Ảnh minh họa.
3 lần co giật do sán não
Đang điều trị sán não tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, ông Trần Thanh H (sinh năm 1950, tại Nam Định) vẫn còn thấy "sợ" mỗi lần bị co giật. Khi tới bệnh viện, ông H mới biết nguyên nhân là do sán gây ra tổn thương não.
Theo ông H, ông sống ở Nam Định, các con sinh sống và làm ăn tại Hà Giang. Ở nhà ông bị gãy xương sườn nên được con đưa lên Hà Giang chăm sóc và bó thuốc. Trong khi đang ở nhà con chữa bệnh, ông H đi vệ sinh lại đột ngột gã xuống đất, co giật, mồm méo, mắt trợn ngược khiến cả gia đình hoảng hồn.
Sau khi ông H qua cơn co giật, ông đã được con đưa đi bệnh viện cấp cứu. Nhìn thấy con lo lắng, ông H động viên con: "Con cứ yên tâm khoảng 1 giờ đồng hồ nữa là bố sẽ ổn, không sao cả".
Ông H cho biết, đây là lần thứ 3 ông bị co giật. Trước đó, vào ngày 16/1/2023, ông H xuất hiện dấu hiệu co giật ở tay nhưng ông không đi khám vì nghĩ bệnh tuổi già. Vào tháng 6 năm 2023, ông H lại tiếp tục bị co giật giữa đêm. Lần này, ông co giật khoảng 20 phút, khi tỉnh lại ông thấy khoẻ mạnh nên cũng không đi viện.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, khi chụp cắt lớp vi tính, bác sĩ phát hiện trong não bệnh nhân có nhiều tổn thương nghi ngờ do sán não. Bác sĩ chuyển ông H xuống bệnh viện Đặng Văn Ngữ để tiếp tục điều trị.
Ông cho biết mới uống thuốc tẩy sán được 2 ngày nên còn mệt, ăn uống kém và ngủ ít hơn. Khi nhìn thấy hình ảnh não tổn thương ông H thấy rợn người.
Nguyên nhân khiến người đàn ông mắc sán não
Ông H tâm sự: "Tôi thường ăn tiết canh, rau sống. Tôi có hội bạn cứ mùng 1 hàng tháng là lại hẹn hò nhau đi ăn tiết canh ngựa. Ngày thường nuôi được con ngan, vịt hay lợn 'sạch' tôi cũng làm tiết canh và ăn vô tư. Tôi cứ nghĩ đồ nhà mình nuôi 'sạch' thì ăn sẽ không sao, không ngờ lại có nguy cơ bị sán".
Khi tới bệnh viện và được bác sĩ giải thích nguyên nhân mắc sán não là do thói quen ăn đồ sống, tiết canh, thịt chưa nấu chín kỹ, ông H đã rất hối hận. Ông H không ngờ rằng thói quen ăn các loại tiết canh của mình hoá ra lại nguy hiểm tới vậy.
Bác sĩ Phan Thị Thu Phương - Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết bệnh nhân H đang được điều trị sán não. Nguyên nhân mắc bệnh là do ăn phải ấu trùng sán lợn từ tiết canh, thịt lợn chưa được nấu chín kỹ.
Chuyên gia cho biết sán ký sinh trong não sẽ khiến người bệnh có nguy cơ mắc các cơn động kinh ở mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Tình trạng này thường gây ra các triệu chứng như mất ngủ, rối loạn giấc ngủ,... hoặc một số triệu chứng khác hiếm gặp hơn như yếu liệt nửa người, các bất thường khi vận động,...
Bệnh thường phát triển âm thầm, những triệu chứng rõ rệt thường xuất hiện khá muộn. Bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các chuyên gia khuyến cáo việc ăn tiết canh không chỉ làm tăng nguy cơ nhiễm sán mà còn tiềm ẩn nhiều vấn đề sức khỏe khác. Đặc biệt, việc ăn tiết canh lợn còn làm tăng nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm sán não, theo chuyên gia cách tốt nhất là thực hiện ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh cá nhân. Đối với người có thói quen ăn đồ tái sống, khi cơ thể xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ nhiễm sán cần phải đi khám chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn cách điều trị.