''Người đàn ông rơi'': Tấm hình ám ảnh cự độ về thảm kịch ngày 11/9 và câu chuyện do nhiếp ảnh gia ''máu lạnh'' kể lại

J.D |

Richard Drew bị người đời hỏi rằng làm sao ông có thể "máu lạnh" đến mức ghi lại hình ảnh của một người đang rơi tự do? Nhưng với Drew, đó là cách để người chết còn sống mãi.

11/9/2001 là một sự kiện kinh hoàng không chỉ với nước Mỹ, mà còn gây chấn động cho cả thế giới. Quá nhiều thương vong đã xảy ra. Quá nhiều hình ảnh kinh khủng được ghi lại. Nhưng trong số đó có một tấm hình cực kỳ ám ảnh, đến mức phóng viên ảnh chụp nó là Richard Drew còn bị lên án là một kẻ "máu lạnh". Bức ảnh mô tả cảnh một người đàn ông rơi tự do từ trên tòa Tháp Đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), ở thời khắc trước khi nó sụp đổ.

Những ngày sau vụ tấn công, tấm hình này được một số tờ báo tại Mỹ đăng tải, nhưng sau đó buộc phải gỡ bỏ vì phản ứng đầy kích động từ độc giả, cho rằng nó quá thảm khốc và gây ám ảnh.

Người đàn ông rơi: Tấm hình ám ảnh cự độ về thảm kịch ngày 11/9 và câu chuyện do nhiếp ảnh gia máu lạnh kể lại - Ảnh 1.

Đến nay, danh tính của "Người đàn ông rơi" vẫn chưa ai rõ, nhưng có ý kiến cho rằng đó là nhân viên của một nhà hàng trên tòa phía Bắc. Còn với Drew - người đã chụp tấm ảnh, đằng sau đó là cả một câu chuyện dài.

*Bài viết lược dịch từ lời chia sẻ của Richard Drew trong cuốn sách "September 11: The 9/11 Story, Aftermath and Legacy".

Gia đình tôi gọi nó là "bức ảnh không thể quên". Nhiều biên tập báo chí từ chối in nó. Còn những bên chấp nhận đăng, chỉ một ngày sau khi tòa nhà WTC sụp đổ đã phải nhận về hàng trăm lá thư phản đối.

Tấm ảnh bị xem là sản phẩm máu lạnh, tàn nhẫn, ghê tởm. Và rồi nó biến mất.

20 năm trôi qua, tôi vẫn nhận được những câu hỏi về nó, nhưng là về những vấn đề khác. Tôi được mời đến phỏng vấn trên truyền hình quốc gia, với các kênh từ nước ngoài, rồi được đi diễn thuyết khắp các trường đại học. Tạp chí Esquire từng đăng một bài viết 7000 chữ để mô tả về tính biểu tượng của bức ảnh trên góc độ nghệ thuật. Ngài Elton John thì gọi nó là "một trong những bức hình hoàn hảo nhất trong lịch sử nhiếp ảnh".

Người đàn ông rơi: Tấm hình ám ảnh cự độ về thảm kịch ngày 11/9 và câu chuyện do nhiếp ảnh gia máu lạnh kể lại - Ảnh 3.

Tòa Tháp Đôi sụp đổ

Tất cả sự đối nghịch ấy là dành cho duy nhất một tấm hình trong hàng trăm bức chụp vội, trước khi người ta kéo tôi về chỗ trú ẩn lúc tòa tháp đổ sụp xuống.

Đồng nghiệp tôi gọi nó là "bức ảnh nổi tiếng nhất nhưng chưa ai được xem". Có điều thực tế là nhiều người đã xem rồi. Cứ nhắc đến nó đi, người ta sẽ nhớ ra nó, thậm chí là còn với góc độ khá hài hước nữa. Một bức ảnh khiến người ta ớn lạnh, nhưng lại xoay nó ngang ngửa để tìm những góc cạnh hài hước hơn? Thật trớ trêu.

Những con người rơi tự do

Buổi sáng định mệnh ấy, tôi đứng dưới tòa tháp phía Bắc, tại góc đường West và Vesey. Cột khói dày đặc đến mức không thể quan sát, mà thở cũng rất khó khăn. Tôi nghe thấy rất nhiều tiếng rơi vỡ, tưởng rằng đó là gạch đá. Nhưng tôi đã nhầm! Đó là tiếng người va vào vỉa hè.

Tôi hướng đến một người đang rơi, đưa máy lên và chụp khoảng 8 tấm. Lại có tiếng ồn rất lớn vang lên - có thể là tiếng nổ. Nhưng tôi không quan tâm mà vẫn tiếp tục chụp ảnh, chỉ nghĩ rằng có thể là một chiếc mái nhà đổ sụp. Có điều đó không đơn giản là một cái mái nhà, mà là cả tòa WTC đang đổ xuống. Tôi không biết điều đó vì đã đứng quá gần.

Người đàn ông rơi: Tấm hình ám ảnh cự độ về thảm kịch ngày 11/9 và câu chuyện do nhiếp ảnh gia máu lạnh kể lại - Ảnh 4.

Một nhân viên khẩn cấp đã cứu tôi bằng một cú giật mạnh. Tòa tháp đổ sụp về phía chúng tôi trong lúc bỏ chạy. Vậy mà tôi vẫn kịp dừng lại để chụp thêm 9 tấm nữa.

Nghe thật ngu ngốc đúng không? Nhưng lúc đó tôi shock tột độ. Mà khi đang hoảng sợ, con người ta thường làm những điều theo bản năng.

Việc phải chứng kiến thảm kịch ngay trước mắt khiến tôi bị ám ảnh trong thời gian dài. Đến giờ, tôi vẫn để ý mọi chiếc máy bay lướt qua trên đầu, tự hỏi đó là bạn hay thù. Nhưng bản thân tấm ảnh hay sự kiện ấy chẳng phải thứ khiến tôi mệt mỏi nhất, mà là thái độ của công chúng.

Người ta cứ liên tục hỏi tôi rằng làm sao tôi có thể "máu lạnh" đến mức chụp ảnh về người sắp chết? Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ như vậy. Tôi chụp ảnh để lưu lại khoảnh khắc cuối cùng của một đời người. Mỗi khi ngắm ảnh, tôi thấy anh ta đang sống.

Người đàn ông rơi: Tấm hình ám ảnh cự độ về thảm kịch ngày 11/9 và câu chuyện do nhiếp ảnh gia máu lạnh kể lại - Ảnh 6.

Cũng chẳng phải lần đầu tôi chụp ảnh về người sắp chết. Năm 21 tuổi, tôi được phân công đứng sau Robert F. Kennedy (RFK) vào hôm ngài bị ám sát. Lần ấy, tôi ở gần đến mức máu của ông bắn cả lên áo tôi. Những bức ảnh được chụp trong trạng thái đẫm nước mắt ấy đã khiến tôi suy sụp suốt 35 năm sau đó.

Nhưng chẳng ai từ chối in nó cả, không giống như cách họ nhìn vào tấm ảnh ngày 11/9. Đã không có ai chối bỏ nó, mà thật khó để hiểu được tại sao. Có lẽ, nó nằm ở thân phận và sự đồng cảm.

RFK bị ám sát, rất nhiều người thương tiếc ông, nhưng ông là một nhân vật lớn. Chúng ta thì khác, đa số chỉ là người bình thường, làm công ăn lương, không phải nhân vật tiếng tăm gì, cũng giống như người đàn ông rơi xuống từ tòa Tháp Đôi.

Tom Junod - tác giả bài viết trên tạp chí Esquire đã phỏng vấn gia đình của một vài nạn nhân để xác định danh tính "Người đàn ông rơi" - người được anh gọi là "chiến binh vô danh 9/11". Junod nhận ra rằng phản ứng của họ rất khác nhau, tùy vào cảm nhận về cái chết. Một số tức giận với ý tưởng thân nhân của họ đã nhảy xuống và chọn cái chết dù còn gia đình. Số khác thì ca ngợi đó là một hành động anh hùng.

Dĩ nhiên, cả hai ý kiến trên đều bỏ qua những thực tế khó chịu, rằng nếu nạn nhân chọn ở lại thì cũng khó sống sót, hay có thể đã buộc phải nhảy xuống vì không thể thở được nữa. Nhưng dù thế nào, danh tính của người này, tôi nghĩ mình đã xác nhận được.

Anh ta là tôi, là bạn, là chúng ta, là bất kỳ ai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại