Cứu người bị nạn vì xã hội còn vô cảm
Đó là ông Tống Văn Thơm (68 tuổi), ngụ đường Lê Văn Khương, quận 12, TP HCM.
Trò chuyện với PV, ông Thơm cho biết, hơn 10 năm trước, trong một lần đi làm thì bị một chiếc ô tô gây tai nạn rồi bỏ trốn. Lúc đó ông bị thương rất nặng, cầu cứu mọi người xung quanh giúp đỡ nhưng nhiều người nhìn vô cảm, không có động thái nào hỗ trợ.
"Trong lúc bị tai nạn, có người thờ ơ nhưng cũng có một số người nghĩa hiệp giúp tôi sơ cứu vết thương, gọi xe cấp cứu. Trong thời chữa trị, tôi cảm giác thấy xã hội còn vô cảm trước những người bị tai nạn trên đường, nếu ai đó tốt bụng thì đời sẽ đẹp biết bao.
Thế là sau khi chữa trị khỏi, tôi bắt đầu nhen nhóm công việc cứu giúp người bị nạn", ông Thơm nói lý do đưa mình đến công việc cứu người.
Chiếc xe máy có ngăn đựng đầy đủ dụng cụ cứu thương của ông Thơm.
Theo người đàn ông gần 70 tuổi, ông đã bỏ tiền ra để độ chiếc xe máy có ngăn chứa dụng cụ cứu thương là bông băng, nước sát trùng, băng gạc.
"Các dụng cụ cứu thương đơn giản thì tôi đến bệnh viện trên địa bàn TP HCM xin. Khi tôi trình bày lý do muốn sơ cứu người bị tai nạn nếu vô tình gặp phải, các bệnh viện, trung tâm y tế giúp đỡ nhiệt tình", ông Thơm kể.
Là người nhặt rác, ông có học qua trường lớp nào về sơ cứu người bị nạn không? Ông Thơm cười nói: "Đúng là tôi chỉ học đến lớp 3 và đi nhặt rác hơn 20 năm rồi. Tôi được cái trời cho là hay mày mò nên sáng tạo được rất nhiều dụng cụ hữu ích phục vụ cho công việc.
Về việc sơ cứu vết thương, số là trước đây tôi đi bộ đội nên có học qua. Chính vì tôi có một số kiến thức căn bản, có thể sơ cứu nên mọi người có thể an tâm".
Ông Thơm chia sẻ với PV.
Hàng ngày ông Thơm dậy lúc 6h, ăn uống và bắt đầu công việc đi nhặt rác từ quận 12 lên quận 5 khoảng 15km. Trên đường đi, ông Thơm gặp trường hợp nào gặp tai nạn giao thông thì đều dừng lại để giúp. Những trường hợp nào nặng thì người nhặt rác này gọi xe cấp cứu.
Ông chia sẻ: "Tôi đã làm công việc này hơn 10 năm và sơ cứu hàng trăm ca tai nạn giao thông. Dù bất cứ ngày đêm trên đường đi làm hay có người gọi thì tôi đều sẵn sàng chạy tới. Một số ca nặng quá thì tôi gọi xe cấp cứu đưa họ đến bệnh viện".
Cứu người giữa đường bị vu oan là cướp
Theo ông Thơm, khi bắt đầu công việc vừa nhặt rác vừa cứu giúp người bị tai nạn thì vợ con phản đối. Theo thời gian, dần chứng kiến những việc của ông làm, người dân cảm ơn, thấy niềm vui của ông thì vợ con mới dần đồng cảm và ủng hộ.
Chính được sự động viên của gia đình đã "hun đúc" cho ông Thơm thêm động lực giúp đỡ mọi người xung quanh.
Hơn 10 năm cứu người, có kỷ niệm nào thật đáng nhớ với ông không? Ông Thơm chia sẻ, ngoài lời cảm ơn thì ông cũng bị vu là ăn trộm, ăn cướp, lợi dụng cứu người để làm bậy.
Ông Thơm đã cứu chữa hàng trăm vụ tai nạn trên đường đi nhặt rác.
"Khi nghe mọi người chửi, vu tôi ăn trộm, ăn cướp thì rất buồn. Tuy nhiên nghĩ lại mình không thể vô cảm được, sống phải có cái tâm, không thể thấy tai nạn mà ngó lơ, họ nghĩ gì kệ họ.
Tôi luôn nghĩ rằng mình giúp gì cứ giúp, mặc dù là chuyện nhỏ. Có nhiều trường hợp cho tiền nhưng tôi không bao giờ lấy, tôi làm hoàn toàn miễn phí, cũng không cần họ phải cảm ơn", ông nói.
Người nhặt rác này kể, ông còn nhớ vào đầu tháng 2/2018, có 1 vụ tai nạn ở cầu vượt ngã sáu Gò Vấp. Ông chạy đến dựng xe rồi sơ cứu băng bó cho một người bị tai nạn giao thông.
"Nhiều người chứng kiến hỏi tôi là ai, đến từ tổ chức nào lại cứu người bị tai nạn. Có người còn nghi ngờ bảo, có phải lợi dụng sơ cứu ăn trộm hay không? Tôi trả lời rằng, tôi là một người dân bình thường, muốn giúp đỡ người bị nạn bằng cái tâm trong sáng. Nghe vậy mọi người cười vui vẻ, cùng vào giúp đỡ", ông cười nói.
Ông Thơm và chiếc xe cứu thương rong ruỗi trên đường.
Nói về mong muốn của mình, ông Thơm cho biết, sẽ tiếp tục công việc cứu người đến khi nào sức khỏe yếu đi mới nghĩ tới dừng lại. Trong tương lai, ông cũng mong muốn thành lập 1 nhóm chuyên đi cứu thương, hỗ trợ mọi người gặp nạn.