Người đàn ông tử vong khi đang tập gym: Trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp đến đâu?

Minh Ngọc |

Vụ việc một người đàn ông tử vong tại phòng tập gym ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đã gây xôn xao dư luận và đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn cho khách hàng.

Theo thông tin ban đầu, nạn nhân đã có biểu hiện bất thường khi đang chạy trên máy và sau đó không qua khỏi dù đã được sơ cứu. Vậy trong trường hợp này, trách nhiệm của doanh nghiệp đến đâu và khi nào được xem là tai nạn ngoài ý muốn?

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VP luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP HCM) đã có phân tích dưới góc độ pháp lý.

Về trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp

Theo luật sư Diệp Năng Bình, doanh nghiệp có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ theo thông tư số 10/2018/TT-BVHTTDL quy định về cơ sở vật chất, trang thết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn thêr dục thể hình và fitness.

Theo đó thông tư đặt ra các quy chuẩn cho phòng tập bao gồm:

Phòng tập luyện diện tích ít nhất 60 m2; khoảng cách từ sàn đến trần ít nhất 2,8 m, không gian tập luyện phải bảo đảm thông thoáng. Khoảng cách giữa các trang thiết bị tập luyện bảo đảm từ 10cm đến 30cm; Ánh sáng từ 150 lux trở lên; Hệ thống âm thanh trong tình trạng hoạt động tốt;Có khu vực vệ sinh, thay đồ, nơi để đồ dùng cá nhân cho người tập; có túi sơ cứu theo quy định của Bộ Y tế; Nội quy phòng tập bao gồm những nội dung chủ yếu sau: Giờ tập luyện, đối tượng tham gia tập luyện; các đối tượng không được tham gia tập luyện, biện pháp bảo đảm an toàn khi tập luyện.

Luật sư Bình nhấn mạnh, các quy định trên đặt ra nhằm đảm bảo cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn an toàn và có đủ nhân viên y tế được đào tạo để xử lý các tình huống khẩn cấp. Nếu có bằng chứng cho thấy cơ sở vật chất hoặc dịch vụ y tế không đạt tiêu chuẩn, doanh nghiệp có thể bị truy cứu trách nhiệm pháp lý.

Ví dụ, nếu thiết bị tập luyện bị hỏng hóc hoặc không được bảo trì đúng cách dẫn đến tai nạn, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm.

Nếu kinh doanh tập gym mà không đảm bảo yêu cầu trang thiết bị phục vụ tập luyện sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Và có thể bị đình chỉ hoạt động thể thao có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 điều này. (Điều 18 Nghị định 46/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thể thao).

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân nếu tử vong do lỗi của doanh nghiệp theo Điều 13, Điều 584 Bộ luật dân sự 2015. Trách nhiệm bồi thường này không chỉ dừng lại ở việc đền bù tài chính mà còn bao gồm việc hỗ trợ tinh thần cho gia đình nạn nhân. Trong trường hợp này, nếu kết luận điều tra cho thấy doanh nghiệp không có nhân viên y tế kịp thời hoặc nhân viên không được đào tạo đầy đủ, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Người đàn ông tử vong khi tập gym gây tranh cãi về trách nhiệm pháp lý - Ảnh 1.

Phản ứng của người nhà nạn nhân tử vong tại phòng tập gym

Trường hợp nếu nhân viên tại phòng tập biết nạn nhân có vấn đề về sức khoẻ nhưng không đưa đến bệnh viện kịp thời thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Diệp Năng Bình phân tích, theo Điều 132 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội không cứu người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng thì thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp tử vong tại phòng tập gym đều do lỗi của doanh nghiệp. Có những trường hợp được xem là tai nạn ngoài ý muốn nếu không có bằng chứng cho thấy doanh nghiệp vi phạm các quy định an toàn hoặc có lỗi trong việc cung cấp dịch vụ.

Ví dụ, nếu nạn nhân có tiền sử bệnh lý mà không khai báo hoặc sự cố xảy ra do nguyên nhân bất khả kháng, doanh nghiệp có thể không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Trong những trường hợp này, việc xác định trách nhiệm của doanh nghiệp cần dựa trên các bằng chứng cụ thể và quy định pháp luật hiện hành.

"Như vậy, trách nhiệm của doanh nghiệp trong trường hợp khách hàng tử vong khi sử dụng dịch vụ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cơ sở vật chất, dịch vụ y tế. Doanh nghiệp cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và có đủ nhân viên y tế được đào tạo để xử lý các tình huống khẩn cấp.

Nếu có bằng chứng cho thấy doanh nghiệp vi phạm các quy định này, họ sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý và bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân.

Ngược lại, nếu tử vong do nguyên nhân bất khả kháng hoặc không có lỗi của doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể không phải chịu trách nhiệm pháp lý", chuyên gia nhấn mạnh.

                                                                                                                                                     

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại