Anh Đặng Ngọc Mai (28 tuổi, ở Hà Nội) muốn chấm dứt cuộc hôn nhân chưa đầy 2 năm của mình khi vừa đón con gái đầu lòng được 3 tháng. Không phải vì hết yêu thương vợ con, hay có mối quan hệ ngoài luồng mà tinh thần của anh mệt mỏi đến mức “chẳng thiết sống”.
Anh Mai và vợ quen rồi yêu nhau qua bạn bè giới thiệu, tình cảm hai bên tốt đẹp và có nhiều điểm tương đồng nên tiến tới hôn nhân. Mới đầu hai vợ chồng thuê trọ ở riêng, nhưng từ khi vợ đẻ, để có điều kiện chăm sóc tốt nhất cho vợ con anh chị quyết định chuyển về nhà bố mẹ ở. Cuộc sống "ác mộng" của anh cũng bắt đầu từ đây.
Vợ anh Mai sinh hạ một bé gái kháu khỉnh trong niềm hạnh phúc của hai bên nội ngoại, nhưng hạnh phúc này không kéo dài được lâu thì xung đột liên tục tìm đến.
Con nhỏ quấy khóc cả đêm, anh và vợ phải thức trông. Giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn anh Mai luôn trong trạng thái uể oải, đi làm mất tập trung, thường bị sếp trách mắng. Về đến nhà lại phải chứng kiến cảnh mẹ chồng nàng dâu xung đột, bất đồng quan điểm trong việc nuôi con.
Vợ anh bày tỏ sự khó chịu, phàn nàn về mẹ chồng, cũng như cuộc sống ở nhà chồng. Trong khi mẹ anh lại tìm đến con trai để kể xấu về sự vụng về của con dâu.
Hết an ủi vợ lại đến động viên mẹ, chẳng ai trong nhà quan tâm đến cảm xúc của anh. Đứng giữa mối quan hệ của vợ và mẹ, cộng thêm áp lực công việc, không ngủ đủ giấc anh Mai stress, không muốn về nhà, thậm chí sợ tiếng khóc của con gái.
Tính cách của vợ anh sau sinh cũng thay đổi chóng mặt, dù lường trước được nhưng khi đối mặt, người đàn ông vẫn không dám tin đây là vợ mình.
Có lần bận rộn công việc cơ quan, anh quên lời vợ nhắn mua chè khi đi làm về, mà chị không tiếc lời trách mắng anh. Anh nói lời xin lỗi và hứa sẽ mua bù vào ngày hôm sau nhưng chị không nghe. Ngày hôm ấy anh phải làm rất nhiều việc ở cơ quan, còn bị sếp trách phạt vì đi làm muộn do tối hôm trước thức trông con cả đêm.
"Tôi thật sự quá mệt mỏi, tôi tự hỏi thật sự bản thân có mong muốn cuộc sống như vậy không” , anh Mai nói và chia sẻ muốn kết thúc cuộc sống hôn nhân để trả lại bình yên cho vợ con, mẹ và chính mình. Giờ đây mỗi lần về nhà anh cảm giác như bước vào địa ngục.
Theo TS Ngô Thị Thanh Hương, chuyên ngành tâm thần Viện Ứng dụng công nghệ y tế, phụ nữ sinh con sẽ có nhiều thay đổi về mặt sinh học như hormone thay đổi hay những áp lực chăm sóc con cái, các mối quan hệ xung quanh, thay đổi thói quen sinh hoạt, môi trường khiến phụ nữ dễ bị áp lực, dẫn đến stress và trầm cảm.
Đối với nam giới, vấn đề sinh học không thay đổi, nhưng những ông bố cũng trải qua chịu áp lực không nhỏ khi cùng chăm sóc con. Không phải đa số nhưng nam giới cũng có thể gặp tình trạng trầm cảm sau sinh.
"Nhắc đến trầm cảm sau sinh, nhiều người cho rằng chỉ phụ nữ mới gặp tình trạng này, thực tế nam giới cũng bị nhiều ảnh hưởng tâm lý sau khi em bé chào đời" , bác sĩ Hương nói.
Tỷ lệ trầm cảm ở nam giới sau khi vợ sinh con có thể rơi vào 7-8%. Bên cạnh đó, tỷ lệ trầm cảm ở nam giới còn tùy thuộc vào tình trạng của vợ con. Nếu tình trạng của vợ và con sau sinh không tốt thì tỷ lệ trầm cảm ở nam giới còn cao hơn nhiều.
Nam giới luôn có tâm lý mình là trụ cột gia đình, nên khi có những sự việc không như ý muốn, họ thường đổ lỗi cho bản thân rằng sao tôi không làm tốt hơn cho vợ con tôi. Nhiều gia đình nam giới còn phải chịu áp lực về gánh nặng kinh tế trong thời kỳ vợ nghỉ thai sản, mâu thuẫn giữa mẹ chồng, nàng dâu, điều đó cũng khiến họ áp lực dẫn tới gặp vấn đề về tâm lý.
Vị chuyên gia cho biết, trạng thái tâm lý của nam giới rất khác. Họ luôn thể hiện nam tính, mạnh mẽ, không được khóc, không được thể hiện cảm xúc, đây cũng chính là rào cản khiến nam giới khó tìm được sự trợ giúp. Hệ lụy kéo theo là những rối loạn cảm xúc, trầm cảm.
Do định kiến giới còn khá nặng nề, nam giới ít tìm đến sự trợ giúp khi mắc trầm cảm. Hệ lụy ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hôn nhân gia đình. Bác sĩ Hương khuyến cáo khi nhận thấy những bất thường về cảm xúc, cả hai vợ chồng cần được tham vấn tâm lý mới có thể cải thiện tình trạng tốt nhất.