Cụ thể, người đàn ông tên H.T (sinh năm 1960, quê ở Hòa Bình) có tiền sử mổ khâu lỗ thủng hành tá tràng. Bệnh nhân đi khám do có triệu chứng đầy bụng kém ăn, gầy sút cân (6kg/3 tháng), không đau bụng, đại tiện bình thường.
Do lo ngại mắc ung thư, bệnh nhân đã đi khám. Tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, bệnh nhân được chỉ định nội soi dạ dày. Kết quả cho thấy bệnh nhân có khối dị vật thức ăn đóng khuôn gần giống chữ nhật, nằm trong tá tràng, màu đen nâu.
Sau đó, các bác sĩ đã chỉ định nội soi lấy khối dị vật ra ngoài. Miếng dị vật có kích thước 3x6cm. Khi đưa ra ngoài, dị vật được xác định là 1 miếng măng tính chất khá mềm nhưng dai và tước xơ, phía trong đã chuyển màu nâu sẫm.
Ông T chia sẻ: "Từ Tết đến giờ tôi không ăn măng lần nào". Trước đó, vào dịp Tết vừa rồi, ông ăn một vài miếng măng nhưng không nhai kỹ do răng yếu và rụng khá nhiều.
Hiện bệnh nhân được tiếp tục điều trị thuốc dạ dày và kháng sinh do khi can thiệp có trầy xước niêm mạc dạ dày tá tràng.
Khối dị vật lấy từ tá tràng bệnh nhân T, ảnh BSCC.
BS.CKII. Hoàng Kim Ngân - Khoa Điều trị bệnh Ống Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 - khuyến cáo dị vật thức ăn thường là những mảnh thức ăn lớn, cứng hoặc có đặc tính chát dính, chưa tiêu hóa hoàn toàn quện lại với nhau. Theo thời gian, những mảnh này sẽ tạo thành khối lớn ở dạ dày hoặc tá tràng, không di chuyển được xuống ruột. Khối dị vật này có thể gây tổn thương dạ dày tá tràng do cọ sát, hoặc gây tắc ruột nếu chúng xuống ruột.
Để tránh tình trạng khối dị vật thức ăn, bác sĩ Ngân lưu ý khi nấu ăn, mọi người nên thái thức ăn nhỏ, dưới 1cm chiều dày và 4cm chiều dài để người ăn có răng kém sẽ không bị mắc lại trong dạ dày.
Đối với những món như măng thì người không có hoặc răng yếu nên hạn chế ăn.
Khi ăn thức ăn mảnh lớn; ăn các chất chát dính như tam thất, nghệ mật ong, hồng xiêm, chuối xanh… mà có các triệu chứng đau bụng, buồn nôn thì nên đi đến cơ sở y tế uy tín sớm để bác sĩ thăm khám và chỉ định nội soi dạ dày, phát hiện sớm dị vật thức ăn, tránh biến chứng không mong muốn xảy ra.
Ths.BS Doãn Thị Tường Vi, Nguyên trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện 198, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng lâm sàng cho hay măng không có giá trị dinh dưỡng, chủ yếu là chất xơ không hòa tan. Do vậy, trẻ em người già không nên món canh này nhiều.
Người lớn tuổi hệ thống tiêu hóa kém, nhu động ruột giảm, dịch tiêu hóa giảm, ít hoạt động nên tăng nguy cơ bị táo bón. Chất xơ trong măng không thể hòa tan, khi người lớn tuổi ăn nhiều sẽ tạo thành cục bã thức ăn gây tắc ruột, chuyên gia cho biết.
Các chuyên gia khuyến cáo ngoài măng, một số đồ ăn cứng khó tiêu như hồng, rau bí... cũng nên cẩn trọng khi ăn. Khi bị tắc ruột, triệu chứng như đau bụng từng cơn, đau vùng thượng vị, nôn, bí, chướng, cần nhanh chóng đến viện kiểm tra. Đa phần trường hợp tắc ruột cần phẫu thuật cấp cứu.
Bệnh nhân bị tắc ruột nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ thiếu máu ruột, hoại tử, xoắn hoặc thủng ruột.