Ông Trương, 41 tuổi, ở Trung Quốc có tiền sử mắc bệnh gout 20 năm, các khớp của ông thường xuyên đỏ, sưng tấy và đau nhức. Mỗi lần cơn đau ập đến, ông Trương thường sử dụng thuốc giảm đau. Thế nhưng, nếu cơn đau nhẹ hoặc không đau ông Trương sẽ chẳng bận tâm, thậm chí ông còn thường xuyên bỏ thuốc hạ axit uric được bác sĩ kê.
Cách đây không lâu, khi bệnh tình của ông Trương trở nặng, ông mới được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Qua kiểm tra, bác sĩ nhận thấy các khớp tay của ông Trương đã bị biến dạng nghiêm trọng và có nhiều hạt tophi dày đặc. Người nhà của ông Trương cũng cho biết ông đã không thể đi tiểu trong suốt 3 ngày vừa qua.
Bác sĩ nhanh chóng tiến hành các xét nghiệm cần thiết cho ông Trương, kết quả cho thấy creatinin trong máu ở mức rất cao, 730µmol/L, thậm chí chỉ số kali trong máu cũng tăng cao, ở mức 6,8mmol/L. Bệnh nhân gặp biến chứng suy thận nặng cùng với hội chứng tăng urê huyết. Tình trạng của bệnh nhân rất nguy kịch, nguy cơ ngừng tim rất cao.
Bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp giúp bệnh nhân hạ chỉ số kali trong máu, tiến hành điều trị lọc máu. Mặc dù các bác sĩ đã cố gắng cứu chữa nhưng vài giờ sau đó, ông Trương vẫn không qua khỏi.
Bác sĩ cho biết, nguyên nhân khiến ông Trương gặp biến chứng và tử vong là do ông đã mắc 2 sai lầm tai hại. Thứ nhất, ông Trương mắc bệnh gout nhưng lại không uống thuốc điều trị. Thứ hai, ông Trương có các thói quen xấu như ăn uống không lành mạnh, thường xuyên thức khuya. Đây là các nguyên nhân khiến lượng axit uric tăng cao và gây tổn thương đến cơ thể, cuối cùng khiến ông Trương tử vong.
Axit uric tăng cao không được điều trị gây ảnh hưởng thế nào?
Tăng axit uric máu là thuật ngữ y tế dùng để chỉ tình trạng nồng độ axit uric cao trong cơ thể.
Axit uric là một chất thải được tạo ra khi cơ thể tiến hành phân hủy các hóa chất gọi là purine, chất có trong thực phẩm và đồ uống. Hầu hết axit uric hòa tan trong máu, đi qua thận và rời khỏi cơ thể qua đường nước tiểu. Tăng axit uric máu xảy ra khi trong cơ thể có quá nhiều axit uric không được đào thải.
Tăng axit uric máu khiến axit uric kết tụ lại thành tinh thể sắc nhọn. Những tinh thể này có thể lắng đọng trong các khớp và gây ra bệnh gout - một dạng viêm khớp gây đau đớn. Chúng cũng có thể tích tụ trong thận và gây ảnh hưởng tới chức năng thận.
Tăng axit uric máu có thể điều trị bằng thuốc giảm nồng độ axit uric. Đồng thời, người bệnh cần phải thay đổi lối sống và điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh.
Nồng độ axit uric cao không được điều trị cuối cùng có thể dẫn đến tổn thương ở:
- Xương.
- Khớp.
- Gân.
- Dây chằng.
Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối liên hệ giữa nồng độ axit uric cao và các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm:
- Bệnh thận.
- Bệnh tim mạch.
- Huyết áp cao.
- Bệnh tiểu đường.
- Bệnh gan nhiễm mỡ.
- Hội chứng chuyển hóa.
Dấu hiệu nhận biết tình trạng tăng axit uric máu
Tình trạng tăng axit uric máu thường không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, lượng axit uric tăng cao đến mức độ nhất định và gây ra bệnh gout hoặc sỏi thận, chúng có thể gây ra các triệu chứng rõ rệt.
Axit uric tăng cao dẫn đến bệnh gout có thể gây ra các triệu chứng như:
- Đau nhức ở các khớp.
- Các khớp chuyển sang màu đỏ.
- Sưng, nóng, cứng khớp.
Axit uric tăng cao dẫn đến các vấn đề ở thận có thể gây ra các triệu chứng như:
- Đau ở lưng dưới hoặc bên hông.
- Buồn nôn hoặc nôn.
- Sốt hoặc ớn lạnh.
- Đi tiểu ra máu.
- Đau khi đi tiểu.
- Bí tiểu.
- Đi tiểu nhiều hơn bình thường.
Phòng ngừa axit uric tăng cao
Để hạn chế lượng axit uric dư thừa, mọi người nên hạn chế ăn quá nhiều hoặc quá thường xuyên các thực phẩm có hàm lượng purine cao. Chẳng hạn như:
- Thịt đỏ.
- Nội tạng động vật.
- Hải sản.
- Thực phẩm và đồ uống có hàm lượng đường cao.
- Rượu bia.