Người đàn ông co giật, méo miệng sau khi ăn 1 món khoái khẩu, tưởng an toàn nhưng hại không ngờ

Ngọc Minh |

Nhiều người thích ăn tiết canh vì nghĩ rằng nó làm mát cơ thể. Tuy nhiên, không ít người phải nhập viện do món ăn khoái khẩu này..

Nội dung chính:

- Một người đàn ông co giật, méo miệng sau khi ăn tiết canh.

- Chuyên gia cảnh báo nguy cơ khi ăn tiết canh.

Đang điều trị tại bệnh viện Đặng Văn Ngữ do mắc ấu trùng sán não, anh N.Đ.N. (tại Hải Dương) cho biết vì một món ăn mà anh phải nằm viện điều trị.

Anh N. chia sẻ vào mỗi dịp đầu tháng, anh cùng bạn bè thường rủ nhau đi ăn tiết canh để "lấy may". Khi đó, mọi người thường bảo nhau: “Cứ vắt chanh vào thì mọi vi khuẩn, sán đều chết hết”. Do vậy, anh N. vẫn đinh ninh việc vắt chanh vào tiết canh sẽ giúp diệt vi khuẩn và sán nên anh ăn vô tư, không hề lo ngại nguy cơ bệnh tật.

Tới khi anh N. bị co giật, méo miệng, gia đinh tưởng đột quỵ đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, chụp CT cho thấy tổn thương não có liên quan tới ấu trùng sán. Anh N. được chuyển tới bệnh viện Đặng Văn Ngữ để tiếp tục điều trị.

Ảnh minh họa.

Bác sĩ Phùng Xuân Hách, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cho biết vắt chanh vào tiết canh khó có thể diệt được vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng có trong máu của động vật. Có những loại vi khuẩn chỉ chết ở nhiệt độ 120 độ C trong 30 phút.

Chanh có tính kháng khuẩn cao nhờ hàm lượng axit citric nhưng chỉ có khả năng giảm số lượng vi khuẩn trên bề mặt thực phẩm, không đủ mạnh để giết chết hoàn toàn vi khuẩn gây hại trong món ăn. Cách duy nhất có thể tiêu diệt ký sinh trùng là nấu chín thực phẩm.

Nguy cơ khi ăn tiết canh

Bác sĩ Hách khuyến cáo hiện nay nhiều người cho rằng ăn tiết canh từ con vật nhà nuôi sẽ không có sán, vi khuẩn… Tuy nhiên, thực tế trong chăn nuôi, chúng ta rất khó có thể kiểm soát nguy cơ. Do vậy, ăn tiết canh từ con vật gia đình tự chăm sóc vẫn có nguy cơ nhiễm sán.

Trên thực tế, bệnh viện Đặng Văn Ngữ đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhiễm ký sinh trùng đều khẳng định ăn đồ ăn sạch, ăn tiết canh từ con vật nhà tự chăm sóc.

Trường hợp bệnh nhân C.V.T. (tại Sơn La) đang điều trị sán não tại bệnh viện là ca bệnh điển hình. Anh T. cho biết chỉ ăn tiết canh từ lợn, vịt, trâu… do nhà tự làm. Đặc biệt, các con vật trên cũng do gia đình anh tự nuôi. Anh T. không hề ăn tiết canh bên ngoài. Khi nhập viện do co giật, yếu liệt, anh T. mới biết nguyên nhân mắc sán não là ăn tiết canh.

Các chuyên gia khuyến cáo tiết canh không phải là món ăn dinh dưỡng và chữa bệnh như nhiều người lầm tưởng. Ăn tiết canh có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật.

Người ăn tiết canh có nguy cơ bị nhiễm liên cầu lợn, sán, giun, vi khuẩn (tả, lị) và một số loại vi rút.

Để phòng ngừa nhiễm sán, bác sĩ Hách khuyên người dân nên giữ môi trường sống sạch sẽ, ăn uống hợp vệ sinh, không ăn thức ăn chưa nấu chín như gỏi cá, tiết canh, luôn rửa tay sạch với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra, người dân cần hạn chế thả rông lợn, nếu nuôi lợn phải tuân thủ những quy trình xử lý phân, ngăn cách địa điểm nuôi với môi trường sống; tẩy giun sán định kỳ.

Trường hợp ăn đồ ăn sống, khi thấy trong người có các biểu hiện như đau nhức đầu liên tục, chóng mặt, mất ngủ, người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại