Tại làng Kiệu Sơn, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, có một ngôi nhà nổi tiếng, độc nhất vô nhị. Ngôi nhà vừa là tác phẩm nghệ thuật vừa là nơi thỏa chí đam mê đồ cổ của ông Nguyễn Văn Trường (62 tuổi).
"Gã nông dân" này nghèo rớt nhưng vì đồ cổ mà sẵn sàng bán thóc, cắm sổ đỏ, ứng tiền làm thuê rồi vất vả ngược sông Hồng gom nhặt.
"Dị nhân" sưu tầm đồ cổ để... trang trí
Ông Trường đã dùng hơn 10.000 chiếc đĩa cổ và một tấn tiền xu để trang trí cho ngôi nhà rộng hơn 100m2 của mình. Ông bảo làm như thế để bảo tồn những giá trị lịch sử của những món đồ cổ theo một cách không giống ai.
Từ năm 1990, ông Trường quyết định bắt tay vào dự án "có một không hai" này - xây dựng một không gian sống tràn ngập nghệ thuật từ những mảnh đồ cổ. Cho đến nay, chủ nhân ngôi nhà vẫn tiếp tục xây dựng và chưa có ý định dừng lại.
Ông Trường và ngôi nhà được trang trí bằng đồ cổ của mình
Các mảnh ghép trên tường, trần nhà và sân nhà không chỉ là sản phẩm sưu tầm mà còn là tác phẩm nghệ thuật, là sự kết hợp hài hòa giữa quá khứ và hiện tại.
Có những chiếc vẫn nguyên vẹn, nhưng cũng có những chiếc đã vỡ, các loại đĩa này mang đậm dấu vết của thời Lê, Nguyễn, cách đây hàng trăm năm. Mỗi chiếc đều là một khoảnh khắc lưu giữ và có giá trị di sản văn hóa.
Tường rào, bậc thềm nhà và hòn non bộ cũng được tạo ra từ những chiếc đồng xu do ông Trường sưu tầm. Không gian sống độc đáo này không chỉ thu hút ánh nhìn tò mò của du khách mà còn là nơi ông Trường thỏa niềm đam mê của mình.
Những chiếc đĩa cổ và những đồng xu được ông Trường gắn lên tường và thềm nhà.
Để sưu tầm những món đồ này, ông Trường phải đi qua các tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên, Yên Bái, Lào Cai..., rồi tìm cách thuyết phục để mua được thứ mình tìm.
Cái duyên sưu tầm đồ cổ của ông xuất phát từ năm 1989, khi đó ông xuất ngũ và làm nghề sơn bàn ghế kiếm sống. Rồi một ngày ông gặp một người sưu tầm đồ cổ trong huyện. Cùng hàn huyên tâm sự, ông như bị cuốn vào thế giới của những món đồ cổ của người bạn kia.
"Tôi đi sơn bàn ghế cho một ông trùm buôn đồ cổ trong vùng. Nhà ông ấy có vô vàn đồ cổ đẹp, ngắm không biết chán. Ông ấy bảo tôi có cơ hội đi nhiều thì để ý xem nhà ai có đồ cổ thì mua lại bán cho ông ấy. Lúc đó tôi đã say mê đồ cổ rồi, bán nó chẳng khác nào bán đi những giá trị văn hóa của dân tộc", ông cho hay.
Một cách bảo tồn di sản... khác người
Dù phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, ông Trường vẫn luôn dành hết tâm huyết và tiền bạc cho đam mê của mình. Thậm chí, ông đã phải vay mượn tiền từ bạn bè để mua những chiếc đĩa, bát mà ông thích. Vợ ông nhiều lần bực tức vì tiền nhà không có, tiền ăn không có nhưng lúc nào ông cũng tích góp tiền hoặc đi vay để sưu tầm những thứ bà cho là "vô bổ". Sau này khuyên mãi không được, bà đành tặc lưỡi và "kệ" ông.
Vì tình yêu đối với đồ cổ, ông đã quyết định cầm sổ đỏ để vay 8 triệu đồng với lãi suất cao. Sau 7 năm, số tiền này đã tăng lên hơn 30 triệu đồng. Thương bố, con trai ông phải đứng ra để trả giúp khoản nợ này.
"Hành trình thu thập đồ cổ của tôi đầy khó khăn. Trong cái nắng chang chang, tôi cuốn mình trên những bãi cát sỏi, tìm kiếm từng mảnh gốm xưa, những chiếc khuy, đồng xu, xèng cũ – tất cả đều có giá trị với tôi. Không chỉ là việc nhặt lượm, tôi còn thường xuyên trò chuyện với người dân địa phương và mua lại những vật phẩm có giá trị", ông Trường chia sẻ.
Không quan tâm tới giá trị vật chất, ông Trường chỉ mong muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa của đất nước. Đối với ông, mỗi hiện vật cổ đều có hồn và chứa đựng nét văn hóa, lịch sử của một xã hội. Dù bị gọi là "khùng", ông Trường vẫn tự hào với sự khác biệt của mình. Ông không giàu có nhưng lại sở hữu một công trình độc đáo mà không ai có thể so sánh được.