Người đàn ông tiêm 217 mũi vắc xin Covid-19 trong 3 năm: Chuyên gia lập tức vào cuộc

Trà My |

Các chuyên gia đã vào cuộc để kiểm tra xem liệu những mũi vắc xin Covid-19 này có gây ra bất kỳ 'tác dụng phụ đáng chú ý nào' không.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tiêm 217 mũi vắc xin Covid-19

Mới đây, các nhà khoa học tiết lộ một người đàn ông ở Đức đã tiêm 217 mũi vắc xin Covid-19 trong vòng chưa đầy ba năm.

Trường hợp này vừa được báo cáo trên Tạp chí Lancet Bệnh truyền nhiễm. Đây là một người đàn ông 62 tuổi, nói rằng ông tiêm vắc xin "vì lý do cá nhân".

Được biết người đàn ông đã tiêm tổng cộng 8 loại vắc xin khác nhau.

Các nhà nghiên cứu Đức đã liên lạc với người đàn ông sau khi đọc về trường hợp của ông trên tạp chí. Họ muốn tìm hiểu xem vắc xin có tác dụng như thế nào với hệ thống miễn dịch của ông.

Các nhà nghiên cứu phát hiện gì?

Tiến sĩ Kilian Schober, đến từ Đại học Erlangen-Nurnberg, tại Bavaria, Đức, cho biết: "Trường hợp thử nghiệm của chúng tôi đã được tiêm tổng cộng 8 loại vắc xin khác nhau, bao gồm cả các loại vắc xin mRNA hiện có".

"Quan sát cho thấy không có tác dụng phụ đáng chú ý nào xảy ra. Trường hợp tiêm chủng bất thường này cho thấy thuốc có mức độ dung nạp tốt".

Người đàn ông tiêm 217 mũi vắc xin Covid-19 trong 3 năm: Chuyên gia lập tức vào cuộc- Ảnh 1.

Ảnh chụp một lọ vắc xin Covid-19 Moderna.

Tiến sĩ Schober cho biết thêm: "Cá nhân này đã trải qua nhiều cuộc xét nghiệm máu khác nhau trong 29 tháng".

"Ông ấy đã cho phép chúng tôi đánh giá kết quả của những phân tích này. Trong một số trường hợp, các mẫu đã được đông lạnh và chúng tôi có thể tự mình điều tra những mẫu này".

"Chúng tôi cũng có thể tự mình lấy mẫu máu khi người đàn ông này được tiêm chủng thêm trong quá trình nghiên cứu, theo yêu cầu của chính người đàn ông".

"Chúng tôi có thể sử dụng những mẫu này để xác định chính xác cách hệ thống miễn dịch phản ứng với việc tiêm chủng".

Các xét nghiệm cho thấy người đàn ông có một lượng lớn tế bào T - tế bào miễn dịch chống lại bệnh tật - chống lại Covid-19 trong máu.

Người đàn ông không có dấu hiệu nào cho thấy đã từng bị nhiễm virus.

Nghiên cứu sinh Katharina Kocher, thuộc Đại học Erlangen-Nurnberg, cho biết: "Số lượng tế bào nhớ trong trường hợp thử nghiệm của chúng tôi cao tương đương với nhóm đối chứng".

"Nhìn chung, chúng tôi không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy phản ứng miễn dịch yếu hơn".

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết đây chỉ là một trường hợp cá nhân và chưa đưa ra kết luận nào về khuyến cáo cho cộng đồng.

"Nghiên cứu hiện tại chỉ ra rằng tiêm vắc xin ba liều, kết hợp với vắc xin bổ sung thường xuyên cho các nhóm dễ bị tổn thương, vẫn là phương pháp tốt hơn".

"Không có dấu hiệu nào cho thấy cần thêm vắc xin".

(Theo The Sun)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại