyền huyện Cảo Thành đã ban bố áp đặt lệnh phong tỏa đối với khu vực từ ngày 6/1 sau khi phát hiện một ổ dịch tại tỉnh miền Bắc Trung Quốc.
Quận gồm 800.000 dân này là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong làn sóng COVID-19 bùng phát trở lại vài tháng gần đây tại Trung Quốc. Từ ngày 2/1 đến 15/2, thủ phủ Thạch Gia Trang ghi nhận tổng cộng 869 ca mắc COVID-19, trong đó phần lớn các ca được phát hiện tại Cảo Thành.
Tuy nhiên, số ca mắc mới mỗi ngày đã giảm và không có ghi nhận ca mắc mới nào từ ngày 15/2 cho đến nay.
Giới chức địa phương đã điều chỉnh mức độ khẩn cấp đối với huyện Cảo Thành từ mức cao hạ xuống còn mức trung bình vào ngày 8/2. Ngoại trừ 3 khu vực ngoại ô vẫn ở trong diện nguy cơ cao, thì người dân tại các khu vực còn lại giờ được phép ra khỏi nhà 2 tiếng mỗi ngày với giấy thông hành.
Tuy nhiên, một số người dân cho biết giới chức địa phương vẫn không cho phép họ ra ngoài hoặc việc làm đơn để được cấp giấy thông hành gặp nhiều khó khăn.
Người dân tại thị trấn Cửu Môn cho biết họ vẫn chưa được thông báo lệnh hạn chế được nới lỏng và buộc phải đón Tết Nguyên đán trong phong tỏa.
“Tôi chưa nghe thấy thông báo. Tôi không còn tiền tiết kiệm, và không biết phải sống thế nào”, người đàn ông bày tỏ, ông chỉ được phép ra ngoài để mua đồ ăn và được yêu cầu trở về nhà nhanh nhất có thể.
Những người khác sống trong trung tâm huyện Cảo Thành cho hay mãi tới 20/2, họ mới nhận được giấy thông hành.
Người dân bày tỏ cuộc sống bị phong tỏa trong 40 ngày qua cực kỳ khó khăn và họ được yêu cầu xét nghiệm COVID-10 thường xuyên. “Tôi đã xét nghiệm 16 lần và chưa bước ra khỏi nhà hơn 1 tháng qua”, He Pengfei – một chủ nhà hàng 30 tuổi sống tại thị trấn Lianzhou – nói.
Anh cho biết công việc kinh doanh của mình buộc phải đóng cửa và không có tiền để trả cho khoản nợ tiền nhà, tiền xe trả góp. Trước đó, người này cũng một lần lao đao do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 năm ngoái.
Một số người dân địa phương còn phàn nàn về giá thực phẩm tăng cao và nguồn cung các hàng hóa thiết yếu bị thiếu hụt. “Giá rau củ tăng ít nhất 3 lần. Chúng tôi không có thu nhập và giá thực phẩm thì quá đắt”, một cư dân tại thị trấn Lianzhou họ Trưởng cho hay.
“Tôi phải làm việc từ xa. Tôi là nhân viên duy nhất sống tại huyện Cảo Thành làm việc trong công ty và không một ai nói cho tôi biết mình phải làm gì. Tôi không hiểu vì sao chính quyền địa phương không triển khai các biện pháp cụ thể và chính xác hơn. Những lời phàn nàn từ người dân không nhận được bất kỳ phản ứng nào”, người đàn ông bức xúc.