Thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao xảy ra tại địa bàn Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung diễn biến ngày càng phức tạp, với nhiều hình thức tinh vi hơn, số nạn nhân bị lừa đảo ngày càng tăng cao, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản và bức xúc, lo lắng trong Nhân dân. Các đối tượng dùng chiêu trò đánh vào tâm lý, đặc biệt đánh vào lòng tham của con người để lừa đảo. Vì vậy, người dân phải hết sức thận trọng, lắng nghe khuyến cáo từ các cơ quan chức năng và luôn tâm niệm rằng những đồng tiền đến càng dễ thì khả năng chỉ là những miếng mồi trong bẫy chuột…
Dù cơ quan chức năng đã cảnh báo nhiều nhưng vẫn có không ít người vẫn “sập bẫy lừa”trên mạng.
Thực tế cho thấy, đã có không ít người dân bị lừa đảo bởi các đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao, mặc dù cơ quan chức năng các địa phương liên tục tuyên truyền, cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo bằng nhiều hình thức như: Phát tờ rơi, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền thông qua báo đài, zalo, facebook… nhưng số nạn nhân vẫn nhiều thêm.
Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 27/10, anh M.V.H (45 tuổi), trú phường An Khê nhận cuộc gọi từ số điện thoại 0899.164.308 của người tự xưng là “Lê Anh Tài”, công tác tại Chi cục Thuế quận Thanh Khê. Đối tượng yêu cầu anh H. kết bạn Zalo để hướng dẫn khai báo thuế. Sau khi kết bạn, đối tượng gửi một đường link Viettin.CC và hướng dẫn anh H. truy cập vào để thực hiện các thao tác chứng minh trong tài khoản có đủ vốn điều lệ.
Anh H. sau đó chuyển tiền vào 02 tài khoản ngân hàng do mình đứng tên, mỗi lần thực hiện chuyển tiền, ngân hàng đều yêu cầu anh H. quét khuôn mặt để thực hiện hồ sơ. Đến lần chuyển tiền thứ 4, anh H. mới phát hiện điện thoại của anh bị người khác điều khiển từ xa. Hậu quả số tiền 250 triệu đồng anh chuyển vào tài khoản đều bị “rút ruột”.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, với nhiều phương thức lừa đảo, bọn tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo nhanh chóng và khi bị phát hiện thì ít để lại dấu vết. Điểm chung của hầu hết các vụ việc lừa đảo bằng công nghệ cao là các đối tượng thu thập được thông tin cá nhân của nạn nhân như tên tuổi, ngày sinh, số căn cước, thông tin tài khoản ngân hàng...
Các thông tin này do nạn nhân sơ ý để lộ, hoặc các đối tượng tự thu thập được. Sau khi lấy được thông tin cá nhân, các đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh cơ quan, tổ chức liên hệ với chủ thể của thông tin để đề nghị chuyển tiền, yêu cầu cài đặt app qua đường link có chứa mã độc. Mặt khác, các đối tượng còn làm giả trang web của cơ quan, tổ chức, làm giả các sàn giao dịch điện tử cũng với mục đích chiếm đoạt tài sản.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (gọi tắt là Phòng An ninh mạng), Công an thành phố Đà Nẵng cho rằng, tội phạm công nghệ cao hiện nay có những diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi, khó nhận biết hơn.
Thời gian qua, tội phạm công nghệ cao tiếp tục gia tăng, với nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới nổi lên, bao gồm sử dụng phần mềm Deepfake tạo video giả mạo người thân hoặc cán bộ cơ quan Nhà nước, dùng trạm phát sóng giả phát tán tin nhắn, dùng dữ liệu cá nhân mua bán trái phép để tạo danh tính giả...
Trước thực trạng này, Phòng An ninh mạng khuyến cáo người dùng Internet cẩn trọng khi truy cập các website khi chưa tìm hiểu kỹ thông tin để tránh “tiền mất tật mang”. Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần tự bảo vệ mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình.