Người đàn ông bị bỏng nặng chỉ vì vắt chanh rồi đi đá bóng: Tại sao 2 điều vô hại kết hợp với nhau, lại thành ra có hại?

Thanh Long |

Nhiều người khác cũng có thói quen treo tinh dầu cam quýt trong xe hơi, không biết rằng chúng có thể gây bỏng.

Trong một bài báo mới đăng tải trên Tạp chí Y học New England ngày hôm nay, một nhóm các bác sĩ đến từ Bệnh viện Quân y Mike O'Callaghan ở Nevada, Hoa Kỳ đã báo cáo về một trường hợp hi hữu, trong đó, một người đàn ông 40 tuổi đã bị bỏng nặng chỉ vì vắt chanh rồi đi đá bóng.

Ảnh chụp cho thấy hai bàn tay của anh ấy bị bỏng rát nghiêm trọng, với các mảng da bị tổn thương đỏ ứng, sau đó vài ngày trở nên phồng rộp và tích nước. Phải mất tới vài tuần điều trị, vết thương của ông ấy mới đóng vảy. Sau vài tháng, da trên bàn tay của anh ấy mới hồi phục hoàn toàn.

Nhưng tại sao hai việc tưởng chừng vô hại và chẳng liên quan đến nhau như vắt chanh rồi đi đá bóng lại có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy?

Người đàn ông bị bỏng nặng chỉ vì vắt chanh rồi đi đá bóng: Tại sao 2 điều vô hại kết hợp với nhau, lại thành ra có hại?- Ảnh 1.

Bác sĩ Charles Kent Miller, tác giả nghiên cứu đến từ Bệnh viện Quân y Mike O'Callaghan cho biết trường hợp của bệnh nhân này được gọi là Phytophotodermatitis, có nghĩa là " viêm da gây ra bởi ánh sáng và thực vật".

Đây là một phản ứng viêm xảy ra do da tiếp xúc vưới các tác nhân thực vật nhạy cảm với ánh sáng như nước cốt chanh, sau đó phản ứng bị kích thích dưới ánh sáng Mặt Trời, chứa tia cực tím UV-A. Hậu quả là da sẽ bị ban đỏ, phù nề, nổi bọng nước giống như bỏng và cuối cùng là thâm đen do sự gia tăng sắc tố.

Đối với người đàn ông 40 tuổi ở Nevada, anh ấy được cho là đã vắt hơn một chục quả chanh để làm nước uống. Nước chanh sau đó đã tiếp xúc với hai bàn tay của anh ấy. Người đàn ông đã không rửa sạch tay, rồi đi đá bóng luôn khi trời vẫn còn nắng, mà không sử dụng bất kỳ một loại kem chống nắng nào.

Hậu quả là, một chất nhạy sáng có trong chanh là furocoumarin đã bị kích thích dưới tia UV-A từ ánh sáng Mặt Trời khiến người đàn ông bị bỏng.

Người đàn ông bị bỏng nặng chỉ vì vắt chanh rồi đi đá bóng: Tại sao 2 điều vô hại kết hợp với nhau, lại thành ra có hại?- Ảnh 2.

Anh báo cáo tay mình bắt đầu bị đỏ ửng ngay sau khi trận bóng kết thúc và có cảm giác rát. Ngưỡng tưởng triệu chứng sẽ biến mất hoặc dịu bớt sau một đêm ngủ. Nhưng không, sáng hôm sau người đàn ông đã thức dậy với hai bàn tay bị sưng.

Ngay lập tức, anh đã tới Bệnh viện Quân y Mike O'Callaghan để khám cấp cứu.

Tại đây, các bác sĩ đã chụp ảnh bàn tay anh và hỏi về tiền sử tiếp xúc với hóa chất nhưng người đàn ông nói rằng mình chỉ vắt hơn 10 quả chanh. Bác sĩ Miller sau đó đã nhanh chóng xác định đây chính là vấn đề.

" Chanh vốn chứa Furocoumarin có thể xâm nhập vào tế bào da, và đối với những tế bào da bị phơi dưới ánh sáng, chúng sẽ được kích hoạt khi tiếp xúc với tia cực tím ", ông cho biết. " Ánh sáng khiến các hóa chất hình thành liên kết chéo với các bazơ pyrimidine trong DNA. Điều này liên kết vật liệu di truyền sợi đôi với nhau, ngăn chặn quá trình sao chép, từ đó dẫn đến chết tế bào và viêm".

Các phản ứng viêm do Phytophotodermatitis gây ra thường đạt đỉnh sau 48 tiếng đồng hồ, khiến khu vực da bị tiếp xúc phù nề, nổi bọng nước giống như bỏng. Người đàn ông sau đó đã được điều trị bằng kem bôi steroid và thuốc mỡ.

Phải đến 2 tuần sau, các vết bọng nước mới xẹp đi và đóng vảy. Và một vài tháng nữa để các vết thương hồi phục hoàn toàn.

Người đàn ông bị bỏng nặng chỉ vì vắt chanh rồi đi đá bóng: Tại sao 2 điều vô hại kết hợp với nhau, lại thành ra có hại?- Ảnh 3.

Các bác sĩ cho biết họ cần báo cáo trường hợp này lên một tạp chí y khoa để cảnh báo người dân về phản ứng viêm da gây ra bởi ánh sáng và thực vật Phytophotodermatitis. Ngoài chanh, nhiều loài thực vật khác như cam, quýt, bưởi, cần tây, cà rốt, rau mùi tây, mù tạt, thì là, củ cải đường, sung, xoài cũng chứa các chất nhạy sáng như furocoumarin.

Nó cũng được tìm thấy trong một số loài cỏ dại như cỏ giám mục (Ammi majus), cây hogweed Ba Tư (Heracleum persicum), cây hogweed Sosnowsky (Heracleum sosnowskyi), cây hogweed khổng lồ (Heracleum mantegazzianum), cây bạch chỉ Hàn Quốc (Angelica gigas) và cây hoa mao lương.

Điều thú vị là trong quá khứ, người Ai Cập cổ đại từng lợi dụng hiệu ứng Phytophotodermatitis như một cách để điều trị bệnh bạch biến (những người bị mất sắc tố da và trở nên trắng bệnh). Các cuộn tài liệu từ giấy cói của thầy thuốc Ai Cập cho thấy họ đã bôi tinh dầu cỏ giám mục lên người bị bạch biến, sau đó yêu cầu họ phơi nắng để tạo ra vết thương làm sẫm màu da.

Ngoài ra, Phytophotodermatitis không chỉ có tác dụng với da người, mà còn có thể làm bỏng rộp cả da động vật, thậm chí cả da đã được thuộc. Đó là lý do tại sao bạn thấy chiếc áo da của mình có thể bị phồng khi bị dính nước chanh, nước cam hoặc tinh dầu xông phòng.

Một số sản phẩm tinh dầu dùng trong xe hơi cũng chứa nhiều chất nhạy sáng, mà nếu vô tình bị đổ hoặc giây ra nội thất da hoặc thậm chí là nhựa bên trong ô tô, nó cũng có thể gây "bỏng" và làm phồng rộp các đồ vật đó.

Người đàn ông bị bỏng nặng chỉ vì vắt chanh rồi đi đá bóng: Tại sao 2 điều vô hại kết hợp với nhau, lại thành ra có hại?- Ảnh 4.

Nhiều người treo tinh dầu cam quýt trong xe hơi, không biết rằng chúng có thể gây bỏng.

Để phòng tránh Phytophotodermatitis, các bác sĩ khuyến cáo bạn nên tránh ánh sáng Mặt Trời sau khi tiếp xúc với các loại thực vật có khả năng chứa chất nhạy sáng. Nếu bạn bắt buộc phải tiếp xúc với những loại cây này khi ở ngoài trời, hãy rửa sạch vùng da bị ảnh hưởng ngay lập tức.

Phải mất từ 30 đến 120 phút trước khi các chất nhạy sáng được hấp thụ vào da của bạn. Nếu bạn có thể rửa sạch trước khi chúng có thời gian để hấp thụ, bạn có thể ngăn ngừa phản ứng hóa học với ánh nắng Mặt Trời.

Ngoài ra, bạn không nên sử dụng các loại tinh dầu hoặc kem dưỡng da có chứa tinh dầu họ cam quýt, hoặc các loài thực vật chứa chất nhạy sáng như đã liệt kê phía trên.

Bạn cũng cần biết một số loại thuốc có chứa một số chất có thể làm tăng mức độ nhạy cảm ánh sáng trên da bạn như thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng sinh doxycycline, thuốc chống nấm voriconazole và griseofulvin, thuốc lợi tiểu furosemide và hydrochlorothiazide.

Vậy nên, đây là một kinh nghiệm xương máu với phản ứng Phytophotodermatitis mà bạn có thể học được từ báo cáo nghiên cứu này. Rằng đôi khi, hai thứ tưởng chừng vô hại và chẳng liên quan gì tới nhau, khi kết hợp với nhau lại trở thành có hại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại