Thay vì những cặp kính cận vướng víu trước đây, ngày nay nhiều bạn trẻ lựa chọn kính áp tròng vì nó tiện lợi và thời trang hơn. Tuy nhiên, họ không biết rằng nếu sử dụng kính áp tròng không đúng cách có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường cho đôi mắt.
The World of Buzz đưa tin, mới đây chị Christina Wei người Malaysia đã chia sẻ trên Facebook cá nhân những trải nghiệm đáng sợ của chính chồng mình sau khi sử dụng kính áp tròng trong một thời gian dài.
Được biết, chồng chị Christina đã phải nằm viện điều trị mất 3 ngày vì bị nhiễm trùng mắt nặng do sử dụng kính áp tròng không đúng cách.
"Chúng ta đã đọc rất nhiều về tầm quan trọng của việc vệ sinh kính áp tròng cũng như những cảnh báo không nên đeo kính khi đi ngủ vì việc làm đó có thể dẫn tới nhiễm trùng mắt nhưng chúng ta lại không nghiêm túc thực hiện", Christina cho biết.
Theo Christina, nhãn cầu chồng cô bị nhiễm trùng và sưng to sau khi anh ấy ngủ quên mà vẫn đeo kính áp tròng. Một vài ngày sau, trong lúc đeo kính vào, chồng chị lại làm tổn thương bên mắt đã bị sưng lên một lần nữa.
Sau đó, hai vợ chồng Christina đã tới bác sĩ đã khoa để khám và được bác sĩ kê cho một loại thuốc mắt để nhỏ. Thế nhưng, bên mắt bị nhiễm trùng không đỡ mà thậm chí còn tiến triển nặng hơn. Hai vợ chồng vội vàng tìm tới một bác sĩ chuyên khoa mắt nhưng đã quá muộn.
Bác sĩ chuyên khoa mắt cho hay mắt phải của anh đã bị nhiễm trùng quá nặng và tạm thời không thể nhìn thấy nữa. Loại thuộc nhỏ mắt mà bác sĩ đa khoa kê cho anh lúc trước có chứa steroid, vô tình đẩy nhanh sự phát triển của vi khuẩn ở trong mắt.
Nếu tình trạng tiến triển tồi tệ hơn, chồng chị Christina sẽ phải làm phẫu thuật để thay giác mạc.
Mặc dù đã được ra viện nhưng chồng chị Christina vẫn chưa thể khôi phục thị lực do tổn thương quá nặng. Bác sĩ chỉ có thể đánh giá đúng về thị lực của bệnh nhân và đưa ra quyết định liệu có phải phẫu thuật giác mạc hay không khi anh ta hồi phục hoàn toàn.
Qua câu chuyện của người đàn ông Malaysia nói trên, chắc hẳn các bạn trẻ thích dùng kính áp tròng để đổi màu mắt cho thời trang hoặc những người có thói quen dùng kính áp tròng nói chung đã rút ra được bài học cho chính mình.
Ý kiến chuyên gia về những sai lầm người dùng hay mắc phải
Giác mạc là lớp màng mỏng trong suốt nằm ngoài cùng của nhãn cầu, giúp ánh sáng đi qua và hội tụ ở đáy mắt để chúng ta có thể nhìn thấy mọi vật xung quanh. Đó cũng là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất trên cơ thể nên rất dễ bị tổn thương.
Theo giảng viên chuyên khoa mắt Sara Downes, O.D., thuộc trường Đại học Minnesota kiêm bác sĩ tại Phòng khám mắt Trẻ em Minnesota Lions, đeo kính áp tròng và vệ sinh kính áp tròng không đúng cách là một trong những nguy cơ chủ yếu gây viêm giác mạc.
Báo cáo mới đây nhất của Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tiết lộ trung bình mỗi năm người Mỹ phải tới bác sĩ gần 1 triệu lần để chữa các bệnh về nhiễm trùng mắt với tổng chi phí là 175 triệu USD.
Bác sĩ Downes cũng cho biết có 4 sai lầm mà những người đeo kính áp tròng thường hay mắc phải dẫn tới viêm giác mạc và tư vấn cách để phòng tránh những nguy cơ đó:
1. Không vệ sinh kính áp tròng đúng cách:
Theo các chuyên gia, có một loại ký sinh trùng đơn bào với tên gọi Acanthamoeba thường được tìm thấy trong nước máy, bụi, ngoài biển và các bể bơi. Thức ăn của chúng chính là những vi khuẩn tồn tại trong kính áp tròng bẩn.
Do đó, nếu không vệ sinh triệt để, Acanthamoeba sẽ sinh sôi nảy nở và ăn mòn giác mạc, gây ra các triệu chứng ngứa rát, sưng phồng mí, đau mắt, giảm thị lực và có thể dẫn tới mù lòa. .
Bác sĩ Downes khuyến cáo người dùng nên rửa kính thật cẩn thận bằng dung dịch chuyên dụng trước khi ngâm. Bên cạnh đó, nước ngâm kính áp tròng cũng nên được thay hàng ngày bởi vi khuẩn cũng phát triển ngay cả trong hộp đựng kính.
2. Sử dụng kính áp tròng ở dưới nước
Tránh sử dụng kính áp tròng khi bơi ở ao hồ, bể bơi, bồn tắm nước nóng và ngay cả khi đi tắm.
"Vi khuẩn trong nước có thể bám vào mắt kính và xâm nhập ăn mòn giác mạc của người dùng. Đây cũng chính là lý do tại sao không nên rửa kính áp tròng bằng nước máy bình thường mà phải dùng dung dịch rửa kính chuyên dụng", bác sĩ Downes cho biết.
3. Đeo kính áp tròng đi ngủ
Đeo kính áp tròng qua đêm có thể khiến mắt thiếu oxy và làm khô giác mạc, khiến mắt dễ bị tổn thương và viêm nhiễm.
4. Không rửa tay sạch sẽ
Người dùng phải nhớ rửa tay sạch sẽ trước khi đeo và tháo kính áp tròng nếu không vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập và ăn mòn giác mạc.
Hãy nhớ rằng tay chính là nơi tập trung rất nhiều loại vi khuẩn. Chính vì vậy, trước khi đeo và tháo kính áp tròng, người dùng phải rửa tay thật sạch sẽ. Nếu không vi khuẩn trên các ngón tay sẽ xâm nhập trực tiếp vào mắt bạn và gây viêm giác mạc.
"Nhiễm khuẩn có thể lan rất nhanh. Đôi khi, mọi việc có thể trở nên tồi tệ chỉ trong vòng 24 đến 48 giờ mà thôi. Vì vậy, nếu sử dụng kính áp tròn, người dùng phải giữ gìn vệ sinh thật cẩn thận và tuyệt đối tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ", bác sĩ Downes cho biết.