Bài viết là lời chia sẻ của một người đàn ông đăng tải trên Toutiao.
Quê tôi ở vùng Giang Tây (Trung Quốc). Bố mẹ tôi kiếm sống bằng nghề trồng cây ăn quả, rồi đem bán hoa quả ở chợ nông sản tại thị trấn. Thu nhập gia đình không cao, phải sống tằn tiện. Mỗi năm, gia đình tôi chỉ tiết kiệm được 10.000 NDT (khoảng 33 triệu đồng).
Tôi học đại học ở Nam Xương, sau khi tốt nghiệp, tôi ở lại làm việc được 2 năm. Tôi cảm thấy mức lương thưởng tăng ít nên sau đó quyết định tới Thượng Hải. Dù gì ở Thượng Hải cũng có nhiều công ty lớn, mức lương cao hơn nhiều. Tôi được nhận vào làm việc tại một công ty công nghệ lớn với hơn 3000 nhân viên.
Do giá nhà đất ở Thượng Hải quá cao nên tôi không thể mua được nhà bằng số tiền tiết kiệm ít ỏi. Vì thế, tôi thuê một căn hộ 2 phòng ngủ, 1 phòng khách rộng hơn 70m2 tại một khu dân cư cũ cho vợ con ở. Tiền thuê nhà hàng tháng là 3000 NDT (khoảng 9,9 triệu đồng).
Cuộc gặp mặt bạn cũ giúp nảy ý tưởng kinh doanh
Vào đầu năm nay, tình cờ tôi gặp lại một người bạn cũ. Sau một hồi trò chuyện, tôi biết người bạn đang kinh doanh tái chế quần áo cũ tại Nam Kinh, công việc khá thuận lợi và cậu bạn đã mua được 2 căn nhà. Thấy bạn làm ăn phát đạt, trong đầu tôi nảy ra ý định kiếm tiền bằng công việc này ở Thượng Hải.
Người bạn đó chia sẻ, việc tái chế quần áo cũ nghe có vẻ đơn giản nhưng thực chất khá phức tạp, tính chất công việc vất vả và sự cạnh tranh không hề nhỏ. Nhưng tôi vẫn quyết tâm sẽ làm. Tôi đến Nam Kinh – nơi bạn sinh sống 1 tuần để học nghề của bạn.
Nắm bắt thời cơ, người đàn ông quyết định nghỉ việc công ty để ra ngoài kinh doanh. (Ảnh minh hoạ)
Sau đó, tôi về Thượng Hải viết đơn xin nghỉ việc, bắt đầu hành trình khởi nghiệp đầy gian nan. Tôi thành lập một công ty nhỏ chuyên tái chế quần áo cũ. Bố mẹ biết chuyện này, họ phản đối gay gắt, chê trách tôi rất nhiều. “Công việc của con đã ổn định, thu nhập lại không quá thấp, trong tương lai có cơ hội thăng tiến, vậy tại sao con lại nghỉ việc”, mẹ đã nói với tôi như vậy.
Còn bố tôi thì cho rằng, ngay cả khi muốn thay đổi công việc cũng nên cân nhắc làm việc tại công ty lớn hơn để có tương lai tươi sáng, chứ không nên khởi nghiệp – một quyết định có tỷ lệ rủi ro cao.
Nhưng tôi có suy nghĩ riêng cho mình. Mặc dù đi làm vài năm, thu nhập khá ổn định nhưng tôi vẫn chẳng tiết kiệm được bao nhiêu. Sau khi trừ đủ loại chi phí hàng tháng, gia đình tôi gần như chẳng tiết kiệm được đồng nào, thậm chí còn có tháng âm. Tôi thấy nếu cứ duy trì công việc như vậy thì việc mua được nhà và xe rất khó. Thêm nữa, con cái tôi sẽ phải lớn, đến tuổi đi học, lúc đó còn rất nhiều khoản phải chi tiêu.
Trong công ty cũ còn nhiều nhân viên có trình độ học vấn cao hơn tôi. Vì thế, dù tôi có chăm chỉ trong vài năm nữa cũng chưa chắc được thăng chức, tăng lương. Tiếp theo xét cho cùng, Thượng Hải là một thành phố lớn, thu nhập bình quân đầu người cao, ngay cả những người làm công ăn lương bình thường hàng năm cũng phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua quần áo mới. Vì vậy, nghề tái chế quần áo cũ sẽ có triển vọng thị trường rộng mới.
(Ảnh minh hoạ)
Tôi quyết tâm mua một chiếc xe tải cũ để chở hàng. Mỗi sáng, tôi ra khỏi nhà lúc 7 giờ và trở về sau 10 giờ tối. Tôi tới các khu chợ khác nhau, thu gom số lượng lớn quần áo cũ. Sau này, tôi thuê một nhà xưởng cũ rộng hơn 100m2 ở vùng ngoại ô hẻo lánh. Tuy công việc vất vả nhưng lợi nhuận không hề thấp.
Đến kỳ nghỉ hè, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp thường vứt bỏ nhiều quần áo cũ. Đó là lý do tôi thường đến các trường học để thu gom hàng. Đôi khi, hàng tấn quần áo cũ có thể được tái chế chỉ trong 1-2 ngày.
Ngoài ra, mỗi khi sinh viên tốt nghiệp, nhiều toàn nhà ký túc xá bị bỏ trống. Khi dọn dẹp những toà nhà này thường có rất nhiều quần áo cũ, từ hàng chục đến hàng trăm cân.
Sau nửa năm làm việc, tôi đã kiếm được khoảng 200.000 NDT (khoảng 662 triệu đồng). Dù bây giờ chỉ là bước khởi đầu nhưng tôi tự tin rằng với sự nỗ lực của bản thân, tôi có thể khiến cuộc sống gia đình trở nên đủ đầy, sung túc hơn.
Nguồn: Toutiao